06/11/2023

Bảo tồn và phát huy giá trị nhà cổ truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An

Tràng An là một vùng đất cổ, có chiều sâu của lịch sử, chiều rộng của không gian, chiều dài của quá trình cư trú của con người, xứng tầm bởi vị trí địa chính trị, địa quân sự và địa văn hóa. Vùng đất này, Thế kỷ X, là kinh đô của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền Đại Việt (968-1010) với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý.

TS Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình – phát biểu tại hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”

Đến nay, còn đó một Di sản Thế giới Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm – nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa song hành cùng các mốc vàng son của lịch sử dân tộc. Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư – nơi thống nhất giang sơn và phát tích quá trình định đô Thăng Long – Hà Nội.

Sự cần thiết của bảo tồn nhà ở truyền thống vùng Di sản Tràng An

Ninh Bình là tỉnh đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sở hữu Di sản hỗn hợp văn hoá và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Với lợi thế cạnh tranh đó, tỉnh Ninh Bình đã và đang bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị của di sản một cách hiệu quả, bền vững hướng tới xây dựng Ninh Bình là trung tâm du lịch lớn của vùng và của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch xanh, bền vững.

Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản văn hoá và thiên nhiên Thế giới Tràng An” là sự cần thiết và hướng đến giải quyết các vấn đề: (1) Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An. Kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam; (2) Xây dựng tiêu chí và định hướng bảo tồn, phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong Di sản thế giới Tràng An làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tu bổ, sửa chữa và khai thác phục vụ phát triển du lịch dựa trên bản sắc, đặc trưng riêng có của di sản; (3) Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống, giữ gìn cảnh quan khu Di sản phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; huy động nguồn lực đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thu hút du khách về tham quan Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.

Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng “Đô thị Cố đô – Di sản” nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản của vùng đất Cố Đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người mà trong đó Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất địa mạo, cảnh quan và văn hóa – Đây là, di sản văn hóa và thiên nhiên hỗn hợp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á.

Có thể thấy, xuyên suốt các tiêu chí V – giá trị về văn hóa “là ví dụ nổi bật về truyền thống cư trú và sử dụng đất của loài người, đại diện cho sự tương tác của con người với môi trường”; tiêu chí VII – các giá trị về thẩm mỹ; tiêu chí VIII – giá trị về địa chất địa mạo… đều thể hiện rất rõ tính bản địa độc đáo, nổi bật của một vùng di sản mà lại có tính phổ quát trên phạm vi toàn cầu.

Một trong những yếu tố nổi trội được khẳng định là Quần thể danh thắng Tràng An là một ví dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển, đại diện cho một (hay nhiều) nền văn hoá, hoặc quá trình tương tác giữa con người với môi trường. Tràng An là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của trái đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất quan trọng đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật.

Chính vì vậy, Di sản Thế giới hỗn hợp Tràng An có tính đa dạng về thành phần, công năng sử dụng và yêu cầu bảo tồn cho các loại hình, đối tượng khác nhau:

Đó là sự hiện diện của Kinh đô cổ với dấu ấn của các di tích kiến trúc trên mặt đất, dấu tích khảo cổ học ẩn chứa trong lòng đất; hệ thống cảnh quan thiên tạo, cảnh quan sinh thái nhân văn của các làng cổ xưa;

Đó là giá trị nổi bật toàn cầu gắn với sự lưu trú lâu đời còn qua thói quen, tập quán sinh kế của cộng đồng dân cư, cũng như lưu giữ các tri thức bản địa độc đáo được giữ gìn, lưu truyền của vùng đất Cố đô.

Đặc biệt, đây là di sản có quy mô khá lớn bao trùm nhiều khu vực dân cư hiện hữu, cùng với hệ thống di tích, các công trình lịch sử – văn hóa ghi dấu ấn qua các triều đại; các nhà ở truyền thống trong các làng, làng nghề còn lưu giữ lại thói quen, tập quán truyền thống lâu đời của người dân địa phương, là nguồn tài nguyên có giá trị cần nhận diện, bảo tồn và khai thác gắn với phát triển du lịch bền vững.

Các yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra?

