Sáng 5/6, tại phiên chất vấn, các đại biểu đã gửi nhiều câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể xung quanh việc chậm tiến độ, đội vốn của tuyến đường sắt đô thị, trong đó có đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Thể khẳng định, rất muốn sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành thương mại. Tuy nhiên, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của quốc gia, liên quan đến sinh mệnh của hành khách nên muốn vận hành thương mại thì tư vấn phải chứng nhận được an toàn hệ thống.
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ
“Muốn chứng nhận được an toàn hệ thống thì chúng ta phải được nghiệm thu, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến thiết bị, linh kiện. Việc này tư vấn đang làm cùng với Bộ. UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo Công ty đường sắt HN đào tạo khoảng 800 người sử dụng phương tiện này.
Hiện đang vận hành thử không tải và điều chỉnh số liệu, đồng thời, người sử dụng phải am hiểu thuần thục mới vận hành thương mại, nếu không xảy ra sự cố sẽ rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang phối hợp với Hà Nội, các cơ quan chức năng cố gắng kết thúc nghiệm thu và có chứng nhận an toàn hệ thống để vận hành thương mại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Về thời gian, theo ông Thể, hiện Bộ đang làm việc với tổng thầu yêu cầu thay người quản lý, làm việc với cơ quan chức năng của Trung Quốc để cung cấp các thông tin, quy trình vận hành, sửa chữa… để dự án đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bởi còn nhiều dự án khác, nếu dự án này gặp vấn đề sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi sẽ cố gắng tối đa và nếu không làm hết trách nhiệm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Thể nhấn mạnh.
Về dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định chứ không phải thi tuyển.
“Quá trình triển khai dự án, tổng thầu xây dựng đường sắt rất tốt, nhưng vận hành đường sắt thiếu kinh nghiệm, vì thi công và vận hành tàu đường sắt đô thị khác nhau. Do đó, chúng tôi đánh giá tổng thầu này thiếu kinh nghiệm.
Chúng tôi đã làm việc nhiều lần với các đơn vị liên quan của Trung Quốc, Đại sứ quán, Bộ Giao thông của Trung Quốc để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành”, ông Thể nói.
Ông thông tin thêm, hiện dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống.
“Bộ GTVT đã thuê một số tư vấn nước ngoài, trong đó tư vấn Pháp đứng đầu để đánh giá an toàn hệ thống. Nếu tổng thầu cung cấp thông tin không chuẩn thì tư vấn sẽ không thông qua phương án an toàn hệ thống”, ông Thể nói.
Bộ trưởng Thể khẳng định đang cùng Tổng thầu, đơn vị liên quan cố gắng kết thúc 1% phần việc còn lại của dự án, trong đó có việc chứng nhận tất cả thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống; khi đó mới có thể vận hành thương mại tuyến đường sắt này.
N.Huyền/infonet.vn