22/12/2017

Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Quản lý Phát triển Đô thị

Ngày 21/12, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp triển khai xây dựng Luật Quản lý Phát triển Đô thị (QLPTĐT). Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh và lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ.


Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu thấu đáo vấn đề quản lý sử dụng đất đô thị.

Tiến độ khẩn trương

Đại diện ban soạn thảo (BST), báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (PTĐT) Nguyễn Tường Văn cho biết: Tiến độ xây dựng luật QLPTĐT đang được triển khai rất khẩn trương. Ngày 8/6/2017, Quốc hội thông qua chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, trong đó có nhiệm vụ xây dựng luật Quản lý PTĐT. Ngày 11/8/2017, Thủ tướng ban hành quyết định phân công Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo. Cũng trong tháng 8, Bộ Xây dựng thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập. Từ đó đến nay, Bộ đã tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp xin ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế cho dự thảo Luật.

Theo lộ trình, dự thảo Luật sẽ trình Chính phủ vào tháng 3/2018; Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 4/2018 và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2018.

Cũng theo Cục trưởng Cục PTĐT, trong quá trình triển khai xây dựng Luật, BST đã rà soát 16 Luật, 2 Nghị quyết và 15 Nghị định, trong đó có Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư PTĐT; Nghị định 59/2015/NĐ-CP triển khai luật Xây dựng; Nghị định 43/2014/NĐ- CP triển khai luật Đất đai; Nghị định 118/2015/NĐ-CP triển khai Luật Đầu tư; Nghị định 99/2015/NĐ-CP triển khai Luật Nhà ở.

Kết quả đánh giá thực thi pháp luật phát hiện những khoảng trống, nội dung còn trồng chéo, chưa phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Một số nội dung mới liên quan đến phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng; một số phương thức huy động nguồn lực tài chính cho PTĐT chưa có văn bản điều tiết.

Phân tích thực trạng PTĐT, ông Nguyễn Tường Văn cho biết, vẫn còn nhiều bất cập. Sự hình thành và PTĐT còn thiếu kiểm soát. Sự phát triển hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ. Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị dàn trải, chưa theo quy hoạch, kế hoạch. Khả năng ứng phó với BĐKH của các đô thị chưa cao. Nguồn lực PTĐT còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả. QLPTĐT chưa hiệu quả.

Từ thực tế trên, BST xác định 6 chính sách quan trọng, là cơ sở để triển khai xây dựng luật QLPTĐT. Chính sách thứ nhất là PTĐT theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch.

Chính sách 2, phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó bao gồm cả phát triển hạ tầng đô thị tại đô thị hiện hữu và tại đô thị mới. Chính sách này cũng quy định việc quản lý xây dựng các hệ thống hạ tầng đô thị; quản lý không gian ngầm, xây dựng công trình ngầm; sử dụng và khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; giá dịch vụ sử dụng hạ tầng đô thị…

Chính sách 3, quy định quản lý đầu tư PTĐT theo khu vực phát triển đô thị; dự án đầu tư đầu tư xây dựng KĐTM và dự án cải tạo, tái thiết KĐT.

Chính sách 4, phát triển đô thị ứng ứng phó BĐKH, tăng trưởng xanh, thông minh. Dự thảo luật sẽ đề cập đến các cơ chế ưu đãi, khuyến khích PTĐT thích ứng với BĐKH và quy định xây dựng tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và quản lý đô thị thích ứng BĐKH, tăng trưởng xanh, thông minh.