Do vậy, việc bảo tồn nhà cổ, giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống, đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu Di sản là rất cần thiết và cần được khuyến khích. Từ những vấn đề như vậy, đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng:

Một là, yêu cầu khuyến khích bảo tồn nhà cổ, gìn giữ cấu trúc làng quê truyền thống;

Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch vào tháng 9/2023, trong vùng lõi Di sản còn khoảng trên 100 nếp nhà có kiến trúc truyền thống tiêu biểu, được xây dựng trước năm 1945 và phân bố chủ yếu trên địa bàn hai xã Trường Yên và Ninh Xuân, huyện Hoa Lư.

Dù về kiến trúc, vật liệu xây dựng có sự khác nhau song những ngôi nhà cổ ở khắp mọi miền đất nước đều là hiện vật trực tiếp phản ánh khả năng lao động, sáng tạo, trí tưởng tượng, gu thẩm mỹ của các thế hệ đi trước trong quá trình phát triển. Bởi thế, nhà cổ từ lâu đã được coi là một loại hình di sản độc đáo, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Ngôi nhà gỗ có kiến trúc 3 gian, 2 chái có niên đại từ khoảng 50 năm và lâu đời nhất khoảng hơn 100 năm, theo kiểu nhà gỗ đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc bộ. Bởi nhà cổ là những di sản không chỉ đẹp về đường nét kiến trúc mà còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.

Hình ảnh ngôi nhà truyền thống được cải tạo lại tại Khu Di sản Tràng An

Tại Quyết định số 230/QĐ-TTg, ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, đã quy định rõ đối với khu dân cư, là: “Giữ gìn cấu trúc làng xóm hiện có. Giữ gìn và tôn tạo các công trình kiến trúc có giá trị và hạ tầng kinh tế xã hội của làng, phục hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống”.

Thực hiện chủ trương định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản và các giá trị văn hóa truyền thống, ngày 12/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 105 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 – 2030, trong đó có chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An (gồm hỗ trợ tu bổ, sửa chữa nhà ở mang kiểu dáng kiến trúc truyền thống; hỗ trợ xây dựng mới nhà ở trong vùng lõi di sản).

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý nhà ở truyền thống và từ thực trạng quản lý hiện nay, có thể thấy, người dân không muốn sống trong những ngôi nhà cổ thiếu tiện nghi trong khi cuộc sống đang “hiện đại hóa” từng ngày. Cấu trúc làng trong khu di sản cũng thể hiện biến đổi văn hóa sinh kế, lối sống của cư dân tại Tràng An trước tác động của nhiều yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

Do vậy cần có biện pháp khuyến khích bảo tồn nhà cổ gắn với cuộc sống đương đại và với sự phát triển du lịch nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh, để mỗi ngôi nhà cổ được các chủ nhân chăm chút, nâng niu và bảo vệ góp phần giữ gìn nề nếp gia phong và truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ và di sản của nhân loại.

Nhà ở truyền thống trước và sau cải tạo tại khu Di sản Tràng An

Hai là, giữ gìn môi trường định cư truyền thống và tạo sinh kế cho người dân trong vùng di sản

Là một điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn của Việt Nam, các khu, điểm du lịch trong Quần thể danh thắng Tràng An có vai trò quan trọng trong việc phát triển KT-XH của tỉnh Ninh Bình. Đối với người dân địa phương, Di sản đã tạo ra nhiều lợi ích, giá trị kinh tế to lớn cho cộng đồng dân cư trong khu vực. Sinh kế truyền thống được tôn trọng và tiếp tục phát huy phù hợp với các quy định về bảo tồn Di sản Thế giới của UNESCO, của Trung ương và của Tỉnh.

Du lịch phát triển đã làm phong phú thêm sinh kế của cư dân địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% (có xã như Ninh Hải chiếm trên 90%) trong cơ cấu kinh tế các địa phương trong vùng di sản. Vì vậy, các hộ gia đình tham gia phát triển du lịch, tạo sinh kế mới khiến người dân gắn bó hơn với di sản.

Dân số sinh sống ngày càng gia tăng là áp lực ảnh hưởng tới bảo tồn các thuộc tính và các giá trị của di sản, cụ thể là hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng nghỉ cho khách du lịch thuê (homestay) ở những nơi có nhà cổ xảy ra hiện tượng phá dỡ/bỏ nhà cổ hoặc cải tạo ngôi nhà theo phong cách mới… vô hình chung làm mai một thậm chí mất đi những ngôi nhà truyền thống có giá trị.

