Bangkok xây 300km đường sắt đô thị: Giấc mơ tàu điện Hà Nội bao giờ?
Từng khởi đầu khó khăn nhưng Bangkok đã hiện thực hóa hơn 110 km và đang xây tiếp hơn 180 km nữa để đạt 300km trong 1-2 năm tới. Đây là hạ tầng hiện đại mà các thành phố lớn như Hà Nội mơ ước để giải quyết các vấn nạn giao thông của mình.
Đã từng là gánh nặng đầu tư ngân sách nhà nước, giờ đây các dự án đường sắt đô thị Bangkok đang là động lực phát triển kinh tế trong nước, tạo ra hàng triệu việc làm mới, thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư từ xã hội và khởi tạo những mô hình kinh tế mới của kỷ nguyên 4.0.
Xuất phát chậm do khởi đầu gian nan
Những năm 1990, Bangkok – thủ đô của Thái Lan – là một trong những thành phố của những “con hổ châu Á”, giống như Singapore, KualaLumpur, Hongkong, Taipei,… nhưng mới là “con hổ” ốm yếu vì khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Khi đó, hàng loạt dự án bất động sản đổ vỡ kéo theo hạ tầng giao thông đình đốn.
Điển hình là dự án “Hopewell”. Năm 1990, Thái Lan giao cho Tập đoàn Hopewell (HongKong) thực hiện 60 km đường trên cao nối sân bay quốc tế Donmuang với trung tâm Bangkok. Đường có quy mô 3 tầng: tầng 1 giao thông mặt đất, tầng 2 bố trí đường sắt trên cao (nặng và nhẹ), tầng 3 là đường 6 làn ô tô. Dự kiến, tổng vốn đầu tư hết 3,2 tỷ USD, chủ đầu tư được khai thác quỹ đất bên đường để hỗ trợ thu hồi vốn. Một phần dự án sẽ đưa vào khai thác vào năm 1995.
Mặc dù không có nghiên cứu tiền khả thi, dự án đã được tiến hành nhanh chóng đầu thập kỷ 1990 với hàng ngàn khung cột được dựng lên… nhưng đã đình trệ và trở thành phế tích từ 1997.
Chính phủ Thái Lan cho rằng, dự án mới đạt 10% và chủ đầu tư hết tiền nên đã đình chỉ dự án. Chủ đầu tư công bố đã chi 575 triệu USD và lỗi thuộc về Chính phủ chậm giao mặt bằng… Dự án không được tiếp tục, nhưng vẫn có đề xuất tận dụng các trụ cột có thể dùng trong 60 năm tới cho các tuyến đường liên tỉnh. Tuy vậy, có ý kiến lập luận, dẫu phải chi nhiều triệu USD phá dỡ kết cấu kiên cố này để xây chồng lên cái mới thì vẫn còn lợi hơn.
Bên cạnh tranh chấp pháp lý là những tin đồn về tham nhũng và những giao dịch đất bất thường. Cuộc tranh cãi kết thúc khi Thủ tướng Thaksin nhận xét chất lượng kém, cần phá hủy ngay lập tức các trụ cột Hopewell này.
Bài học Hopewell cho thấy một dự án hạ tầng tiêu tốn cả đống tiền chưa chắc có tương lai tươi sáng – nó cần thiết được lập kế hoạch cẩn trọng, xem xét tới tác động nhiều mặt mới có thể đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển.
Mặc dù bắt đầu bị dỡ bỏ từ 6/2005 nhưng đến tháng 9/2018 vẫn thấy hàng dài các trụ cột dang dở từ sân bay Donmuang tới Bangkok. Nó nhắc nhở chúng ta về “kế hoạch tâm thần phân liệt” (schizophrenic planning) dẫn đến sự lãng phí khủng khiếp.
Tăng tốc mạnh để kịp tới tương lai
Vùng đô thị Bangkok (BMR) rộng 7.785 km2, dân số 17,5 triệu người và chiếm 68% GDP quốc gia. Năm 1999, Bangkok mở 2 tuyến Skytrain: Sukhumvit và Silom, tổng chiều dài 38,7km, qua 35 ga, phục vụ 900.000 hành khách/ngày.
Năm 2004, Thái Lan mở tuyến tàu điện ngầm đầu tiên (MRT Blue Line) dài 21 km qua 19 ga. Hơn 10 năm sau (2016), mở tuyến thứ hai (MRT Purple Line) dài 23 km qua 16 ga, năng lực hai tuyến gần 1 triệu hành khách/ngày. Năm 2010, mở tuyến Airport Rail Link dài 28,6 km nối trung tâm Bangkok với sân bay Suvarnabhumi, hiện mở rộng tới sân bay Donmuang (hai sân bay đón 90 triệu hành khách năm 2016).
