08/06/2018

Bộ KH&ĐT giải đáp 6 tình huống đấu thầu

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Hoàng Ngọc Phát đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn một số vướng mắc trong quá trình tham gia đấu thầu.


Ảnh minh họa

Tình huống 1: Thời gian thực hiện hợp đồng tư vấn thiết kế công trình xây dựng của gói thầu A là 30 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Trong vòng 30 ngày, nhà thầu đã nộp đầy đủ sản phẩm hồ sơ thiết kế công trình theo quy định trong hợp đồng và chủ đầu tư đã tổ chức nghiệm thu sản phẩm thiết kế, nhưng chủ đầu tư chỉ thanh toán 95% giá trị hợp đồng và giữ lại 5%.

Tuy nhiên, 2 năm sau (tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực) công trình A mới hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng (trong thành phần nghiệm thu công trình có nhà thầu tư vấn thiết kế tham gia và ký tên trên biên bản nghiệm thu), chủ đầu tư đã thanh toán 5% giá trị hợp đồng còn lại cho nhà thầu tư vấn.

Vậy trong trường hợp này, thời gian thực hiện hoàn thành hợp đồng tư vấn thiết kế theo thực tế là 30 ngày hay là 2 năm? Khi thấy công trình kéo dài chủ đầu tư với nhà thầu tư vấn có cần ký kết phụ lục điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng cho phù hợp thực tế hay không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Khoản 7, Điều 35 Luật Đấu thầu quy định thời gian thực hiện hợp đồng là số ngày tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng, trừ thời gian thực hiện nghĩa vụ bảo hành (nếu có).

Theo đó, việc xác định thời gian thực hiện hợp đồng được thực hiện theo quy định nêu trên. Trường hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng có phát sinh chi phí hoặc thay đổi tiến độ thực hiện thì các bên phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng để làm cơ sở thực hiện. Việc điều chỉnh hợp đồng phải tuân thủ theo quy định tại Điều 67 Luật Đấu thầu và Điều 93 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Tình huống 2: Hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa yêu cầu cung cấp 1 hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành ít nhất 80% khối lượng công việc của hợp đồng, giá trị hợp đồng tương tự hơn 3 tỷ đồng. Trong hồ sơ dự thầu nhà thầu nộp 1 hợp đồng tương tự có giá trị 3,2 tỷ đồng và cung cấp kèm theo hóa đơn GTGT, biên bản thanh lý để chứng minh đã thực hiện hoàn thành hợp đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị quyết toán thực tế công việc theo hóa đơn GTGT và biên bản thanh lý là 2,5 tỷ đồng.

Công ty hỏi, khi đánh giá về giá trị hợp đồng tương tự thì căn cứ vào giá trị hợp đồng đã ký kết ban đầu 3,2 tỷ đồng hay căn cứ vào giá trị thực tế nhà thầu đã thực hiện 2,5 tỷ đồng? Nếu căn cứ vào giá trị hợp đồng đã ký kết thì nhà thầu được đánh giá là đạt yêu cầu về hợp đồng tương tự, nếu căn cứ vào giá trị thực tế thì nhà thầu bị đánh giá là không đạt về hợp đồng tương tự?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.

Theo đó, việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia (Khoản 2 Điều 76 Luật Đấu thầu).

Tình huống 3: Trong thỏa thuận liên danh gói thầu mua sắm hàng hóa, nhà thầu A ghi tỷ lệ đảm nhận các công việc của gói thầu là 50%, nhà thầu B ghi tỷ lệ đảm nhận các công việc là 50%. Tuy nhiên, phân công công việc, nhà thầu A đảm nhận cung cấp toàn bộ hàng hóa cho gói thầu, cung cấp nguồn lực tài chính để thực hiện gói thầu, mở bảo lãnh thực hiện hợp đồng và nhà thầu B chịu trách nhiệm cung cấp hợp đồng tương tự tham dự thầu, thực hiện giao hàng, nghiệm thu, thanh lý, nghĩa vụ bảo hành hàng hóa. Vậy, thỏa thuận liên danh phân chia công việc như vậy có hợp lệ không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Theo hướng dẫn tại Mục 2 Chương III Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hợp đồng cung cấp hàng hóa tương tự là hợp đồng trong đó hàng hóa được cung cấp tương tự với hàng hóa của gói thầu đang xét và đã hoàn thành, bao gồm:

– Tương tự về chủng loại, tính chất: có cùng chủng loại, tương tự về đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng với hàng hóa của gói thầu đang xét;

– Tương tự về quy mô: có giá trị hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá trị của gói thầu đang xét. Trường hợp trong hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu đã thực hiện từ hai hợp đồng tương tự trở lên thì nhà thầu phải đáp ứng tối thiểu một hợp đồng với quy mô, tính chất tương tự gói thầu đang xét.

