06/08/2018

Bất động sản du lịch biển: Tiềm năng đan xen thách thức

Bất động sản (BĐS) du lịch biển đang trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển phân khúc BĐS này cần được khai thác phù hợp với các quy hoạch phát triển chung, đặc biệt theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…

Đây là chủ đề được tập trung trao đổi, thảo luận tại diễn đàn “Bất động sản du lịch biển Việt Nam 2018” tổ chức ngày 4/8, tại Hà Nội.

Ông Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho biết, với nhiều lợi thế và tiềm năng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nét đặc sắc về văn hóa và con người, sự ổn định chính trị…, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến rất hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo đến năm 2020, tổng lượng khách trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu lượt. Trong đó, khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế, đạt giá trị xuất khẩu du lịch trên 20 tỷ USD.

img_8512

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thiện Trần

Tuy nhiên, thị trường BĐS du lịch biển, nghỉ dưỡng của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như sự chưa rõ ràng về pháp lý của một số sản phẩm BĐS du lịch biển. Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác vận hành các dự án BĐS du lịch biển vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, chất lượng và sự đa dạng dịch vụ chất lượng cao của các sản phẩm BĐS du lịch biển vẫn còn hạn chế so với nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao của du khách…Cũng theo ông Tiến, sự tăng trưởng cao của ngành du lịch đã tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS du lịch biển. Theo đó, hàng trăm dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí quy mô lớn, hiện đại đã được đầu tư xây dựng tại các trung tâm du lịch biển trọng điểm như Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Phú Quốc… Ngoài ra, còn mở rộng ra các thị trường mới ở phía Bắc như Quảng Ninh, Thanh Hóa và những thị trường tiềm năng như Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên… Dự báo, thị trường BĐS du lịch biển vẫn tiếp tục trở thành một trong những lĩnh vực đầu tư có nhiều triển vọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Song song với đó, ở tầm vĩ mô, việc quy hoạch các vùng phát triển BĐS du lịch và định hướng thu hút đầu tư theo hướng phát triển bền vững… đã và đang là vấn đề còn những bất cập cần giải quyết.

Để phát triển thị trường BĐS du lịch biển một cách bền vững, theo khuyến nghị của bà Dương Thùy Dung – Giám đốc cấp cao Công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam, về phía các nhà đầu tư, chủ đầu tư cần nỗ lực để đưa ra thị trường những sản phẩm đặc biệt giữ chân được du khách như các khu nghỉ dưỡng tích hợp (bao gồm thêm các hạng mục vui chơi giải trí, mua sắm…).

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư trong nước cần tăng cường học hỏi các kinh nghiệm quốc tế, hợp tác, liên kết với các nhà đầu tư quốc tế để phát triển các dự án theo hướng tiệm cận dần các tiêu chuẩn quốc tế và đa dạng hóa các sản phẩm trong chính khu nghỉ dưỡng của chủ đầu tư…

Đặc biệt, việc đầu tư phát triển phân khúc BĐS này cần được khai thác phù hợp với các quy hoạch phát triển chung, nhất là theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tránh đầu tư ồ ạt theo kiểu phong trào…

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ sớm trình Chính phủ ban hành các quy định một cách cụ thể, toàn diện hơn, khắc phục sự chưa rõ ràng về pháp lý của một số sản phẩm BĐS du lịch biển… để thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS du lịch biển, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phân khúc thị trường BĐS này…/.

Diệu Thiện/Thời báo Tài chính Việt Nam