Tính đến tháng 7/2018, hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) Bangkok mới có 111,14Km, đang xây dựng 181,34 km để hoàn thành trước năm 2020 tổng cộng gần 300 km ĐSĐT.
Theo kế hoạch của văn phòng Chính sách Quy hoạch giao thông vùng Bangkok, đến năm 2029, Bangkok sẽ có hơn 500 km ĐSĐT, đáp ứng 42,4% các chuyến đi, so với hiện tại mới đạt 6%; trong khi Seoul 51%, HongKong 46%, Singapore 40%, Tokyo 36%.
Đến 2029, ĐSĐT Bangkok phục vụ 7,5 triệu hành khách/ngày, còn khiêm tốn nếu so với Hongkong: 34,7; Singapore: 34,2; Tokyo: 24,2,… nhưng lại rất phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội Thái Lan.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Thái Lan đã đầu tư 1,4 tỷ USD (2015), 2,4 tỷ USD (2016), 5,6 tỷ USD (2017) và hơn 10 tỷ USD cho những năm tới. Quan trọng là đa dạng hóa vốn đầu tư, đặc biệt là đại chúng hóa. Hợp tác công tư (PPP) toàn diện đang thay thế mô hình Chính phủ đầu tư ĐSĐT, sau đó bàn giao cho nhà thầu tư nhân bảo trì, vận hành. Các tập đoàn trong nước và liên doanh quốc tế đang hào hứng tham gia vì khi trúng thầu dự án lớn, cổ phiếu của họ sẽ tăng cao. Qua đó, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, thay vì những khoản vay nợ đắt đỏ, phụ thuộc từ bên ngoài.
Lựa chọn loại hình ĐSĐT phù hợp cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ: 5 tuyến đường sắt nặng đi ngầm và nổi đắt đỏ đã được thay bằng monorail (nhanh, rẻ, linh hoạt và chi phí vận hành, bảo trì thấp); toàn bộ đầu tư PPP, các tuyến mới sẽ đồng loạt động vào 2019. Chính phủ trợ cấp 1,4 tỷ USD/tuyến để dự phòng rủi ro khi tiền vé không đủ chi phí và đảm bảo giá vé thấp để thu hút hành khách.
Tháng 12/2016, liên doanh BSR đã trúng thầu 2,9 tỷ USD xây dựng 64,9km, qua 53 ga của tuyến monorail Pink Line và Yellow Line (44,6 triệu USD/km).
Thành công ngoạn mục là tập đoàn BTS khi tiếp quản các dự án ĐSĐT ngay từ giai đoạn rất khó khăn: lượng khách đạt 50% dự kiến, tiền vé chỉ đủ chi phí vận hành mà không đủ nâng cấp mở rộng. Nhưng họ đã làm đủ mọi cách để tăng lượng khách gấp 4 lần và năm 2013 đã thu về 2 tỷ USD từ phát hành cổ phiếu (thành công nhất châu Á).
BTS được quyền khai thác 30 năm (1999-2029), song 23,5 km đường ban đầu chỉ đóng góp 37% vào doanh thu tập đoàn, 41% doanh thu lại đến từ truyền thông.
Truyền thông là một trong bốn cột trụ của công ty BTS, bên cạnh Skytrain, bất động sản và dịch vụ hỗn hợp. Ngoài quảng cáo ở những ga tàu Skytrain lẫn bên trong và bên ngoài các toa tàu, truyền thông còn bao gồm các màn hình quảng cáo lớn tại những tòa nhà văn phòng và những địa điểm khác quanh Bangkok, cũng như thẻ thông minh (smartcard) Rabbit.
Hiện Skytrain đã kéo dài gấp đôi, nhưng Rabbit mới đem lại nhiều hứa hẹn: không chỉ là tấm vé ĐSĐT liên tuyến mà còn cho nhiều dịch vụ trực tuyến từ những tiện ích qua nhắn tin tự động, tạo ra lượng khách mới bằng các khoản giảm giá và khuyến khích mua trước trả sau.
BTS hiện có 3.752 nhân viên, 57% làm việc trong mảng tàu điện ngầm. Truyền thông chỉ có 236 nhân viên nhưng đóng góp 48% vào lợi nhuận của BTS so với 42% từ mass-transit, 6% từ bất động sản và 5% từ những dịch vụ khác, lãi ròng hơn trăm triệu USD mỗi năm.
Đã từng là gánh nặng đầu tư ngân sách nhà nước, giờ đây các dự án đường sắt đô thị Bangkok đang là động lực phát triển kinh tế trong nước, tạo ra hàng triệu việc làm mới, thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư từ xã hội và khởi tạo những mô hình kinh tế mới của kỷ nguyên 4.0.
KTS Trần Huy Ánh