Ngôi nhà tọa lạc ở vùng ngoại ô thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, là nơi hứng chịu nhiều trận lũ quét hàng năm. Đây cũng là sinh sống của các thành viên đến từ 3 gia đình khác nhau. Yêu cầu đặt ra cho vị kiến trúc sư người Nhật là biến nơi đây thành một ngôi nhà để cả 3 gia đình có thể sống quây quần, tối lửa tắt đèn có nhau.
Điểm nổi bật nhất mà chúng ta có thể thấy ở ngôi nhà này đó là các kiến trúc sư đã bố trí những cửa sổ cánh xoay từ đầu này qua đầu kia, để lại những khoảng hở giữa các mái và mặt đứng. Mục đích chính là để điều chỉnh lượng ánh sáng và gió tự nhiên vào nhà. Điều này cũng cho phép các thành viên trong nhà có thể ngắm nhìn vườn tược hay rừng cây xanh rì trước mặt.
Toàn bộ các bức tường đặc trong nhà được thay thế bằng những vách ngăn di động nhằm tạo ra một không gian rộng lớn và liền mạch, cho phép thành viên có thể di chuyển từ phòng này sang phòng kia một cách dễ dàng.
Tường bao phía ngoài được làm từ bê tông và sau đó được in nổi theo họa tiết tre đan nhằm mô phỏng nghề truyền thống của vùng.
Tầng trệt của ngôi nhà được thiết kế vô cùng đơn giản với những mảng sân xi măng, nền đất tự nhiên và cả những sàn tấm gỗ. Trong những tháng nước chưa lên, tầng trệt chính là nơi các thành viên trong gia đình tiếp khách, ăn uống, ngủ nghỉ, chăm sóc vườn tược.
Tầng phía trên được tính toán sao cho đủ không gian sinh hoạt, thư giãn cho các thành viên khi mùa nước lên.
Phần mái nhà được đảo ngược từ hình dạng chữ A thông thường thành mái chữ V để mở rộng không gian nhà ra môi trường xung quanh.
Nhằm sử dụng những vật liệu có sẵn ở địa phương, các kiến trúc sư đã sử dụng gỗ cà chít làm cột nhà, riêng sàn gỗ được mua lại từ khu bán đồ cũ gần đó.
Có thể thấy rằng, ngôi nhà ở Châu Đốc này không chỉ đẹp bởi lối kiến trúc đẹp mắt mà còn ở sự sáng tạo, gần gũi và thiết thực với thói quen sinh hoạt của chính các thành viên sống trong ngôi nhà.