Bao nhiêu năm tiền tỷ trôi theo dòng nước thải
Năm 2008, Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy liên quan đến 5 tỉnh, thành phố. Từ đó, Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy được thành lập để vận hành đề án. Sau 12 năm, Ủy ban nhóm họp 12 lần, và có nội dung nhận định tương đối giống nhau: ô nhiễm ngày càng phức tạp, nguồn ô nhiễm ngày càng tinh vi, khó lường. Các địa phương, Bộ, ngành đã tăng cường hoạt động,… Tổng kết 12 năm thực hiện Đề án, Bộ TN&MT ghi nhận đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều hoạt động triển khai… và kết quả quan trắc ô nhiễm thì vẫn ở mức cao.
Năm 2018, trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ TN&MT và các bộ có liên quan tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội giải cứu các dòng sông Nhuệ… thực hiện như thế nào, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng: “Đây là lúc chúng ta cần đưa ra giải pháp cụ thể”.
Có quá muộn không khi đã trải qua 10 năm triển khai Đề án (2008-2018) với kinh phí ban đầu hơn 3.300 tỷ đồng, sau đó hơn 10.000 tỷ đồng.
Thậm chí, tới 2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đã đầu tư trên 20 ngàn tỷ để thực hiện giám sát đầu tư các trạm quan trắc môi trường trên địa bàn như: Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình; đầu tư để xử lý nạo vét, cũng như trồng lại rừng đầu nguồn…
Ngân sách lớn để xây dựng hệ thống quan trắc và phân tích môi trường nước từ Trung ương đến địa phương. Tuy vậy tra cứu trên mạng thì cho ra kết quả còn khá sơ sài, lạc hậu ít có giá trị thực tế.
Bộ TN&MT là đơn vị lập Quy hoạch môi trường, sau 4 năm (2008-2012) mới xây dựng nhiệm vụ và sau 12 năm vẫn chưa lập xong Quy hoạch.
Dù quá muộn, nhưng Bộ TN&MT cần khuyến nghị mô hình phù hợp “tập trung” hay “phân tán” cho Hà Nội
Đừng để tiền bạc cùng những cam kết trôi đi
Nước là “của cải” nên Công ty quản lý Nước sẽ quản trị hiệu quả hơn nhiều cơ quan hành chính. Vì thế, chính quyền chỉ đóng vai trò giám sát của cải được tiếp cận công bằng. Đan Mạch có HOFOR sở hữu và cung cấp nước. Pháp lập ra 6 công ty quản lý 6 lưu vực sông lớn, các công ty thu tiền của cơ sở dùng nước hoặc làm ô nhiễm nước, tài trợ chuyển nước từ xa hay lọc nước. Ngân sách của 6 công ty nhiều gấp 4 lần ngân sách của Bộ Môi trường.
Hà Nội ta cần sáng tạo để tìm nguồn lực mới, hấp dẫn đầu tư xã hội làm thành phố trở nên thịnh vượng, an toàn hơn để lan tỏa hạnh phúc, niềm vui tới các địa phương anh em cận kề.
Sông Nhuệ muốn là nhịp cầu hạnh phúc thì cần sạch trong suốt 62km chảy trên địa phận Hà Nội.
Đầu tiên khoanh vùng thực nghiệm 5km đầu nguồn (từ Cống Chèm tới Phú Diễn), triển khai mô hình công ty quản lý nước lưu vực đầu nguồn (rộng 2.300 Ha). Công ty cung cấp nước sạch cho sinh hoạt, giải trí, tưới cây, rửa đường, thể thao… Thu gom xử lý nước thải từng tòa nhà, khu đô thị đến từng hộ dân. Hạch toán lấy thu bù chi và cấp nước sạch tiếp cho sông Nhuệ, sông Tô và cả Hồ Tây. Khi có lợi ích rõ thì sẽ có nhà đầu tư, phần còn lại sử dụng công nghệ nào, giám sát/công bố chất lượng nước sạch, nước thải ra sao/chuyển nước đi hay giữ lại trong các không gian lưu trữ…
Công ty quản lý hiệu quả hơn mô hình hành chính còn nhiều hạn chế như hiện tại. Hy vọng thực nghiệm thành công sẽ giúp ngành quản lý môi trường rút ra bài học để tiến hóa.
Năm 2019 Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Việt Nam – hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn”.
Theo đó, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước và suy giảm nguồn nước… Khoảng 63% nguồn gốc từ các quốc gia khác, trong đó 70-80% trong mùa lũ, mùa khô chỉ còn 20-30%, kéo dài 6-9 tháng. Do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán nghiêm trọng hơn, nước ngọt bị xâm nhập mặn và ô nhiễm gia tăng.
Việt Nam thực sự là quốc gia nghèo về nước nhưng lại sử dụng lãng phí tài nguyên nước… Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.
Năm 2020, trả lời chất vấn của đại biểu Hà Nam về cách giải quyết ô nhiễm nước thải sông Nhuệ từ Hà Nội chảy xuống, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay các cơ quan quản lý đã đánh giá và nhận diện được các nguồn thải trên lưu vực sông. Bài toán đặt ra là kiểm soát nước thải để xử lý. Hà Nam cũng đầu tư 3 trạm xử lý nước thải. Trước mắt là điều tiết trạm bơm, trong đó, có việc đưa nước thải pha loãng ra sông Hồng cũng như hút nước sông Hồng pha loãng đối với đoạn ô nhiễm ở Hà Nam.
Ý tưởng nghèo nàn coi nước thải thực sự là “của nợ” làm nghèo thêm tài nguyên nước và tiền bạc. Thế giới từ lâu đã tiếp cận nước “tuần hoàn/một hệ thống”. Đó là từ nguồn nước sạch (nước ngầm, nước mưa) cung cấp cho sản xuất công nông nghiệp và sinh hoạt – sau đó thu gom xử lý và tái sử dụng, trong quá trình xử lý nước thải họ giữ lại các chất thải sử dụng lại một cách hữu dụng, kể cả nhiệt lượng tái tạo. Tất cả hạch toán vào giá bán nước sạch bao gồm thuế nộp vào ngân sách do khai thác tài nguyên nước – nước thải thực sự là “của cải”.
Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội)/Vietnamnet