Quy mô của các hợp đồng tương tự tiếp theo được xác định bằng cách cộng các hợp đồng có quy mô nhỏ hơn nhưng phải bảo đảm các hợp đồng đó có tính chất tương tự với các hạng mục cơ bản của gói thầu đang xét. Đối với nhà thầu liên danh thì năng lực, kinh nghiệm được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh song phải bảo đảm từng thành viên liên danh đáp ứng năng lực, kinh nghiệm đối với phần việc mà thành viên đó đảm nhận trong liên danh; nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm thì nhà thầu liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu.

Theo đó, việc quy định tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự trong hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên. Trường hợp hợp đồng tương tự của nhà thầu đã được thanh lý thì căn cứ vào giá trị hợp đồng mà nhà thầu thực hiện để xem xét về quy mô hợp đồng tương tự của nhà thầu.

Tình huống 4: Chào hàng cạnh tranh rút gọn, bên mời thầu gửi trực tiếp 3 bản yêu cầu báo giá đến 3 nhà thầu nhưng đến thời điểm đóng thầu chỉ có 2 nhà thầu nộp bản báo giá. Vậy có được mở thầu để đánh giá các báo giá hay hủy thầu hoặc gia hạn để bổ sung thêm cho đủ tối thiểu 3 nhà thầu nộp bản báo giá?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Theo hướng dẫn tại Khoản 6 Mục 2 Chương I Mẫu hồ sơ yêu cầu báo giá ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT ngày 27/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì một trong những điều kiện nhà thầu phải đáp ứng để có đủ tư cách hợp lệ tham gia nộp báo giá là đã đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn phải tuân thủ theo hướng dẫn nêu trên.

Liên quan đến việc có ít hơn 3 nhà thầu tham dự thầu, Khoản 4, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định trường hợp tại thời điểm đóng thầu đối với gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, có ít hơn 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất thì phải xem xét, giải quyết trong thời hạn không quá 4 giờ, kể từ thời điểm đóng thầu theo một trong hai cách sau đây:

– Cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất. Trong trường hợp này phải quy định rõ thời điểm đóng thầu mới và các thời hạn tương ứng để nhà thầu có đủ thời gian sửa đổi hoặc bổ sung hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đã nộp theo yêu cầu mới;

– Cho phép mở thầu ngay để tiến hành đánh giá.

Tình huống 5: Công ty A là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Công ty A có thành lập Phòng Quản lý Đấu thầu chuyên tổ chức đấu thầu các gói thầu mua sắm hàng hóa trong nội bộ toàn Công ty (thỉnh thoảng có tổ chức đấu thầu các gói thầu tư vấn thiết kế, xây lắp, giám sát thi công, bảo hiểm,… của Công ty) để phục vụ sản xuất kinh doanh trong Công ty. Các cá nhân trong Phòng Quản lý Đấu thầu tham gia lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, bản yêu cầu báo giá và đồng thời tham gia vào Tổ chuyên gia để đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, báo giá. Các cá nhân này đã có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản. Vậy, các cá nhân này có cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định tại Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Khoản 1, Điều 16 Luật Đấu thầu quy định cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu phải có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu và có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của gói thầu, dự án, trừ cá nhân thuộc nhà thầu.

Theo quy định tại Khoản 7, Điều 35, Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT ngày 5/5/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu, kể từ ngày 1/1/2018, cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp, đơn vị mua sắm tập trung phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

Theo đó, trường hợp các cá nhân thuộc phòng chức năng của doanh nghiệp Nhà nước (không phải thuộc các Ban QLDA chuyên nghiệp) tham gia trực tiếp vào việc lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu do doanh nghiệp Nhà nước này là chủ đầu tư theo nhiệm vụ được giao thì không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

Tình huống 6: Gói thầu mua sắm trực tiếp được thực hiện căn cứ trên hợp đồng của gói thầu tương tự đã được đấu thầu rộng rãi trước đó không quá 12 tháng. Vậy, khi áp dụng mua sắm trực tiếp có bắt buộc hợp đồng đấu thầu rộng rãi trước đó phải được nghiệm thu đạt yêu cầu và đã được thanh lý không?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24 Luật Đấu thầu quy định mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm hoặc thuộc dự án, dự toán mua sắm khác. Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: (i) nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó; (ii) gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó; (iii) đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó; (iv) thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.

Theo đó, việc áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp phải tuân thủ theo quy định nêu trên.

Theo Chinhphu.vn