Bình Định trên hành trình vươn tầm châu Á: Phát triển du lịch thông minh
Ứng dụng công nghệ thông minh mang đến sự thuận tiện cho du khách, gia tăng chất lượng của trải nghiệm tại điểm đến, góp phần nâng tầm du lịch Bình Định xứng đáng với tiềm năng vốn có.
Công nghệ – Bước đệm nâng tầm du lịch Bình Định
Phát triển du lịch thông minh được coi là xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Nhiều điểm đến của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như xây dựng các ứng dụng du lịch, áp dụng ví điện tử, dùng mã QR để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo…
Không nằm ngoài xu thế này, Bình Định cũng đang tiếp cận nhanh chóng với du lịch thông minh để tạo nên những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch là một trong những giải pháp trọng tâm của chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 14/5/2021 về phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020-2025. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Xây dựng chiến lược tổng thể truyền thông phát triển thương hiệu du lịch Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” diễn ra tại Quy Nhơn vừa qua.
Theo định hướng này, hàng loạt các giải pháp đồng bộ được đề xuất như xây dựng và phát triển nền tảng công nghệ số phục vụ truyền thông, quảng bá du lịch; Triển khai cổng thông tin du lịch và ứng dụng “Du lịch Quy Nhơn – Bình Định” nhằm bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch, bộ nhận diện thương hiệu; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ du khách. Các kênh thông tin như website quảng bá thương hiệu du lịch Bình Định, trang thương hiệu – fanpage… được chú trọng.
Cụ thể, Bình Định cần hướng tới chuẩn hóa các nội dung số giới thiệu về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu của địa phương; tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch qua nhiều ấn phẩm điện tử, mạng xã hội; ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường và các công nghệ tiên tiến khác nhằm tăng giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch…
Đồng thời, Hội thảo cũng đề xuất việc khuyến khích các nhà ga, bến cảng, bến tàu, bến xe, nơi công cộng tập trung đông người và các khu, điểm du lịch cung cấp các dịch vụ kết nối wifi miễn phí cho tất cả khách du lịch; Xây dựng các phần mềm ứng dụng hỗ trợ khách du lịch tra cứu và tìm kiếm thông tin về các điểm đến du lịch, các cơ sở lưu trú, khu giải trí và các điểm ăn uống, mua sắm trên địa bàn tỉnh…
Hành động của Bình Định
Bình Định là một trong số ít những địa phương đã tận dụng thời gian ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 2 năm qua để rà soát, thiết kế lại kết cấu hạ tầng và các sản phẩm du lịch. Trong đó, hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông minh luôn được chú trọng.
Cuối năm 2021, ngành du lịch Bình Định đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử du lịch Bình Định và app Du lịch Quy Nhơn – Bình Định, cung cấp đầy đủ các thông tin về địa điểm lưu trú, ẩm thực, văn hóa, các điểm du lịch nổi bật tại địa phương. Trong thời gian tới, ứng dụng này sẽ tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện giao diện, chức năng với các ngôn ngữ được sử dụng phổ biến là Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
Tương tự, website quảng bá du lịch Bình Định sẽ từng bước được nâng cấp, tích hợp với ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) các điểm tham quan, tour du lịch ảo thông qua công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR) để giúp khách du lịch trải nghiệm chân thật về điểm đến trước khi viếng thăm, xây dựng bản đồ du lịch số, hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) đa ngôn ngữ tại các điểm di tích – danh thắng tập trung đông khách du lịch tham quan.
Không chỉ tập trung phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ du lịch, Bình Định còn tăng cường thu hút đầu tư, bắt tay với các doanh nghiệp xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thông minh, mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Tiên phong trong số đó có thể kể đến Tập đoàn Hưng Thịnh với dự án MerryLand Quy Nhơn.
Tương tự, website quảng bá du lịch Bình Định sẽ từng bước được nâng cấp, tích hợp với ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) tái hiện các điểm tham quan, xây dựng tour du lịch ảo thông qua công nghệ thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR) để giúp khách du lịch trải nghiệm chân thật về điểm đến trước khi viếng thăm. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình xây dựng bản đồ du lịch số, hệ thống thuyết minh tự động (Audio Guide) đa ngôn ngữ tại các điểm di tích – danh thắng tập trung đông khách du lịch tham quan.
Với bước đi đổi mới, sáng tạo, tiếp cận công nghệ 4.0, du lịch Bình Định sẽ tiến gần hơn với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần Bình Định lên một vị thế mới trong bức tranh du lịch Việt Nam, sẵn sàng cạnh tranh với các địa điểm tương đồng trong khu vực và châu lục.
PV