25/10/2018

Bất động sản phía Tây Hà Nội: Bức tranh đang được tô màu

Quy tụ nhiều tên tuổi lớn về đầu tư, bứt phá về hạ tầng, hệ thống tiện ích xã hội liên tục được bổ sung, nâng cấp, bất động sản phía Tây Hà Nội từ lâu đã được các chuyên gia dự báo sẽ bùng nổ trong tương lai gần. Thực tế chứng minh dự báo này đang thành hiện thực.

Hạ tầng bứt phá, bất động sản tăng giá

Theo quy hoạch đến 2025, phía Tây sẽ trở thành trung tâm tri thức và công nghệ cao của Hà Nội. Với chính sách mở rộng các tuyến đường giao thông, tăng khả năng kết nối, phía Tây Hà Nội ngày càng thu hút đầu tư cũng như được lòng khách hàng.

Khó có thể hình dung ra diện mạo của khu vực phía Tây Hà Nội lại thay đổi mạnh mẽ như vậy so với khoảng 10 năm trước khi khu cửa ngõ này còn hạn chế về kết nối với trung tâm. Nay, hàng loạt trục đường chính đã được đầu tư, cải tạo, đặc biệt phía Tây hiện nay là khu vực duy nhất trên địa bàn Hà Nội tập trung toàn bộ các hệ thống giao thông công cộng hiện đại của thành phố. Đó là tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội đang dần hoàn thiện; tuyến xe buýt nhanh BRT Yên Nghĩa – Kim Mã qua trục Tố Hữu đã đi vào hoạt động; tuyến buýt 107 chạy từ Kim Mã – Đại lộ Thăng Long – Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc – Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, kết nối khu vực trung tâm thành phố với các vùng lân cận phía Tây… Trong các trục đường mới được phát triển phải kể đến trục đường Đại Lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài – Tố Hữu, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), đường Trung Văn kết nối Mễ Trì – Mỹ Đình…

Theo quy hoạch đến 2025, phía Tây sẽ trở thành trung tâm tri thức và công nghệ cao của Hà Nội

Theo quy hoạch đến 2025, phía Tây sẽ trở thành trung tâm tri thức và công nghệ cao của Hà Nội

Khi hệ thống cơ sở hạ tầng phía Tây được đầu tư thích đáng kéo theo sự phát triển của hệ thống tiện ích xã hội thì dễ hiểu vì sao những “ông lớn” trong làng bất động sản như Vin Group, CEO Group, Geleximco, BIM Group, FLC Group… đều “góp mặt điểm tên” tại khu vực này. Chính sự xuất hiện của các thương hiệu lớn đã góp phần gia tăng niềm tin, gia tăng giá trị cho bất động sản khu vực phía Tây.

Trên trục Lê Trọng Tấn, từ sau khi có thông tin chính thức khởi công dự án AEON Mall Hà Đông, giá đất nền dịch vụ khu Dương Nội trước đây dao động 50 – 60 triệu/m², nay đã tăng lên 70 – 110 triệu/m², giá biệt thự nội khu đô thị Dương Nội cũng tăng nhẹ 5 – 10% và đẩy mạnh tính thanh khoản. Còn đất nền gần khu AEON Mall thì tăng 15 – 30% so với cuối năm 2017.

Trên trục Đại lộ Thăng Long thuộc phía Tây Bắc Hà Nội, thông tin huyện Hoài Đức sẽ được nâng cấp lên quận vào năm 2020 đã tạo một cú hích đáng kể bên cạnh cú hích hạ tầng. Theo đó, Hoài Đức, Quốc Oai đang vươn lên như một điểm sáng đầu tư của khu vực với biên độ tăng giá từ 10 – 20%. Đáng chú ý, ở khu vực Tây Bắc, đa phần các sản phẩm đều đã hoàn thiện, nằm trong khu đô thị đồng bộ, do đó thu hút cư dân về sinh sống ngày càng nhiều, tính thanh khoản cũng rất tốt. Ba sản phẩm chính ở khu vực này bao gồm: chung cư, biệt thự và nhà phố thương mại.

Theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, giá biệt thự và liền kề trên thị trường thứ cấp trong Qúy 2/2018 ghi nhận mức tăng 4% so với quý trước, đạt mức 3.644 USD/m². Chủ yếu các dự án tăng giá đến từ khu vực phía Tây.

Bức tranh đang được tô màu

Nếu ví bất động sản phía Tây Hà Nội như một bức tranh đang hoàn thiện thì đến nay có thể nói đã xong khâu vẽ trì, bắt tay vào tô màu. Sẽ có rất nhiều mảng màu khác nhau dần hiện lên, điểm tô cho bức tranh thêm sinh động, tươi sáng.

Nếu như trục Tố Hữu là mảng màu rực rỡ của những dự án chung cư, nhà phố làm thay đổi nhịp sống lặng lẽ nơi đây thì trục Lê Trọng Tấn lại mang gam màu trung tính của những dự án chuẩn mực, thu hút một lượng lớn các gia đình trẻ về an cư và kinh doanh. Một mảng màu pha trộn giữa xanh và vàng (tượng trưng cho sự thanh bình và sang trọng), được tập trung ở hai bên trục Đại lộ Thăng Long – trục giao thông “xương sống” của các quận huyện phía Tây Hà Nội nói riêng và Thủ đô nói chung. Sự xuất hiện của Vinhomes Greenbay Mễ Trì, Vinhomes Thăng Long, Sunny Garden City, Splendora, Khu đô thị Nam An Khánh, và sắp tới là FLC Asia Park với đa dạng các loại hình sản phẩm từ chung cư, biệt thự đến nhà phố thương mại, chính là những điểm nhấn quan trọng của trục đường này.

Trong khi quỹ đất của các quận nội thành ngày càng eo hẹp thì quỹ đất khu vực dọc trục Đại lộ Thăng Long vẫn đang dư dả, cộng với cú hích hạ tầng mạnh mẽ trong vài năm gần đây và những điểm đến thương mại – văn hóa – xã hội như Thiên đường Bảo Sơn, Lăng Ngô Quyền, Làng Cổ Đường Lâm, khu du lịch Khoang Xanh, Ao Vua, Thiên Sơn – Suối Ngà, khu du lịch sinh thái Tuần Châu… sẽ giúp bất động sản phía Tây Hà Nội thêm hấp dẫn và ngày càng “có giá”.

Gia Anh – Thu Nhung/Kinh tế Đô thị