Đáng tiếc là sự quan tâm bảo tồn nhà cổ mới chỉ “khoanh vùng” trong các làng cổ hoặc đang xuống cấp, hoặc bị chủ sở hữu phá đi xây mới. Do đó cần quan tâm nâng cao nhận thức, tạo sinh kế bền vững, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và quản lý giá trị di sản, để mỗi người dân tham gia gìn giữ, bảo tồn ngôi nhà của chính mình.

Ba là, cần xây dựng tiêu chí và hồ sơ nhà cổ vùng lõi di sản Tràng An, lồng ghép trong các Quy hoạch bảo quản và phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt trong Quần thể danh thắng Tràng An.

Hiện nay hầu hết các nhà ở truyền thống đã xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị phá dỡ nếu không có biện pháp trùng tu kịp thời. Trong khi hệ thống dữ liệu về nhà cổ còn chưa đầy đủ gây nhiều khó khăn cho công tác bảo tồn nói chung cũng như việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với việc phát huy ngôi nhà của người dân.

Chúng tôi cho rằng, trên cơ sở các nguyên tắc và tiêu chí cơ bản để nhận diện các công trình có giá trị, cần phải được tích hợp các yếu tố mới để có đánh giá xác thực nhất, đồng thời có thể vận dụng Tiêu chí phù hợp với các ngôi nhà ở truyền thống, đảm bảo các nguyên tắc phát triển bền vững trong vùng lõi Di sản Thế giới Tràng An.

Với cách tiếp cận liên ngành, tiếp cận hệ thống, các nhóm tiêu chí có thể được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với đối tượng nhà ở từng khu vực trong vùng lõi di sản. Vì vậy, các tiêu chí đánh giá tiềm năng di sản kiến trúc nhà ở truyền thống khu vực lõi Di sản Tràng An, cần nắm bắt được những đặc điểm cơ bản của những ngôi nhà này trong mối quan hệ với không gian làng xóm và rộng hơn là toàn bộ cảnh quan văn hóa vùng lõi di sản gắn với sinh kế cộng đồng.

Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng phục vụ công tác bảo tồn, phục vụ dựng và phát huy giá trị di sản gắn với bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống trong vùng di sản phù hợp với truyền thống và hài hòa với cảnh quan di sản, góp phần xây dựng vùng quê đáng sống, một mô hình nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng và sản phẩm mang thương hiệu của Di sản.

Kết luận

Với mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt từ giá trị những ngôi làng truyền thống, cao hơn nữa là bảo tồn và phát huy hiệu quả và bền vững giá trị Di sản Văn hoá và thiên nhiên Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, xứng đáng là mô hình mẫu mực về Bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội như Bà Tổng giám đốc UNESCO đã đánh giá khi đến thăm Tràng An.

Sáng 3/11, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”. Hội thảo nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, tiếp tục nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc nhà ở truyền thống; phát huy giá trị cảnh quan và cấu trúc làng truyền thống trong vùng lõi Di sản thế giới Tràng An.

Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An”

Xây dựng tiêu chí, lập danh mục các nhà ở truyền thống trong khu vực vùng lõi Di sản; tạo lập cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa nông thôn làm cơ sở cho việc áp dụng các chính sách hỗ trợ tu bổ, sửa chữa và khai thác phục vụ phát triển du lịch dựa trên bản sắc đặc trưng riêng có của Di sản.Tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của các giá trị nhà ở kiến trúc truyền thống, giá trị Di sản trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế – xã hội; kêu gọi, thu hút đầu tư, bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thu hút du khách về tham quan Di sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình nói chung.

Trên cơ sở nền tảng di sản đô thành và đô thị Hoa Lư cổ truyền, Ninh Bình đang hướng tới xây dựng “Đô thị Cố đô – Di sản” nhằm bảo tồn các giá trị bền vững của di sản, của vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử, tạo sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người mà trong đó Quần thể danh thắng Tràng An là nơi hội tụ các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, cảnh quan và văn hóa.

Do vậy việc bảo tồn nhà cổ, giữ gìn kiến trúc làng quê truyền thống đảm bảo hài hòa với cảnh quan khu Di sản là rất cần thiết và cần được khuyến khích. Từ những vấn đề này, hội thảo đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm.

Các nội dung lần lượt được làm rõ tại hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất: Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại Di sản thế giới Tràng An. Kinh nghiệm quốc tế; Phiên thứ hai: Xây dựng tiêu chí và định hướng phát huy giá trị nhà ở truyền thống trong vùng Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

TS Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình