Bất động sản lo thiếu vốn
Phần lớn các nhà đầu tư phụ thuộc dòng vốn vay ngân hàng không thể có vốn để đầu tư…
Trong quý 3 vừa qua, lượng giao dịch nhà ở tại Hà Nội xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, và có dấu hiệu phát triển không ổn định; tại Tp.HCM, hầu như không có dự án nhà giá rẻ, nhà xã hội được tung ra thị trường, giá bán căn hộ cũng tăng nhanh; trên toàn quốc, phân khúc nghỉ dưỡng trầm lắng.
“Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do phần lớn các nhà đầu tư phụ thuộc dòng vốn vay ngân hàng không thể có vốn để đầu tư”, báo cáo quý của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định.
Diễn biến trên thị trường bất động sản cho thấy, cùng với đẩy mạnh rà soát dự án, việc siết chặt tín dụng dành cho bất động sản đã khiến thị trường này giảm mạnh về nguồn cung sản phẩm nhà ở, đồng thời liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn
Từ đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%, tăng hệ số rủi ro với hoạt động cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản khi đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 35% vào năm 2020 và 30% trong giai đoạn sau đó, đồng thời có thể nâng hệ số rủi ro với cho vay kinh doanh bất động sản lên 250 – 300%.
“Do các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, các chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2017 đến nay, Nhà nước chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội cho 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV và do quá thiếu dự án nhà ở xã hội, nên phần lớn đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội không có cơ hội được thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Nhà nước chỉ mới bố trí được khoảng 1.262 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay mua nhà ở xã hội, quá ít nên không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Tình trạng mất cân bằng “cung-cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, nhận định.
Hiệp hội bất động sản Tp.HCM cũng cho biết, tại Tp.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, với 2,236 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2018, nhưng có xu thế tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tín dụng đổ vào bất động sản có xu thế giảm dần, chỉ có 269.000 tỷ đồng, tăng 3,41% so với cuối năm 2018 (thấp hơn mức tăng tổng dư nợ tín dụng), chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng, thể hiện trên thực tế là các doanh nghiệp bất động sản ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng để xây nhà, sửa nhà, mua nhà khoảng 128.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Trong đó, có thể có một phần không nhỏ chuyển sang đầu tư bất động sản, tiềm ẩn rủi ro về tín dụng.
Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản
Cũng đánh giá bất động sản vẫn còn là lĩnh vực có nhiều rủi ro, tại phiên họp tổ của Quốc hội diễn ra chiều 22/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ không chủ quan khi kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.
Những năm trước, ta thống kê riêng tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản 1 mục và 1 mục là tín dụng tiêu dùng cho người mua nhà, sửa chữa nhà ở… Từ năm vừa rồi Chính phủ yêu cầu tổng hợp 2 chỉ số này vào để không chủ quan là tỷ lệ tín dụng bất động sản thấp.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản hiện chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 14,58%. Trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 32,7% dư nợ bất động sản, tăng 5,5%; tín dụng cho mục đích tự sử dụng chiếm 68,3% dư nợ bất động sản, tăng 19,6%.
Chính phủ đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, các dự án quy mô lớn, chỉ xem xét các dự án vay vốn khả thi, thận trọng cho vay nhà đầu tư thứ cấp. Theo đó, doanh nghiệp bất động sản có số dư nợ tín dụng từ 5.000 tỷ đồng trở lên thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 3 tháng/lần và chịu trách nhiệm về báo cáo đó.
Ở cấp của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp bất động sản có dư nợ từ trên 1.500 tỷ đồng để Thống đốc kiểm soát nhằm bảo đảm sự chặt chẽ.
Trước bối cảnh này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhìn nhận hoạt động kinh doanh bất động sản cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở các nước thì các quỹ đầu tư và thị trường chứng khoán là nguồn cung cấp vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản nhưng ở nước ta, trong khi chưa hình thành đầy đủ các định chế tài chính, thị trường bất động sản đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng và vốn trực tiếp từ người dân. Với việc hạn chế cho vay bất động sản thì việc tiếp cận cả 2 kênh huy động này đều rất khó.
Phan Nam/Vneconomy