02/10/2023

Bảo vệ thương hiệu Thành phố Cây xanh – Sông hồ đẹp nhất châu Á

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội, Ngân hàng TMCP Quân đội và Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam đã đồng hành với thành phố, đóng góp ý tưởng phát triển cho Thủ đô. Ngày 28/9/2023, hai đơn vị đã cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo “Ý tưởng xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội”.

So sánh hiện trạng Hà Nội với các thành phố, quốc gia trên thế giới

Khác với cách truyền thống, Ngân hàng TMCP Quân đội và Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam chuẩn bị nội dung tài liệu, thông qua Ban tổ chức gửi “tài liệu tư vấn” tới khách mời nghiên cứu trước, tới Hội thảo tham quan và thảo luận các nội dung liên quan tại hành lang, tư vấn đặt câu hỏi để thảo luận để tổng hợp các ý tưởng.

Tài liệu tư vấn gửi tới những người tham gia gồm 82 trang, đặt ra 9 chủ đề, phân tích SWOT – Strengths (Thế mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Ví dụ: Hà Nội ta có “thế mạnh” về nguồn lực văn hóa, cơ cấu kinh tế, nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo; “điểm yếu” là mức độ ô nhiễm (cao), mức độ phát triển của hạ tầng số (thấp), “cơ hội” là kết nối hợp tác kinh tế, chuyển đổi kinh tế xanh, độ mở của thị trường; “thách thức” là sức hút của thành phố. Sức hấp dẫn của tài liệu là thông tin của hơn 50 thành phố, quốc gia khắp thế giới và 62 tỉnh thành phố Việt Nam so sánh với Hà Nội.

Hiện trạng kinh tế và so sánh Hà Nội với các thành phố thông minh. So sánh với các tỉnh, thành phố Việt Nam: Tỷ lệ GDP của Hà Nội trong quốc gia là 13%, thấp nhất Hòa Bình >1%, cao nhất là TPHCM 16%. [1]

Hà Nội là nơi tập trung các tập đoàn kinh tế lớn Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, bán lẻ và chế biến chế tạo (gia công, lắp ráp đơn giản-NV). Trong các khu công nghiệp Hà Nội phổ biến 7 ngành hàng sản xuất máy móc thiết bị gia dụng, điện tử, CNTT, dệt may, nông nghiệp và chế biến thực phẩm, hóa chất, nhựa – cao su và thủ công. Quy mô vừa và nhỏ, thiếu các công ty lớn Forbes 2000 toàn cầu. Chỉ số cạnh tranh của Hà Nội là thấp nhất – 14,4/100, đứng đầu là Singapore 77,7/100. [1]

Hà Nội rải thảm đỏ mời các công ty lớn Forbes 2000 toàn cầu, trông đợi ở Tư vấn cung cấp thông tin có giá trị: những doanh nghiệp lớn nào để mắt tới Hà Nội hoặc Hà Nội nên loại bỏ doanh nghiệp nào thuộc loại sản xuất có giá trị gia tăng thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao (có 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc loại này). Theo điều tra của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tính đến năm 2017, chỉ 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp, dòng vốn FDI tập trung nhiều nhất là lĩnh vực: dệt may, hóa chất, điện tử, giấy, gang thép – tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo PanNature: có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần, có 60% tổng số xả thải vượt quy chuẩn. Trong khi đó, lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải chỉ có 28/16.000 dự án FDI, bằng 0,2% và chiếm 0,36% tổng vốn đăng ký (710 triệu USD) [2]. Những doanh nghiệp nhập khẩu ô nhiễm này Hà Nội không thu hút đầu tư.

