10/08/2022

Bộ Xây dựng bàn cách gỡ khó cho các nhà thầu xây dựng

Ngày 9/8, tại trụ sở Bộ Xây dựng đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam để giải quyết các vướng mắc, khó khăn theo đề xuất, kiến nghị của Hiệp hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại cuộc họp

Mở đầu cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ những khó khăn đối các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Xây dựng bởi có những vấn đề quy định pháp luật chưa theo kịp. Đây là cuộc gặp gỡ để hai bên cùng rà soát, đánh giá và có hướng xử lý kịp thời.

Thách thức nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đưa ra những khó khăn, vướng mắc mà các nhà thầu xây dựng đang gặp phải. Đó là nợ xấu, những khoản nợ mà cơ chế pháp luật không xử lý được, tòa án cũng không can thiệp được.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ: Trong công nợ có 2 loại, nợ đầu tư công và nợ bên ngoài. Nhiều chủ đầu tư chỉ trả 70% tổng hợp đồng công trình rồi chây ỳ không chịu thành toán nốt, điều này khiến cho các nhà thầu rơi vào bế tắc, không có tiền trả lãi ngân hàng, không có tiền nuôi nhân công… dẫn đến kiệt quệ và phá sản. Chính vì vậy, cần có cơ chế như xin phép Thủ tướng để các cơ quan truyền thông được công bố các chủ đầu tư nợ không thanh toán, điều này sẽ khiến cho các chủ đầu tư sợ mất uy tín, sẽ không dẫn đến tình trạng công trình xong và đã nghiệm thu nhưng 5 hoặc 7 năm sau mới thành toán cho các nhà thầu.

Cần cơ chế bảo lãnh thanh toán

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ Hiệp hội các công trình vốn ngoài ngân sách. Hiệp hội đã đề nghị xin cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư. Nếu vốn ngân sách thì không làm được, nhưng đối với công trình ngoài xã hội phải có bảo lãnh thanh toán.

Trong điều kiện khi ký hợp đồng với chủ đầu tư hầu như nhà thầu không được bình đẳng, không có cách nào đàm phán với chủ đầu tư nếu như không có quy định của pháp luật. Chính vì vậy, cần có cơ chế về bảo lãnh thanh toán, cơ chế về hợp đồng.

Rất nhiều các nhà thầu hiện nay càng làm càng lỗ, càng làm càng chết, đó là nghịch lý chưa bao giờ xảy ra. Doanh nghiệp thì đói công việc nhưng nghĩ đến đầu tư công lại sợ, sợ cơ chế thanh toán.

Chính vì vậy, nợ đầu tư công cần được giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, có nợ 3 năm, 5 năm không giải quyết, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê lại, báo cáo Chính phủ xử lý nợ đọng này.

Đơn giá, định mức còn chưa đáp ứng được thực tế công việc. Nếu Bộ trưởng cho phép, Hiệp hội sẵn sàng tham mưu cho Viện Kinh tế, Cục Kinh tế để thực sự cải tiến hệ thống định mức, đơn giá. Bởi với hệ thống định mức, đơn giá hiện nay nhà thầu càng làm càng lỗ.

Giá vật liệu tăng trong thời gian qua cũng là một cản trở rất lớn cho các nhà thầu khi phải bù lỗ và không được các nhà đầu tư trợ giá.

Hệ thống thanh tra còn chồng chéo nhiều cấp thanh tra: Bộ, Sở, quận, phường, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ… đều vào thanh tra, khiến cho công việc gặp cản trở.

Bất cập các quy định luật

Luật Phòng cháy chữa cháy cũng có nhiều bất cập. Tiêu chuẩn Phòng cháy chữa cháy của Việt Nam cao nhất thế giới, mặc dù các nhà thầu lấy tiêu chuẩn của Mỹ sang lắp vào của Việt Nam, như: cửa ra vào yêu cầu chống cháy được 70 phút, khâu đốt cửa thử độ chống cháy chưa thực sự hiệu quả gây lãng phí.

Rèm chống cháy chỉ có nhập khẩu và chỉ có doanh nghiệp do Cục Phòng cháy chữa cháy chỉ định nhập, do đó giá thành vọt lên, nhưng không mua ở các doanh nghiệp này thì các nhà thầu không thể mua ở đâu.

Về cơ chế đấu thầu đầu tư công, hiện Thủ tướng đang có kế hoạch chỉ định thầu một số gói thầu, nên phân chia gói thầu như thế nào cho hợp lý, như gói thầu Long Thành. Gói thầu lớn nên cơ hội cho nhà thầu Việt Nam đủ tiêu chuẩn là rất khó. Nên khó tránh khỏi xảy ra hiện tượng các nhà thầu Việt Nam phải đi làm thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài. Trong khi năng lực thi công, năng lực công nghệ của các nhà thầu Việt Nam tiến triển rất nhanh và có trình độ cao.

