12/09/2021

Bảo tàng trà Cầu Đất – Tái hiện 100 năm ngành trà trong khuôn viên nhà máy cổ

Thiết kế một không gian văn hóa độc đáo trên nền kiến trúc cũ, “đánh thức” những cỗ máy gần 100 năm tuổi, Bảo tàng trà Cầu Đất không chỉ hồi sinh các tòa nhà có nguy cơ bị tháo dỡ mà còn là nơi lưu giữ ký ức về lịch sử và kinh nghiệm làm trà lâu đời của người dân địa phương.

Bảo tàng trà Cầu Đất được cải tạo từ nhà máy trà cổ xưa nhất Việt Nam Thông tin công trình

Thông tin công trình

  • Thiết kế: Bo Design & Construction (BODC)
  • Khách hàng: Cau Dat Farm
  • KTS chủ trì: Đặng Phước Tuệ
  • Nhóm thiết kế: Team BODC
  • Năm hoàn thành: Tháng 1/2021
  • Diện tích xây dựng: 12000m2
  • Địa điểm: Cầu Đất, Đà Lạt
  • Ảnh: BODC

Bảo tàng nằm tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Sở trà Cầu Đất trước đây được người Pháp xây dựng từ năm 1929. Công trình đã được thiết kế lại vào đầu năm 2021 với diện tích 1,2 ha, là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn dành cho giới trẻ. Ở đây có những đồi trà với cảnh quan hùng vĩ, nhà máy có từ thời Pháp cùng các triển lãm về văn hóa trà, không gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt và quán cà phê phục vụ cho du khách.

Bảo tàng nằm tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Sở trà Cầu Đất trước đây được người Pháp xây dựng từ năm 1929. Công trình đã được thiết kế lại vào đầu năm 2021 với diện tích 1,2 ha, là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa về trà, đồng thời là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn dành cho giới trẻ. Ở đây có những đồi trà với cảnh quan hùng vĩ, nhà máy có từ thời Pháp cùng các triển lãm về văn hóa trà, không gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt và quán cà phê phục vụ cho du khách.

Công trình mới bao gồm triển lãm về văn hóa trà, không gian trưng bày nghệ thuật sắp đặt và quán cà phê phục vụ cho du khách

Nhà máy cũ hiện có 4 khối nhà. Các khối nhà này không chỉ mang giá trị thẩm mỹ nhất định mà còn ẩn chứa một ý nghĩa riêng. Đó là sợi dây hữu hình liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Khi bước vào bên trong, du khách sẽ có cảm giác như mình cũng là một phần của lịch sử. Chính những kiến trúc cổ này tạo ra cảm giác thân quen. Hay nói cách khác, kiến trúc đóng vai trò là nơi lưu giữ lại ký ức của các thế hệ.

Chính vì lẽ đó, các KTS đã chọn lấy khối nhà cũ nhất, vốn là xưởng sản xuất chính, để thiết kế lại thành một không gian văn hóa đặc sắc dành cho du khách và những người muốn tìm hiểu về văn hóa trà Việt Nam.

Không gian triển lãm về trà Cầu Đất và văn hóa trà của người Việt

Không gian triển lãm được cải tạo từ nhà xưởng cũ nhất của nhà máy

Trước khi được cải tạo, tòa nhà mang hình ảnh của một xưởng sản xuất, được xây dựng bằng gỗ thông và bao phủ bằng tôn, những vật liệu chi phí thấp. BODC có kế hoạch tái sử dụng cấu trúc nhà máy cũ và cải tạo lại cốt liệu, một phần kết cấu bị hư hỏng với ngân sách khiêm tốn.

Dù bề ngoài khối nhà được bao phủ bởi các tấm tôn bình thường nhưng nhà máy cổ này lại sở hữu một không gian có kết cấu lặp lại theo nhịp điệu, ngăn nắp cùng vẻ đẹp hoài niệm của các máy móc cũ (được nhập nguyên kiện từ châu Âu vào năm 1931).

Tòa nhà cũ được được xây dựng bằng gỗ thông và bao phủ bằng tôn

Hướng tiếp cận khá đơn giản, chỉ là dựa trên cấu trúc hiện có, từ đó loại bỏ các bức vách không phù hợp và trả lại giá trị ban đầu cho khối nhà; song song với đó là thiết kế lại các khu vực theo đúng chức năng và không gian dành cho triển lãm.

Nhà máy cũ được phủ một lớp sơn chống rỉ mới, trông bắt mắt hơn những khối nhà xung quanh, sẽ trở thành bức tường khổng lồ dành cho các màn trình diễn ánh sáng trong tương lai.

Hướng cải tạo của các KTS là dựa trên cấu trúc hiện có, từ đó loại bỏ các bức vách không phù hợp

Vật liệu chủ yếu là thép tái chế, các tấm polycarbonate…

Hướng tiếp cận này sẽ phục hồi được nhà máy cũ bị bỏ hoang và làm hồi sinh các tòa nhà có nguy cơ bị tháo dỡ. Điều này sẽ tiếp tục được duy trì cho các đời chủ sở hữu về sau – cả về du lịch ngắn hạn hoặc dài hạn để nghiên cứu về văn hoá trà.

Vật liệu đưa vào sử dụng vô cùng đơn giản, chủ yếu là thép tái chế, các tấm polycarbonate, gạch thô và đất được gia cố bằng xi-măng. Ngay đến các tác phẩm nghệ thuật cũng được làm từ lá trà và được vẽ bằng đất trộn với acrylic. Việc giữ lại cấu trúc ban đầu và tái sử dụng vật liệu giúp giảm chi phí đáng kể.

Các vật liệu thô mộc, đơn giản

Với suất đầu tư khoảng $200 cho mỗi mét vuông nhưng mang lại giá trị tinh thần lớn, kể từ lúc mở cửa đến nay, mỗi ngày bảo tàng đón khoảng 300 lượt du khách mới. Du khách sẽ hiểu được về lịch sử, con người của vùng đất này, đồng thời sẽ được mãn nhãn trước các dụng cụ, máy móc xưa cũ và các tác phẩm nghệ thuật mô phỏng về trà, các bước làm nên những sản phẩm trà độc đáo. Ở chặng cuối cùng họ sẽ được thử các loại trà do nghệ nhân pha hay được hướng dẫn làm các loại trà hiện đại mà giới trẻ yêu thích.

Nguồn: kienviet.net