Hiện trạng kinh tế Xanh Hà Nội và danh sách các doanh nghiệp FDI triển khai giải pháp xanh tại các địa phương (hiện đang gia tăng ô nhiễm)

Bảo vệ thương hiệu Thành phố Cây xanh – Sông hồ đẹp nhất châu Á

Vào những năm 1930, Hà Nội, Thượng Hải và Tokyo là ba thành phố đẹp nhất châu Á. Vốn có địa hình sông hồ, cây xanh dày đặc, thiên nhiên bốn mùa hiền hòa, Hà Nội có hệ sinh thái cây xanh, mặt nước phong phú, lại được quy hoạch, thiết kế kiến trúc đô thị tài tình nên Hà Nội đã giữ nguyên được sự hấp dẫn cho đến những năm 1980: thành phố chật vật với miếng cơm manh áo nhưng trong con mắt bạn bè và người Hà Nội luôn cảm mến và tự hào là thành phố ao hồ và cây xanh – nghèo nghèo mà sang trọng. Cảnh quan Hà Nội xuống cấp chỉ trong vài chục năm gần đây.

So sánh chỉ số “Điểm quyền lực mềm” và doanh thu du lịch GRDP(%) của Hà Nội với các thành phố khác. Xếp hạng “quyền lực mềm” toàn cầu, lấy trụ cột văn hóa di sản làm thước đo, Việt Nam mặc dù có nguồn lực dồi dào mới đạt 3,3 điểm so với Thailand 4,4, đứng đầu là Pháp 6,7 điểm. Xếp hạng du lịch: Hà Nội 93, Bangkok 58, Paris số 1. Tương ứng với doanh thu từ du lịch/GRDP(%): Hà Nội 3,2%, Bangkok 5,9%, Paris 22,6%. Tài liệu cũng giới thiệu các thành phố thu hút du lịch bằng các không gian hấp dẫn, mang hình ảnh đặc trưng lịch sử quốc gia dân chủ như Washington hay biểu tượng văn hóa hiện đại Kpop của Seoul [1].

Thế mạnh của Hà Nội là Kinh đô văn hóa của đất nước, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao về tụ hội. Hà Nội cũng mang lại cho họ những cơ hội việc làm, học tập, chăm sóc sức khỏe tốt nhất của đất nước. Sức hấp dẫn của Hà Nội không chỉ giới hạn ở 18 điểm tham quan nội thành và 5 địa điểm du lịch miền Bắc mà là cả không gian thành phố, từ trong trung tâm tới hàng ngàn làng xóm ruộng đồng, sông hồ, đồi núi quanh Hà Nội. Mỗi phố hàng, thôn làng Hà Nội đều mang sẵn trong mình nội lực mạnh mẽ bền bỉ, những kho tàng nhân sinh đã trải ngàn năm bền vững và thích ứng linh hoạt với những đổi thay của thiên nhiên kinh tế xã hội. Tạo nên hấp lực cho Hà Nội là làm cho chất lượng sống của cư dân Hà Nội tốt hơn từ việc ăn mặc, học hành, đi lại, mua sắm, cống hiến và nghỉ ngơi, yêu thương và tin tưởng, sinh kế và ước mơ.

Kinh tế du lịch đã đem lại nhiều nguồn lợi cho Hà Nội nhưng cũng phải trả giá không ít. Chỉ tính riêng nơi thu hút hoạt động du lịch nhiều nhất là khu phố cổ: trong 20 năm qua đã có hàng ngàn ngôi nhà bị phá đi để thay vào đó là nhà hàng, khách sạn tiện nghi, đầu tư lớn, thu hút số lượng khách đông nhưng chỉ đóng góp 3,3% GRDP. Hà Nội đã có chiến lược phát triển “kinh tế văn hóa” làm gia tăng sức mạnh của quyền lực mềm. Nhiều lễ hội được mở ra, nhiều chiến dịch quảng bá tăng tốc mà du lịch vẫn không đẻ nhiều trứng vàng như mong muốn. Nên chăng Hà Nội bên cạnh việc thu hút du lịch thì ưu tiên trở thành nơi đáng sống cho cư dân Hà Nội, bởi xem trong danh sách các thành phố có “quyền lực mềm” mạnh, thu nhập từ du lịch cao đều là nơi cư dân sống hạnh phúc, an toàn và sạch sẽ.

