Bộ Xây dựng báo cáo về việc tham gia chương trình CoST quốc tế
Bộ Xây dựng vừa có Văn bản số 1683/BXD-HTQT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về quá trình thực hiện dự án CoST tại Việt Nam và đề xuất việc tham gia dự án CoST.
Ảnh minh họa
Sáng kiến minh bạch hóa trong hoạt động xây dựng (CoST) là một chương trình quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với các dự án xây dựng sử dụng vốn đầu tư công. Chương trình CoST được triển khai giai đoạn thí điểm bắt đầu từ năm 2008 tại 8 quốc gia: Vương Quốc Anh, Zambia, Tanzania, Ethiopia, Malawi, Guatemela, Philippines và Việt Nam. Dự án CoST tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan thực hiện theo thông báo của Văn phòng Chính phủ tại công văn số 6712/VPCP-VI ngày 19/11/2007 và công văn số 1713/VPCP-VI ngày 19/3/2008. Dự án CoST giai đoạn thí điểm và giai đoạn chuyển tiếp tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển quốc tế Anh (DFID) tài trợ được triển khai thực hiện trong năm 2010 và năm 2012 đã đạt được thành công bước đầu.
Năm 2010, dự án đã triển khai được các hoạt động như nghiên cứu cơ sở; thí điểm công khai thông tin tại 10 dự án; thí điểm phân tích, đánh giá độc lập; tiếp thu ý kiến các bên liên quan và xây dựng đề xuất cho giai đoạn sau tại một số dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công trong các lĩnh vực đường bộ, nhà ở, cảng biển, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện quá ngắn, kinh phí hỗ trợ hạn chế nên dự án thí điểm mới chỉ đánh giá được về hình thức và quy trình thực hiện, chưa có đủ dữ liệu và thời gian để phân tích, đánh giá hiệu quả tổng thể thực chất của dự án CoST.
Năm 2012, Vương Quốc Anh tiếp tục tài trợ để triển khai chương trình CoST giai đoạn chuyển tiếp. Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Ban quản lý dự án CoST, Bộ Xây dựng cùng tư vấn đã có Báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất cần tiếp tục triển khai Chương trình theo diện rộng hơn, dài hơn mới đủ thời gian và dữ liệu để phân tích, đánh giá và đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng cho tất cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Báo cáo dự án đã được Ban Thư ký CoST quốc tế và một số tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, JICA, DFID… đánh giá cao. Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ban Thư ký CoST quốc tế vận động các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ kinh phí để thực hiện giai đoạn mở rộng. Tuy nhiên, đến hết năm 2016 vẫn chưa có tổ chức tài chính quốc tế nào sẵn sàng tài trợ cho Chương trình CoST giai đoạn mở rộng tại Việt Nam. Do đó, dự án CoST giai đoạn mở rộng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và từ năm 2016 đến nay dự án CoST Việt Nam tạm thời dừng hoạt động.
Sau khi nghiên cứu yêu cầu của Ban Thư ký CoST quốc tế, Bộ Xây dựng thấy rằng, có sự khác biệt giữa yêu cầu của CoST quốc tế và quy định hiện hành của Việt Nam về nội dung và yêu cầu giải trình, đặc biệt là vai trò của nhóm Đa biên, trong đó có các tổ chức phi chính phủ. Để đạt được mục tiêu như CoST quốc tế đặt ra, đòi hỏi phải điều chỉnh lại các luật có liên quan, trong đó phải bổ sung các quy định công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của chủ dự án và các cơ quan liên quan, từ chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kể cả hiệu quả đầu tư trong giai đoạn khai thác, sử dụng. Nếu tiếp tục tham gia chương trình này, Việt Nam sẽ phải có cam kết điều chỉnh lại các pháp luật có liên quan như những giải trình nêu trên.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thông báo tới Ban Thư ký CoST quốc tế về việc dừng tham gia Chương trình CoST tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng tham gia các hội thảo liên quan đến CoST và sẽ nghiên cứu kết quả thực hiện chương trình CoST tại các quốc gia khác và tư vấn của Ban Thư ký CoST quốc tế để điều chỉnh các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công cho phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định tiếp tục tham gia Chương trình này, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối thực hiện Chương trình sẽ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về quản lý kế hoạch đầu tư, đấu thầu, giám sát, đánh giá đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai Chương trình, sau khi có tổ chức tài chính quốc tế tài trợ và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Chương trình này.
Thu Giang/BXD