Chính sách 5, đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho PTĐT. Theo đó, dự thảo luật quy định các nguyên tắc huy động, sử dụng nguồn lực tài chính và hướng dẫn một số phương thức và hình thức như thu thuế và tiền sử dụng đất; khai thác quỹ đất đô thị; khai thác, sử dụng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật; huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư; quỹ đầu tư PTĐT…

Chính sách 6, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về PTĐT. Luật QLPTĐT sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp trong thực hiện QLPTĐT, quy định nguyên tắc về phương thức, quy trình tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trọng QLPTĐT…


Bộ trưởng đôn đốc tiến độ, chất lượng xây dựng dự thảo luật QLPTĐT

Tiếp tục rà soát, làm rõ hơn các nội dung trong dự thảo luật

Tại cuộc họp, BST cũng đã giới thiệu khung cấu trúc và các nội dung chính của dự thảo luật QLPTĐT. Lãnh đạo các Vụ Kiến trúc Quy hoạch, Cục Hoạt động Xây dựng, Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Vụ Pháp chế… đã đóng góp ý kiến cho các cơ chế chính sách, nội dung các chương, điều được quy định trong dự thảo Luật.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết: Qua các cuộc họp, hội thảo, đến thời điểm này, dự thảo Luật QLPTĐT về cơ bản đã bám sát 6 chính sách. Trên cơ sở 6 chính sách đó, BST đã đưa ra các quy định, nguyên tắc quản lý để bảo đảm đúng tư tưởng khi Bộ trình Chính phủ…

Dự thảo đã trả lời được yêu cầu của Bộ trưởng về khung pháp lý, nội dung, công cụ, thẩm quyền quản lý. Đặc biệt, nội dung quản lý được được điều tiết trong luật đã được làm rõ. Theo đó, QLPTĐT trên cơ sở chương trình, quy hoạch, kế hoạch, kiểm soát qua dự án phát triển đầu tư đô thị. Dự thảo luật đã quy định rõ các đối tượng quản lý và công cụ quản lý… BST cũng đã có phân tích kỹ liên quan đến khái niệm và nội hàm quản lý dự án đầu tư đô thị…

Tuy nhiên, Thứ trưởng vẫn đề nghị BST tiếp tục làm rõ các ý kiến đóng góp cụ thể của các cục, vụ tại cuộc họp. Thứ trưởng đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng liên quan đến vấn đề nguồn lực phát triển đô thị, bao gồm huy động, sử dụng nguồn lực tài chính PTĐT.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà hoan nghênh, đánh giá cao BST đã tập trung cao trong việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện dự thảo. So với các dự thảo đầu, dự thảo lần này đã rõ hơn, trình bày có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ trưởng đề nghị BST bổ sung thêm một số khái niệm, những vấn đề được đề cập trong nội dụng của luật, như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị tiết kiệm năng lượng…

Vấn đề sử dụng đất đô thị, dự thảo luật phải nghiên cứu ở mức thấu đáo nhất. Bởi QLPTĐT liên quan đến sử dụng đất đô thị hiệu quả, tiết kiệm. Đất cũng là nguồn lực phát triển đô thị.

Bộ trưởng yêu cầu BST rà soát, chỉnh sửa dự thảo, gửi xin ý kiến trong tháng 12; Tiếp tục rà soát các Luật, Nghị định liên quan xem cần sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ những điểm, nội dung nào đó ở các luật đó. Trong đó, đặc biệt chú ý Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…

BST cần tiếp tuc, rà soát, làm rõ thêm về các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh ở trong dự thảo luật. Trên cơ sở rà soát các luật, BST xác định những nội dung chồng lấn, các sự thay đổi về thủ tục, trình tự đầu tư xây dựng cơ bản, các vấn đề về sử dụng đất, thuế, phí, quỹ…

Các nội dung điều chỉnh liên quan các Bộ KH&ĐT, TN&MT, Tài chính… BST phải có báo cáo riêng để Bộ trưởng bố trí trực tiếp làm việc với Bộ trưởng các Bộ liên quan để sớm đi đến thống nhất. BTS tiếp tục, bổ sung báo cáo đánh giá tác động của luật QLPTĐT.

Bộ trưởng nhận định: Việc xây dựng luật QLPTĐT khó, nội dung lớn, thời gian không nhiều nhưng vẫn còn cơ hội để nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề. Trong quá trình triển khai, BST phải cập nhật liên tục các vấn đề mới và báo cáo Bộ trưởng thường xuyên, bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Quý Anh/BXD