Đầu tư dự án nghiên cứu, ưu đãi đầu tư hay mua ngay giải pháp đắc dụng?

Hà Nội vốn là nơi “tụ hội quan yếu của bốn phương” (trích “Chiếu dời đô”)

Hà Nội đang lập trình thay đổi kinh tế “gia công lắp ráp” thành “thông minh sáng tạo”, đầu tư hàng tỷ USD xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo IoT Hòa Lạc, Samsung đầu tư 220 triệu USD lập trung tâm R&D lớn nhất ASEAN tại Hà Nội. [1]

Đầu những năm 2000, nhiều thành phố ở Đông Âu, Ailen, Philippines… ôm giấc mộng hóa rồng dựa vào đầu tư những trung tâm “technopolis” và nhiều chục năm sau vật vã khắc phục vỡ nợ do vỡ mộng. Năm 1997, tập đoàn Deawoo (Hàn Quốc) lập dự án Thành phố Mới (Hanoi New Town), họ bỏ ra nhiều triệu USD thuê các công ty tư vấn quốc tế hàng đầu: Bechtel, SOM, Rem Koolhaas (OMA) thực hiện. Quy mô 8.000ha, tổng đầu tư 40 tỷ USD… nhằm tạo ra một hub city, theo đó Hà Nội sẽ là “trung tâm của cả địa cầu trong thế kỷ XXI”, nâng tầm Hà Nội như Seoul, Thượng Hải, Paris, Los Angeles [3]. Do bất ổn tài chính châu Á (1998-1999) dự án bỏ dở, khu đất hiện đang bị quây tôn chiếm dụng, bỏ hoang nhiều năm trời. Một phần nội dung dự án đưa vào quy hoạch chung 1998 (QHC108) và điều chỉnh năm 2011 (QHC 1259), mỗi lần sửa lại kém chất lượng hơn trước.

4 tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam lập trình xây dựng 10 trung tâm dữ liệu lớn và mạng 5G… Tuy vậy đầu tư cho R&D ở Việt Nam mới đạt 1% GDP, ngang với Malaysia và Thái Lan nhưng GDP họ lớn hơn mấy lần. Nhiều quốc gia GDP lớn hơn Việt Nam hàng chục lần họ cũng đầu tư tới 3%, cao nhất là Hàn Quốc và Israel là 5%. Việt Nam là 1/3 quốc gia có năng suất lao động thấp nhất toàn cầu, mỗi giờ lao động của Việt Nam đóng góp 14 USD cho GDP, Malaysia là 26 USD, cao nhất là Mỹ và Singapore 71 USD, phần lớn các quốc gia phát triển ở mức 40-68 USD. Năng suất, giá trị lao động của họ cao vì họ đã có chiến lược chuyển đổi nền kinh tế sản xuất đơn giản sang sáng tạo và thực hiện trong nhiều năm. Về chỉ số đánh giá chuyển đổi số, Hà Nội xếp 24/63 tỉnh thành, trong khi Đà Nẵng đứng đầu, thứ 2 là TPHCM. [1]

