Bất cập trong công tác cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ ở Hà Nội
Trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có rất nhiều khu tập thể cũ, hiện đang xuống cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Tuy nhiên, công tác cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ của Hà Nội hiện còn nhiều lúng túng, bất cập.
Vướng mắc ngay từ cơ chế, chính sách
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội có 1.516 tập thể cũ cao từ 2 – 5 tầng, được xây dựng từ năm 1960 – 1990, tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành cũ và quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân. Những tập thể này hầu hết đều đã bán nhà cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP. Đến nay, nhiều nhà tập thể cũ đã xuống cấp cần phải được cải tạo, xây dựng lại.
Trong thời gian qua, thực hiện các văn bản của T.Ư và UBND TP.Hà Nội, thành phố đã hoàn thành xây dựng lại 9 khu tập thể cũ, bao gồm tập thể B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, I1, I2, I3 Thái Hà, P3 Phương Liệt, A6, C7 Giảng Võ; đồng thời, thành phố đang khởi công xây dựng 3 tập thể (TT) (B6, D2 Giảng Võ, C1 Thành Công) và một khối nhà N3 thuộc dự án thí điểm cải tạo tổng thể khu TT Nguyễn Công Trứ, đang tổ chức di dời 2 TT (148-150 Sơn Tây, C8 Giảng Võ). Bên cạnh đó, thành phố đã chi kinh phí kiểm định 162 TT cũ để xác định mức độ nguy hiểm; giao cho 62 nhà đầu tư thực hiện việc điều tra xã hội học, trong đó 21 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết tại các khu TT cũ. Tuy nhiên, việc cải tạo xây dựng lại các khu TT cũ đến nay vẫn còn chậm.
Theo UBND TP.Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới việc cải tạo TT cũ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như phương thức đầu tư. Theo đó, tại quy hoạch chung thủ đô Hà Nội Thủ tướng phê duyệt định hướng dân số khu vực nội đô lịch sử phải giảm từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người, hạn chế xây dựng nhà ở cao tầng. Các TT cũ chủ yếu nằm trong khu vực nội đô lịch sử nên việc nhà đầu tư đề nghị tăng diện tích sàn xây dựng nhà ở bán để bù đắp chi phí sau khi hoàn trả diện tích nhà cho người đang sử dụng không thực hiện được.
Bên cạnh đó, về phương thức đầu tư thì việc cải tạo lại TT cũ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, Nhà nước không bố trí ngân sách đầu tư mà chỉ hỗ trợ về công tác quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, hỗ trợ một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu và các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng. Do vậy nguồn lực chủ yếu là dựa vào việc cân đối tài chính của dự án.
Ngoài ra, việc xây dựng, cải tạo TT cũ theo quy định phải có sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng, chủ sở hữu hợp pháp, do vậy không có sự đồng thuận của đa số người dân thì dự án không thực hiện được, mặt khác chủ sở hữu căn hộ tầng 1 đòi hỏi nhiều về quyền lợi, không ủng hộ dự án.
Cần sớm ban hành cơ chế, chính sách cải tạo TT cũ
Theo UBND TP.Hà Nội, để việc quản lý TT cũ đạt hiệu quả cao, giải quyết được bài toán TT cũ, hiện Hà Nội đang tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng để sớm hoàn thiện, báo cáo với Chính phủ ban hành nghị định về cơ chế, chính sách cải tạo TT cũ phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng thêm chiều cao tầng khu vực cải tạo, xây dựng lại TT cũ trên cơ sở cân đối chỉ tiêu quy hoạch của khu vực phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô đảm bảo tính khả thi của dự án.
UBND TP xác định trước mắt phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành các TT cũ đang xây dựng (C7 Giảng Võ hoàn thành tháng 1.2015, N3 TT Nguyễn Công Trứ hoàn thành tháng 9.2015); tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án C1 Thành công, C8 Giảng Võ). Cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa cơ chế chính sách về cải tạo xây dựng TT cũ quy định tại Quyết định số 48/2008 thuộc thẩm quyền của TP cho phù hợp với thực tế để ban hành trong tháng 12.2014, đáp ứng ngay cho việc cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ ở cấp độ nguy hiểm.
Theo Lao Động