Dự kiến đi vào hoạt động hôm 15.8 nhưng Bến xe miền Đông mới vẫn chưa thể do chưa hoàn thành thủ tục pháp lý.
Sau cuộc họp với UBND TPHCM chiều 14.8, trao đổi với Thanh Niên, bà Tăng Thị Kim Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO), chủ đầu tư dự án cho biết bến xe vẫn chưa thể đi vào hoạt động đúng kế hoạch do chưa hoàn thiện một số vấn đề pháp lý.
Phối cảnh Bến xe miền Đông mới. Ảnh: SC
Cụ thể, Bộ Xây dựng dù đã có kiểm tra đầy đủ nhưng chưa ban hành văn bản nghiệm thu cho dự án. Chủ đầu tư vấn đang chờ UBND TP chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan cho phép SAMCO được ký hợp đồng thuê đất tại Bến xe miền Đông mới để triển khai cho thuê các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải của các doanh nghiệp.
“SAMCO đã kiến nghị với UBND TPHCM các vấn đề pháp lý để đưa bến xe vào hoạt động. Ngày khánh thành Bến xe miền Đông mới sẽ làm gọn nhẹ, tiết kiệm và sẽ thông tin trước một tháng. Đồng thời sẽ thông báo cụ thể về lượng chuyến và giờ giấc để các đơn vị liên quan chuẩn bị nguồn lực” – bà Lý thông tin.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, các tuyến đường nội bộ, công trình hạ tầng bãi đậu xe phía bên trong bến về cơ bản đã xong. Từ cách đây hơn 1 tháng, SAMCO đã bắt đầu tổ chức huấn luyện, đào tạo đầy đủ công tác kỹ thuật về điện, nước… sẵn sàng đón các tuyến xe khách vào hoạt động. Tuy nhiên, phần kết nối bến xe và các tuyến đường xung quanh vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Đơn cử, các tuyến đường “huyết mạch” lưu thông vào bến như đường Hoàng Hữu Nam, đường số 13 và đường A8 đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, xuất hiện nhiều ổ gà, khiến các phương tiện di chuyển vô cùng khó khăn.
Bến xe miền Đông mới được khởi công xây dựng vào tháng 4.2017, với diện tích hơn 16 ha thuộc phường Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và phường Long Bình (quận 9, TPHCM).
Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án gồm nhà ga trung tâm, khu vực đậu xe chờ tài, khu vực đón trả khách, hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu, trạm xử lý nước thải sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, tiến độ của dự án đã chậm trễ, dự kiến kéo dài đến 15.8.2019 mới có thể đi vào hoạt động và bây giờ tiếp tục phải lùi đích vì còn nhiều vướng mắc.
Mới đây, Sở GTVT cho hay giai đoạn 1 dự kiến sẽ di dời 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100 km trở lên (tức từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc) ra bến xe mới. Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày hoạt động.
Hà Mai/Báo Thanh niên