Hà Nội cho dù chưa có trung tâm đổi mới sáng tạo IoT thì các công ty công nghệ Hà Nội vẫn chế tạo được robot, ô tô không người lái, phương tiện bay không người lái. Cho dù chưa có trung tâm dữ liệu lớn, các dự án chuyển đổi số quản lý đất đai, đô thị, dân cư do vốn ngân sách đầu còn ngổn ngang thì các công ty công nghệ tư nhân đã cung cấp bản đồ quy hoạch, địa chính truy cập bằng thiết bị di động cho Hà Nội, TPHCM và hàng chục tỉnh thành khác. Thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, vượt qua cả các chốt chặn thời COVID. Chỉ riêng doanh số bán đồ ăn qua mạng tại Việt Nam năm 2022 đã là 1,1 tỷ USD, 1 công ty xuất phát từ Start-up của người Việt Nam chiếm 58% thị phần. Trong lĩnh vực gọi xe công nghệ, tổng doanh số 2,4 tỷ USD năm 2022, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 99% thị phần, nhưng năm 2023 miếng bánh đã đang được chia lại khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với một doanh nghiệp quốc tế để giành lại thị trường  Tư vấn quốc tế mới tới Hà Nội nên chỉ có thông tin phổ biến trên mạng, thiếu thông tin chuyên sâu, các sở ngành, đại phương… thông tin còn hạn chế nên chưa rõ tiềm năng kinh tế số Hà Nội.

Quy hoạch Thủ đô đã đi qua giai đoạn 1 nhưng dữ liệu đầu vào vẫn là trở ngại lớn mà không một sở ngành hay tư vấn quốc tế nào có thể đáp ứng. Đây là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để Quy hoạch Thủ đô bứt phá ngoạn mục nếu đặt hàng mua sắm hệ thống GIS cơ sở dữ liệu kinh tế – văn hóa – xã hội toàn diện Hà Nội trên nền bản đồ số. Thành phố không cần giao dự án nghiên cứu hay ưu đãi đầu tư mà chỉ cần mua ngay giải pháp đắc dụng. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thừa năng lực, họ đã sống tốt nhờ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu giải pháp quản trị tài chính ngân hàng, trò chơi điện tử, phim ảnh… Đó chính là sức sống của Hà Nội sáng tạo.

Quy hoạch kết hợp giao thông với tái thiết đô thị

Hiện trạng ô nhiễm môi trường Hà Nội và nguyên nhân. Hà Nội đang định hướng phát triển Xanh nhưng Hà Nội đang đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường cao thứ 2 toàn cầu (nồng độ PM2.5 ở mức 40 µg/m3 năm 2022). So sánh với các thành phố trong bảng: ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức cao nhất cả nước. So với các thành phố trên thế giới, nồng độ PM2.5 của Hà Nội cao hơn cả Jakarta (36 µg/m3), Paris (13 µg/m3). Nồng độ thấp nhất là Madrid (10 µg/m3). Nguyên nhân là khí thải không kiểm soát do dùng xe và xả thải khói bụi trong sản xuất, sinh hoạt. [1]

Hạ tầng giao thông công cộng kém, chỉ đáp ứng 10% so với tối thiểu >60%. Sau 20 năm xây dựng mới hoạt động 13km đường sắt đô thị cho 7,9 triệu người. So với Singapore 200km/5,8triệu, Seoul 327km/10 triệu, Berlin 412km/3,8 triệu, Madrid 293km/3,3 triệu. Hà Nội cần đầu tư đường sắt đô thị quy mô lớn. Hà Nội là thành phố chưa hấp dẫn nhân lực chất lượng cao [1].

Từ 20 năm trước, tư vấn quốc tế đã cho biết Hà Nội đang thiếu đường sắt đô thị, nhưng lộ trình như thế nào cho khả thi mới quan trọng, bởi người đứng đầu ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã nhận định mục tiêu đầu tư hơn 300km đường sắt đô thị Hà Nội trong 12 năm là không khả thi. Hà Nội không phải là thành phố duy nhất “sa lầy” vào các dự án đường sắt đô thị nhập khẩu đắt đỏ và kém hiệu quả.

