16/01/2017

Bên trong những “kho tri thức” lớn nhất nước Mỹ

Sách là kho tri thức vượt thời gian của nhân loại. Ngày nay, các loại sách điện tử dần chiếm vị trí của sách báo truyền thống nhưng người ta vẫn luôn khao khát một không gian tri thức thực sự.

Businessinsider đã liệt kê những thư viện lớn và đẹp nhất các bang của nước Mỹ theo đánh giá của Viện kiến trúc Mỹ và các giải thưởng của Hiệp hội Thư viện Mỹ.

Thư viện Beinecke ở bang Connecticutt là một trong những kho lưu trữ sách hiếm và bản thảo chính của Đại học Yale. Các sinh viên có thể sử dụng tài liệu văn chương, đầu sách quý hiếm từ khắp nơi trên thế giới tại đây. Thư viện được thiết kế bởi kiến trúc sư Gordon Bunshaft của Skinmore, Owings và Merrill, kết cấu bởi đá cẩm thạch, granite, thủy tinh có nguồn gốc từ bang Vermont.

Với thiết kế mạnh mẽ, kiến trúc thư viện được tạo thành từ các khối tứ giác liền kề nhau, kết hợp giữa kiến trúc tân cổ điển và tân Gothic. Các ô thủy tinh giúp lọc ánh sáng tự nhiên và bảo vệ hàng triệu cuốn sách vô giá của thư viện. Bộ sưu tập sách quý giá nhất của Beinecke là tuyển tập Kinh thánh The Gutenburg và bộ sách Các loại chim trên đất Mỹ của tác giả John James Audubon.

Thư viện công lập Boston là thư viện miễn phí đầu tiên tại Mỹ. Mở cửa từ năm 1854, diện tích chứa 16.000 người của nó đã dường như quá tải. Kiến trúc sư Charles Follen McKim đã thiết kế lại “cung điện tri thức cho người Mỹ” McKim tại Quảng trường Copley năm 1895. Năm 1972, kiến trúc sư hiện đại Philip Johnson đã thực hiện một số thiết kế bổ sung.

Ngày nay, tòa nhà McKim được sử dụng để nghiên cứu, còn tòa nhà Johnson là nơi đặt trụ sở chính của Thư viện công lập Boston. Kho tri thức của thư viện Boston bao gồm nhiều bức tranh tường quý, các bộ sách quý hiếm, bản thảo, bản đồ, nhiều tài liệu quan trọng và các cổ vật là minh chứng cho tri thức nhân loại.

Tọa lạc trong khuôn viên trường Đại học California San Diego, thư viện Geisel là một ví dụ điển hình của kiến trúc Brutalist. Được thiết kế bởi William L. Pereira & Associates, tòa nhà Geisel gây ấn tượng bởi cấu trúc chủ yếu từ bê tông và kính.

Từ trên đỉnh thư viên Geisel, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh trường Đại học California với sự kết hợp của ánh sáng và hình khối. Tên thư viện được đặt theo tên tiến sĩ Seuss Geilse Theodore và vợ ông từ năm 1995 để vinh danh những đóng góp của họ cho thư viện và cả nền văn học thế giới

Thư viện George Peabody được mở cửa từ năm 1878. Thư viện lưu trữ hàng loạt bài giảng, tài liệu hộ thảo, âm nhạc và các tác phẩm nghệ thuần dành riêng cho các công dân của Baltimore. Kiến trúc sư địa phương Edmund George Lind và giám đốc đầu tiên của Viện Peabody, Tiến sĩ Nathaniel H.Morison là hai người lên ý tưởng và thiết kế thư viện này.

Tòa nhà có nội thất ấn tượng với trần nhà cao vút với các bức tranh tường hoành tráng. Hiện nay, thư viện sở hữu hơn 300.000 tài liệu thuộc lĩnh vực âm nhạc. Năm 1982, thư viện trở thành một bộ phận của Đại học Johns Hopkins.

Nằm trên bờ biển miền trung California, thư viện Hearst Castle là nơi ở của ông trùm báo chí William Randolph Hearst. Được xây dựng từ năm 1919, lâu đài Hearst được thiết kế theo phong cách kiến trúc châu Âu và trưng bày bộ sưu tập tài liệu nghệ thuật, sách vở và đồ cổ đồ sộ: tranh vẽ, tượng và đồ dệt may như sở thích của chủ nhân.

Thư viện lưu trữ khoảng 4.000 cuốn sách trong không gian nhuốm màu Trung cổ với mái vòm gỗ chạm khắc bằng tay theo phong cách Tây Ban Nha.

Thư viện Quốc hội Mỹ được đặt tại thủ đô Washington từ năm 1897, là thư viện lớn nhất thế giới. Dưới thời Tổng thống Thomas Jefferson, nó được sử dụng như thư viện cá nhân của ông với các tài liệu văn học giá trị.

Tòa nhà được thiết kế theo kiến trúc Beaux-Arts và trang trí nội thất lộng lẫy với các vật liệu cao cấp như đá cẩm thạch, đồng, vàng và gỗ gụ. Hơn 50 nghệ sĩ Mỹ đã góp phần điêu khắc, chạm khắc và trang trí tòa nhà.

Hoài Trần

Theo Trí thức trẻ/BusinessInsider