Bộ Xây dựng hoàn thành tốt công tác chỉ đạo, điều hành năm 2022
Tính đến ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 59,91% số nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2022.
15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 80 nhiệm vụ cụ thể
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 28/QĐ-BXD ngày 20/01/2022 ban hành Chương trình hành động để triển khai với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 80 nhiệm vụ cụ thể, trong đó phân công rõ đơn vị chủ trì, tiến độ, thời gian hoàn thành.
Tính đến nay, Bộ Xây dựng đã thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch đáng chú ý như tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực nội thành/nội thị ước đạt 41,7%; Tỷ lệ đô thị hóa cả nước tính theo khu vực toàn đô thị ước đạt 53,7%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 93%; Tỷ lệ nước thải được thu gom ước đạt 15%. Tính đến tháng 11/2022, chỉ có sản lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng giảm, trong khi sản lượng tiêu thụ các vật liệu xây dựng chủ yếu khác như gạch ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng… đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng đã hoàn thành tốt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, trình và được Chính phủ ban hành 4 Nghị định, 1 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 6 Thông tư.
Đối với công tác quản lý Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 1 đồ án; 1 đồ án điều chỉnh cục bộ; 9 nhiệm vụ quy hoạch chung và nghiên cứu cho ý kiến góp ý đối với 82 đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và quản lý kiến trúc.
Về công tác quản lý phát triển đô thị, tính đến hết tháng 11/2022, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 11 đô thị loại II và công nhận theo thẩm quyền 5 đô thị loại IV; thực hiện hướng dẫn thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh và tham gia thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Về quản lý, phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đang triển khai Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22/12/2021; xây dựng văn bản đề xuất đưa 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vào Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét tại Phiên họp thứ 22, tháng 4/2023.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,78 triệu m2, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn.
Để ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” bất động sản, đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định lành mạnh, Bộ Xây dựng đã kiến nghị một số giải pháp liên quan đến sửa đổi chính sách, pháp luật về đấu giá và tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương.
Bộ Xây dựng hoàn thành 60% nhiệm vụ được giao
Trong công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo cấp nước an toàn, chống thất thoát nước sạch; ứng phó với thiên tai, bão lụt; tăng cường hiệu quả phòng cháy chữa cháy; chiếu sáng đô thị…
Bộ cũng tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng và giám sát chất lượng công trình, đặc biệt là đôn đốc các địa phương thực hiện các giải pháp liên quan đến xác định, công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên điạ bàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của địa phương theo quy định.
Về công tác quản lý vật liệu xây dựng, Bộ đã tích cực nghiên cứu và thực hiện tổ chức lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đảm bảo dự án thực hiện đúng tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, 50 địa phương đã thực hiện công bố giá vật liệu theo tháng và 13 địa phương thực hiện công bố theo quý.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) với các nước Cuba và An-giê-ri; triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ trong lĩnh vực xây dựng theo các nội dung đã cam kết tại CPTPP và EVETA; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức đón tiếp 94 đoàn khách quốc tế trong năm 2022.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu; thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, tiến hành số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính…
Mặt khác, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành “Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng”; Ban hành Quyết định số 385/QĐ-BXD ngày 12/05/2022 về việc phê duyệt “Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26)”; tổ chức chương trình Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 với chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26”.
Tính đến ngày 30/11/2022, Bộ Xây dựng đã hoàn thành 136 trong tổng số 227 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đạt tỷ lệ 59,91%, chỉ có 2 nhiệm vụ quá hạn và 89 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Dịch Phong