Manila (Philippines) đã từng vay nhiều tỷ USD để làm 43km, sau 40 năm (1980-2023) thành phố vẫn nổi tiếng giao thông tắc nghẽn và vật vã với những món nợ khổng lồ. Athens (Hy lạp) đã vỡ nợ vì vay mượn nhiều thứ, trong đó có tuyến đường sắt đô thị ra sân bay để phục vụ thế vận hội 2004. Bangkok (Thái Lan) cũng đã từng sa lầy với dự án đường sắt đô thị “Hopewell” dài 60km nối Trung tâm Bangkok tới sân bay Quốc tế DonMueang trị giá 3,2 tỷ USD (1990). Kuala Lumpur cũng gặp trắc trở 23 năm (1990-2003) với tuyến Monorail dài 8,5km, trị giá 310 triệu USD. Bangkok và Kuala Lumpur đã thay thế nhà đầu tư nước ngoài và tự mình hoàn tất dự án dang dở. Giao thông đô thị của tất cả các thành phố trên thế giới chỉ thực sự được giải quyết ổn thỏa bằng chính nội lực của mình. Nhiều thành phố kiên quyết từ chối các dự án nhập khẩu đắt đỏ để thay vào đó những giải pháp phục vụ đại chúng với chi phí hợp lý và phát huy tối đa nội lực. Mỗi một dự án giao thông hiện đại là cơ hội để hiện đại hóa công kỹ nghệ trong nước và làm giàu kinh tế nội địa, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ thông minh hơn.

Những dự án đường sắt đô thị tại Athens (Hy Lạp); Bangkok (Thái Lan); Kuala Lumpur (Malaysia); Manila (Philippines)

Giao thông Hà Nội tắc nghẽn gia tăng hàng ngày, không chờ tới lúc có 300 km ĐSĐT mới có thể giải quyết ổn thỏa ,vì “ nước xa không cứu được lửa gần”. Hà Nội cần cách tiếp cận mới: thay vì bị dẫn dắt bởi mục tiêu phi thực tế, cần hợp tác nhằm cân bằng lợi ích tối đa cho các bên trong điều kiện có thể. Ưu tiên di chuyển (mobilities) thuận lợi thay cho gia tăng hiệu suất vận tải (transportation). Đó là phương pháp quy hoạch kết hợp giao thông với tái thiết đô thị; là cơ hội huy động đầu tư nội lực, khai thác tối ưu hóa không gian đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) hoặc chuyển quyền phát triển (Transfer of Development Rights – TDR). Kết nối đa phương tiện (đường thủy/đường sắt/đường bộ/giao thông phi cơ giới) trên cơ sở khai thác thế mạnh địa phương kết hợp với công kỹ nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện.

Bản đồ các dự án của tỉnh Hà Tây cũ cấp đất đổi đất lấy đường trục Bắc-Nam trong khu vực hành lang thoát lũ [4]; Tổng hợp diện tích đất đô thị tại Hà Nội năm 2003.

Thế mạnh của Hà Nội là UBND Thành phố có quyền lực tập trung trong việc phân bổ nguồn lực, tài nguyên đất đai. Nếu sử dụng quyền năng ấy sẽ tái cấu trúc không gian Hà Nội: chuyển từ Xám sang Xanh. Sau 20 năm (2003-2023), dân số đô thị Hà Nội tăng gấp 2 (từ 2,4 triệu lên 4,8 triệu người). Đất đô thị tăng 12,7 lần (122km2 lên 1.550km2); Nếu kể cả 459km2 đất do tỉnh Hà Tây cũ giao lập dự án đô thị đổi lấy tiền làm đường Bắc Nam thì đất đô thị Hà Nội tăng gấp 16,5 lần, chiếm 60% diện tích tự nhiên (2.010km2/3.360km2).

