Bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận vẫn đang “ngái ngủ”
Doanh nghiệp vội, khách hàng vẫn nghe ngóng
Với lợi thế bờ biển Mũi Né dài và đẹp, lại chỉ cách TPHCM hơn 200 km, thị trường bất động sản Bình Thuận đang chuyển mình với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng liên tục được phát triển tại đây.
Có thể kể đến các dự án như Việt Nam Square tại Resort Queen Pearl Mũi Né của Phúc Khang Corporation, Ocean Dunes, Queen Pearl, Majestics Village… Ngoài ra, cũng phải kể đến những tên tuổi lớn như TTC Land, Novaland… cũng bắt đầu bắt đầu xuất hiện tại đây với phân khúc nghỉ dưỡng.
Ngoài các dự án kể trên, còn có tới 4 dự án “khủng” dự kiến sẽ đổ bộ thị trường bất động sản Phan Thiết, Bình Thuận trong thời gian tới là Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến – Mũi Né, Hòn Rơm – Mũi Né, Hàm Thuận Đa Mi và Khu du lịch suối nước nóng Bưng Thị.
Đặc biệt, số liệu từ UBND tỉnh Bình Thuận vừa được công bố cho thấy, hiện nay, Bình Thuận có 57 dự án đã xin đăng ký đầu tư khảo sát với tổng diện tích 15.160 ha. Việc những dự án lớn dồn dập đổ bộ thị trường này đã cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận đang được các doanh nghiệp địa ốc đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của giới doanh nghiệp địa ốc, khách hàng lại tỏ ra khá hững hờ với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển nơi đây.
Theo giới phân tích, tổng thể quy hoạch bất động sản của tỉnh Bình Thuận hiện đang đi theo hướng giãn vùng ven. Ở trung tâm Mũi Né, nơi tiềm năng du lịch nhất tỉnh, thì lại chỉ dành cho các dự án khách sạn, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng được quy hoạch vùng bên trong, không sát biển.
Ông Trần Văn Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng biển cho rằng, để chọn đầu tư dự án biển như condotel, thì ông chọn Nha Trang, chứ không chọn Bình Thuận, dù Bình Thuận có bờ biển đẹp và gần TPHCM hơn. Lý do đó là năm 2016, ông mua 2 căn condotel tại Nha Trang và Bình Thuận, nhưng căn Nha Trang sinh lời nhiều hơn Bình Thuận…
Tiềm năng chưa rõ ràng
Để đánh giá lợi thế của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cho rằng, phải dựa vào nhiều yếu tố, như khu vực đó có sân bay hay không, có tiện ích, khu vui chơi hay không…
Trong khi đó, hiện Bình Thuận có quy hoạch xây dựng sân bay, nhưng còn trong giai đoạn nghiên cứu xây dựng. Ngoài ra, về tiện ích và khu vui chơi, Bình Thuận vẫn chỉ co cụm ở khu Mũi Né, các khu vực khác của tỉnh vẫn mờ nhạt, đặc biệt thị trường du lịch cũng chủ yếu phát triển tại khu Mũi Né.
Lợi thế lớn nhất đó là tỉnh này nằm ở trục Quốc lộ 1A, cùng với tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua, nhưng nếu khách miền Bắc và miền Trung muốn du lịch Bình Thuận phải phải chọn bay tới TPHCM hoặc Cam Ranh, rồi mới di chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt tới Bình Thuận. Đây chính là bất lợi lớn của Bình Thuận, bởi Nha Trang cũng là du lịch biển, đường biển dài, đẹp, có hệ thống đảo và khu vui chơi giải trí lớn, đặc biệt là có sân bay quốc tế Cam Ranh.
Cũng theo ông Hậu, cái ông chú ý nhất với bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận là sự ổn định của nguồn khách du lịch.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh này, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ước đón khoảng hơn 2,6 triệu lượt khách, tăng 11,64% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 45,45% kế hoạch năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế khoảng 334.929 lượt khách, tăng 13,91% so với cùng kỳ, đạt 49,98% kế hoạch năm, khách du lịch nội địa khoảng gần 2,3 triệu lượt khách, tăng 11,3% so với cùng kỳ, đạt 45,29% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt 6.351 tỷ đồng, tăng 18,88% so với cùng kỳ năm 2018 đạt 49,4% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong tháng 7 và 8, lượng khách du lịch tới địa phương này lại sụt giảm, đặc biệt là khách nước ngoài.
Trong khi đó, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, hiện nay, cái khó nữa mà thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gặp phải đó là việc Bộ Xây dựng tuyên bố tạm dừng cấp phép phát triển dự án condotel vì khung pháp lý chưa rõ ràng và xảy ra tranh chấp nhiều. Trong đó, Bình Thuận lại là địa phương phát triển phân khúc condotel chậm và yếu hơn các địa phương ven biển khác.
Ngoài ra, quan sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, hiện các dự án bất động sản tại đây xây dựng cũng khá chậm. Có những dư án bán năm 2016, nhưng tới nay vẫn chưa triển khai, có những dự án xây dựng rồi lại bỏ hoang, nhất là tại khu vực đầu đường nối vào Mũi Né. Chẳng hạn, tại khu vực Long Sơn – Suối Nước (phường Mũi Né, TP. Phan Thiết), tình trạng hàng loạt khu du lịch nghỉ dưỡng bỏ hoang đã diễn ra hàng chục năm nay.
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện toàn tỉnh có 61 dự án du lịch chậm triển khai, trong đó huyện Tuy Phong có 3 dự án, huyện Bắc Bình có 5 dự án, TP. Phan Thiết có 15 dự án, huyện Hàm Tân có 3 dự án, thị xã La Gi có 5 dự án và huyện Hàm Thuận Nam có tới 30 dự án.
Nguyên nhân các dự án chậm triển khai vì nằm trong vùng thăm dò, khai thác titan và vướng quy hoạch nghĩa trang mới; mô hình của dự án không hiệu quả, nên tạm dừng; một số doanh nghiệp khó khăn về năng lực tài chính…
Đại diện một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TPHCM cho biết, năm 2017, khi tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận, ông đã làm việc với UBND tỉnh để xin được đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại đây. Tuy nhiên, khi tìm hiểu cụ thể, ông đã dừng ý tưởng này, bởi việc phát triển và quy hoạch titan tại tỉnh quá lộn xộn. Thêm vào đó, việc sinh lời cũng như nhu cầu đầu tư của khách hàng với bất động sản nghỉ dưỡng Bình Thuận còn thấp, nên ông quyết định chọn Quy Nhơn (Bình Định) để đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng, vì thị trường Quy Nhơn dù xa TPHCM, nhưng có sân bay, được quy hoạch phát triển trải đều và tiềm năng du lịch cao hơn.
Gia Huy/Đầu tư Bất động sản