Mỗi lần có dịp lên miền Tây Bắc, khi cung đường đi qua tỉnh Hòa Bình, tôi thường chọn lối đi cũ, cách đi xuyên qua thành phố, vừa ngắm nhìn sự đổi thay của đô thị, vừa tạo cơ hội gặp lại công trình rất ấn tượng đối với tôi đó là biểu tượng Tỉnh Hòa Bình trên giao lộ Chi Lăng – Lý Thường Kiệt.
Biểu tượng dường như được tác giả lấy cảm hứng và biến tấu từ họa tiết thổ cẩm, tuy vậy, không phải để trang trí đường diềm mà tạo thành khối, sự thay đổi cơ bản này khiến họa tiết trở nên độc lập và có tính biểu trưng cao, khác lạ nhưng rất gần gũi, khái quát mà đậm tính trang trí, mang âm hưởng văn hóa dân gian của các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Thoạt nhìn, biểu tượng giống như một đóa hoa lớn, nhiều cánh, đa hướng và phức tạp. Thực tế biểu tượng phát triển dựa trên hoa văn trang trí dân gian được khái quát hóa thành họa tiết bông hoa bốn cánh dạng chữ thập sẻ cạnh, nội tiếp trong hình vuông thông qua cách thể hiện bằng nét.
Bông hoa đặc biệt này đặt trên sáu mặt của khối lập phương trong suốt, dựng nghiêng, tương ứng với sáu dân tộc chính, sáu nguồn văn hóa lớn của tỉnh Hòa Bình, quan sát kỹ sẽ nhận ra khối vuông này bởi điểm giao nhau của những cánh hoa, liên kết sáu bông hoa hình chữ thập độc lập hợp thành đóa hoa lớn, như đại diện cho tính đoàn kết toàn dân, tư tưởng của biểu tượng được biểu đạt như một lẽ tự nhiên.
Biểu tượng tỉnh Hòa Bình dựa trên phương pháp biến đổi hình, đã thay đổi khối từ hình thái đặc chuyển sang khối ảo dạng khung dây có định hướng tư duy, với cách chuyển tiếp nhẹ nhàng, hình thức trong sáng, bố cục chặt chẽ, ấn tượng và có tính liên tưởng rất cao. Theo góc nhìn của tạo hình đây là một tác phẩm độc đáo, trang trí dân gian được khái quát thành hình tượng văn hóa ở không gian ba chiều thông qua nghệ thuật tạo hình hiện đại, giúp văn hóa dân gian và tạo hình là một thể thống nhất, một hình ảnh đẹp, giàu truyền thống có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
KTS Bùi Chí Luyện