Chuyển từ quy hoạch “bán đất” sang “giữ nước” sẽ có Hà Nội Xanh – Sạch

 

Đáng lo ngại khi dân đô thị tăng, diện tích mặt nước cây xanh Hà Nội thiếu trầm trọng thì hàng trăm km2 đất giao lập dự án đô thị để hoang, hoặc xây xong không có người ở. Quy hoạch Thủ đô có thể đảo ngược nghịch lý này: bảo tồn mặt nước sông hồ, cây xanh hiện hữu và gia tăng mặt nước cây xanh tại các khu đất đô thị bỏ hoang, kết hợp các giải pháp đồng bộ để thu gom tái chế rác thải, nước thải để làm giàu dinh dưỡng đất, gia tăng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đây là cơ hội lớn cho Hà Nội phát triển kinh tế tuần hoàn lấy nông nghiệp sinh học (Biological agriculture) làm trụ cột. Hà Nội không có thế mạnh về công nghệ hàng đầu thế giới nhưng có cơ hội tái sinh sự sống cho mình và đóng góp cho nhân loại. Trong 30 năm (1960-1990), Hà Nội đã rất thành công trong việc xây dựng Vành đai Xanh thực phẩm ngoại thành cấp đủ cho nội thành Hà Nội trong giai đoạn đó, mô hình “đơn vị tự chủ sinh thái” (Ecologically autonomous unit) đã được các chuyên gia nông học Việt Nam mang tới hỗ trợ các thành phố các nước Angola, Mozambich,Venezuela… trong chương trình hợp tác hiệu quả giữa những quốc gia đang phát triển (hợp tác Nam-Nam) được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Hình phối cảnh “Hanoi New Town” (1998) dù bị bỏ dở nhưng để lại dấu ấn quy hoạch Hà Lan rất có kinh nghiệm đô thị hài hòa với mặt nước sông Hồng đi sâu vào các không gian làng xóm truyền thống. Phương án “Smart City” (2019) khai thác cạn kiệt đất đai, chia vụn mặt nước. Các dự án bất động sản bám theo trục giao thông một cách tầm thường, vây kín các khu dân cư hiện hữu, chia cắt, phá hủy kết nối đất và nước; Quá chú trọng đến khai thác bất động sản mà không tận dụng lợi thế cảnh quan và bền vững môi trường tại khu vực này.

Hà Nội rất mong muốn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cá nhân, tổ chức đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Nhưng mong hơn cả là những thông tin, ý ttưởng có giá trị thực sự. Trong lúc Hà Nội còn có vị trí thấp trong nhiều lĩnh vực thì cần những bài học gần gũi, khả thi, không nên đưa ra những mục tiêu xa vời, những bài học viển vông. Hy vọng tư vấn trong nước và quốc tế bên cạnh đưa ra những bài học tốt thì cũng đưa ra nhiều bài học xấu từ các thành phố, quốc gia đã phải trả giá cho những kế hoạch phát triển sai lầm, để lại những món nợ ngân sách khổng lồ, những bất ổn về chính trị xã hội kéo dài hàng chục năm… để Hà Nội tránh được sai lầm, không đi theo những vết xe đổ ấy thì quý giá biết bao.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, thành viênn Hội đồng khoa học tạpchí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây Dựng

[1] Trích nội dung tài liệu do Ngân hàng TMCP Quân đội và Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam cung cấp cho các đại biểu dự Hội thảo

[2] https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-tac-dong-cua-dau-tu-nuoc-ngoai-toi-moi-truong-sinh-thai-tai-viet-nam-103979.htm

[3] “Dự án quy hoạch Hà Nội; những bất ổn trong việc chuyển sang quy hoạch theo cơ thị trường” Laurent Pandolfi, trong cuốn” Hà Nội, Chu kỳ của những đổi thay”, NXB Khoa học kỹ thuật 2004

[4] Bản đồ các dự án nhà ở quanh trục Bắc Nam đặt lên nền bản đồ diện tích đất trồng hoa mầu năm 2009 tại các xã phường Hà Nội trong bài “ Đa ngành nghề, nông nghiệp bị mai một và thời kỳ quá độ”, các tác giả : S.Fanchette, Lê Văn Hùng , P.Moustier, Nguyễn Xuân Hoàn, trong cuốn “Hà Nội, vùng đô thị tương lai ,chấm dứt hòa nhập làng xóm trrong đô thị”, NXB Thế giới 2018