Bảo đảm sự phát triển toàn diện của Thủ đô
Cùng với việc hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, Thành ủy Hà Nội cũng đang gấp rút hoàn thiện các chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Nét mới lần này là thành phố đã bổ sung thêm một chương trình cho khu vực đô thị để bảo đảm sự phát triển hài hòa, toàn diện hơn.
Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng và triển khai hiệu quả tám chương trình hành động toàn khóa, tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đầu tư hạ tầng… Trong đó, Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” đã đạt kết quả quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo, cũng như đời sống người dân khu vực ngoại thành. Đây chính là những nền tảng để Thành ủy Hà Nội xây dựng các chương trình hành động cho giai đoạn 2021 – 2025.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thấy cần thiết tiếp tục duy trì tám chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020, nhưng với nội hàm mới, mục tiêu mới, định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp trong giai đoạn 2021 – 2025, đã được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Đồng thời, Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất bổ sung một chương trình công tác về chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển kinh tế đô thị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị vệ tinh, sớm hoàn thành mục tiêu đưa năm huyện thành quận trong nhiệm kỳ tới, gắn với chỉnh trang, phát triển đô thị, góp phần thiết thực xây dựng thành phố xanh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Chương trình “Chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025” sau khi được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17 thông qua, sẽ giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chủ trì tham mưu xây dựng, hoàn thành trong quý IV – 2020.
Về việc xây dựng Chương trình hành động mới này của Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, chương trình này sẽ giúp cho diện mạo đô thị của thành phố văn minh, hiện đại hơn. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch chung của Thủ đô để thực hiện liên kết vùng, quy hoạch vùng đạt hiệu quả cao.
Song song với Chương trình “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại gắn với bảo tồn giá trị văn hóa giai đoạn 2021 – 2025”, Chương trình “Chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025” sẽ được triển khai tập trung trong khu vực nội đô, bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17. Đó là phát triển mạnh mẽ kinh tế đô thị, chú trọng các mô hình và loại hình kinh doanh mới gắn với đặc thù đô thị như kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm… Khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính từ đô thị (gồm đất đai, tài sản công, hạ tầng đô thị…). Đa dạng hóa các nguồn vốn, trong đó vốn đầu tư ngân sách thành phố tập trung vào các chương trình mục tiêu, các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô. Vốn ngoài ngân sách tập trung cho các lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ, thương mại; du lịch, khách sạn; nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản; y tế, giáo dục, thể dục thể thao, môi trường, xử lý rác thải, chất thải…
Thành phố cũng xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Triển khai xây dựng quy hoạch Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành các quy hoạch phân khu nội đô lịch sử, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông; tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị đạt từ 20 đến 25% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh chiếm từ 4 đến 6% đất giao thông), riêng trong khu vực bốn quận nội thành (cũ), tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt từ 10 đến 12%. Chú trọng quy hoạch xây dựng công trình đỗ ô-tô ngầm và nổi. Sớm hoàn thành các dự án tuyến đường vành đai, đường hướng tâm, cầu qua sông Hồng; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng.
Đồng thời phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế – xã hội các đô thị vệ tinh, đô thị Nhật Tân – Nội Bài, đô thị sinh thái ven sông Hồng; hình thành những vùng chuyển tiếp, vành đai xanh giữa đô thị và nông thôn phù hợp với từng khu vực phát triển. Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trên cơ sở quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển nhanh hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Khẩn trương xây dựng và sớm hoàn thành đô thị thông minh phía bắc sông Hồng – một đô thị mang tính biểu tượng đặc sắc, hiện đại và bền vững của Thủ đô và cả nước. Xây dựng các trục, điểm nhấn phát triển về tài chính, ngân hàng, thời trang, làng nghề, cảnh quan đô thị như: Hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Chí Công (trục Nhật Tân – Nội Bài), trục đường Hồ Tây – Ba Vì, trục đường Phạm Văn Đồng – Hồ Tây,… Hoàn thành xây dựng, cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước theo quy hoạch, phấn đấu nâng diện tích cây xanh đô thị đạt từ 7,8 đến 8,1 m2/người vào năm 2025. Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị; có cơ chế xử lý hiệu quả những vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Quốc Toản/Báo Nhân dân