Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, từ 01/01/2018 không còn việc phạt cho tồn tại trong xử lý sai phạm trật tự xây dựng.
Giải trình tại hội trường hôm nay (27/11) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, từ 01/01/2018 không còn có việc phạt cho tồn tại nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, để thực hiện được, chúng ta phải làm tất cả các khâu thật sự chặt chẽ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình tại hội trường ngày 27/11
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, các vấn đề bức xúc tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xây dựng thực tế hiện nay được các đại biểu nêu ra hết sức xác đáng, song cần được giải quyết cả bằng việc hoàn thiện thể chế, cùng với việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.
Về việc quản lý trật tự xây dựng, thanh tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, pháp luật về xây dựng còn chịu sự điều chỉnh của một số luật khác như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh xây dựng đất đai… Chính phủ cũng đã có kế hoạch để thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đối với lĩnh vực xây dựng để tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động xây dựng hiện nay, trong đó có việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật về xây dựng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện ở một số địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, sau khi có tổng kết, đánh giá về việc này thì sẽ có kiến nghị với Quốc hội về điều chỉnh pháp luật có liên quan để mở rộng trong toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 139 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, từ ngày 01/01/2018 không còn việc phạt cho tồn tại tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.
Trước một số ý kiến còn băn khoăn về việc hiện đang thực hiện đồng thời hai thủ tục là thẩm định thiết kế và cấp phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, theo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, có nước chỉ sử dụng một công cụ cấp phép, có nước chỉ sử dụng một công cụ thẩm định, nhưng cũng có nước sử dụng đồng thời cả hai thủ tục này.
Quan điểm của Bộ Xây dựng là sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm sao để đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp, nhưng đồng thời phải bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về quản lý chất lượng xây dựng công trình.
Theo hướng này và ở mức độ nghiên cứu bây giờ, trong dự thảo luật đã có đề xuất về việc tích hợp một số nội dung ở trong công tác cấp phép thẩm định để giảm thời gian và thủ tục.
Cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về dự án quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, các chỉ tiêu này có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định của luật, đề nghị được quy định tại nghị định hướng dẫn thi hành luật./.
Vân Anh/VOV