Các nhà thầu Việt Nam hiện nay làm công trình ngầm, công trình 81 tầng rất bài bản, quy củ, sạch sẽ, nghiêm túc… đấy là những tiềm năng lớn để phát triển nếu các nhà thầu Việt Nam có biện pháp hỗ trợ hữu hiệu.

Về vấn đề đào tạo, trước kia Bộ Xây dựng quản lý hệ thống các doanh nghiệp. Sau khi các doanh nghiệp tự lo thì doanh nghiệp không biết bấu víu vào đâu, đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ không có khả năng đào tạo. Hiệp hội đề nghị các doanh nghiệp lớn đứng ra cung cấp dịch vụ cung cấp thợ, rất mong có những ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ từ Bộ Xây dựng.

Để cho hoạt động của các doanh nghiệp ngành Xây dựng được thuận lợi Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, tập hợp tinh hoa của ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng cần hỗ trợ cho các nhà thầu, đồng thời Bộ Xây dựng cũng tham mưu các chính sách phù hợp với thực tiễn ngành Xây dựng.

Toàn cảnh cuộc họp

Bộ Xây dựng tăng cường bảo vệ nhà thầu

Trả lời cho những vấn đề nêu ra của Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu: Các doanh nghiệp nhà thầu Việt Nam đã có bước phát triển nhất định, năng lực vượt trội, nhiều kinh nghiệm trong xây dựng. Trong giai đoạn hiện nay đã phải chịu nhiều khó khăn, vướng mắc, ngành Xây dựng tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đất nước chúng ta đang phát triển có nhiều dư địa tập trung đầu tư phát triển. Nếu chúng ta không chia sẻ, tháo gỡ thì các nhà thầu Việt Nam sẽ bị thụt lùi và buộc phải nhường thị trường cho nhà thầu nước ngoài. Bộ Xây dựng cảm ơn những ý kiến thực tế, thẳng thắn của Hiệp hội và các doanh nghiệp.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị trong Bộ chia sẻ với doanh nghiệp, cụ thể hơn nữa khi làm việc với Hiệp hội Nhà thầu, đây là tiếng nói thực tế trong quá trình xây dựng chính sách, thực hiện quản lý nhà nước, tăng cường trao đổi, lắng nghe cho thực chất.

Các đơn vị thống nhất theo hướng tăng cường bảo vệ nhà thầu, nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ có đề xuất cụ thể, mức độ nào phải cụ thể, quy định phù hợp, theo hướng bảo vệ nhà thầu, thống nhất với quy định của pháp luật.

Bộ trưởng thừa nhận mặc dù đã có quy chế phối hợp của Bộ Xây dựng với Tổng hội, các Hiệp hội có 6 lĩnh vực, 3 lĩnh vực Hiệp hội tham gia, nhưng Bộ chưa thực hiện quyết liệt, đúng quy chế này.

Bộ Xây dựng hàng năm sẽ làm việc với các Tổng hội, Hiệp hội từ đó có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Mới đây, Bộ trưởng đã làm việc với Tổng hội, Hội kiến trúc sư và hôm nay là Hiệp hội Nhà thầu…

Liên quan đến nợ đọng, Bộ Xây dựng cũng đã đánh động thực trạng. Hợp đồng, vướng nhất là hợp đồng đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, pháp luật không cho điều chỉnh, nếu điều chỉnh phải thuộc trường hợp bất khả kháng…

Về định mức, đánh giá định mức lạc hậu, thấp, công việc mới không có; hơn 3.000 định mức trong đó Bộ Xây dựng 1.500, các bộ ngành và UBND tỉnh 1.800 định mức. Bộ Xây dựng đã rà soát, loại bỏ hơn 1.000 định mức lỗi thời, lạc hậu. Mong rằng, Hiệp hội sẽ tham gia tích cực xây dựng định mức mới cùng Bộ Xây dựng.

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, giao Vụ Khoa học công nghệ tiếp tục làm việc, thuyết phục Bộ Công an để giải quyết các vướng mắc mà Hiệp hội đã nêu ra.

Bộ Xây dựng và Hiệp hội Nhà thầu sẽ có ít nhất mỗi năm làm việc 1 lần theo quy chế để lắng nghe, đánh giá, tháo gỡ các vướng mắc, để cùng Hiệp hội tham gia xây dựng pháp luật, ban soạn thảo, tổ biên tập quy chuẩn, tiêu chuẩn…

Cuộc gặp này sẽ có sự chuyển biến tích cực, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng đã cùng nhau tháo gỡ được nhiều vướng mắc và khó khăn.

Hạ Ly/BXD