Các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ “mái nhà của trái đất” – tầng ôzôn, đang được cả thế giới quan tâm. Đây cũng là điều được tổng kết nhân kỷ niệm 30 năm ra đời Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ôzôn (ODS), đồng thời, đặt dấu mốc 23 năm Việt Nam gia nhập và thực hiện Nghị định thư Montreal.
Ảnh minh họa
Thực tiễn đang cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tích cực trong việc triển khai các Chương trình quốc gia loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ôzôn, khuyến khích chuyển đổi công nghệ an toàn với tầng ôzôn và môi trường trên cả nước.
Trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, nhiều DN bước đầu đã tiếp cận được công nghệ mới an toàn cho khí hậu và tầng ôzôn. Những DN này được hỗ trợ chi phí chuyển đổi công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện kỹ thuật. Hiệu quả đem lại trong sản xuất và kinh doanh trở thành động lực lớn cho các DN tiếp tục hưởng ứng các hoạt động bảo vệ tầng ôzôn.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu, để thực sự tham gia có hiệu quả vào chương trình loại trừ dần các chất làm suy giảm tầng ôzôn, các DN cần tận dụng nguồn vốn hỗ trợ trong huấn luyện kỹ năng của nhân công, bởi các chất thay thế rất dễ gây cháy nổ trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất.
Hiện nay, Quỹ Đa phương đã phê duyệt, chấp thuận tài trợ Dự án loại trừ HCFC của Việt Nam – giai đoạn II với tổng kinh phí là 14,6 triệu USD, thời gian từ năm 2017 – 2022 trên phạm vi toàn quốc. Dự án sẽ tổ chức các khóa tập huấn hỗ trợ hệ thống dạy nghề điện lạnh và huấn luyện công nhân kỹ thuật. Các DN sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, xốp cách điện, xốp XPS và bảo dưỡng thiết bị điện lạnh tham gia sẽ được xem xét hỗ trợ kinh phí để loại bỏ sử dụng các chất ODS và chuyển đổi sang sử dụng các công nghệ, chất thay thế thân thiện với ôzôn và khí hậu. Mục tiêu chính là loại trừ 1.000 tấn HCFC-22 và Polyol trộn sẵn HCFC-141b, loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào năm 2020 theo đúng lộ trình Nghị định thư Montreal.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam thuộc nhóm nước đang phát triển và sẽ ngưng mức tiêu thụ các chất HFC trong giai đoạn 2024 – 2028. Đến năm 2045, Việt Nam phải loại trừ được 80% tổng lượng các chất HFC, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị lạnh và điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy.
Các chất này chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất và lắp ráp thiết bị lạnh dân dụng, máy lạnh, điều hòa không khí trung tâm.
Để làm được điều này, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước thì các DN có liên quan cần chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch đổi mới trang thiết bị, công nghệ sản xuất cũ sang công nghệ hiện đại, lựa chọn các chất thay thế theo hướng dẫn của Nghị định thư Montreal.
Khánh Ly/BXD