13/04/2017

Bàn thêm về Dự thảo Luật Quy hoạch

Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, chỉ có quy hoạch xây dựng (quy hoạch vật thể), người ta mới có khái niệm quy hoạch không gian; quy hoạch phi vật thể thì không sử dụng khái niệm không gian như khái niệm “không gian phát triển kinh tế”, “quy hoạch không gian biển” như quy định trong Dự thảo Luật quy hoạch. Việc này cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh cho chính xác.


Một khu đô thị mới được thực hiện đúng quy hoạch tại Hà Nội

Sau khi nghiên cứu Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP; Thông tư số 03/2008/TT-BKHĐT ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Nghị định số 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, tôi nhận thấy hệ thống pháp luật này mặc dù là ở cấp Nghị định và Thông tư, nhưng xét về pháp luật thì tương đối chuẩn mực về hình thức, đầy đủ về nội dung quy định từ khâu lập, thẩm định phê duyệt các loại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, rõ ràng, ít chồng chéo với các ngành.

Nghị định này đã điều chỉnh các loại quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội từ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cả nước (lãnh thổ); Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp tỉnh; quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội cấp huyện; quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội các vùng đặc thù; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Đồng thời cũng quy định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch nêu trên. Nghị định này đã được ban hành hàng chục năm, đã đi vào cuộc sống. Nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Chính phủ phân công.

Nếu cần phải nâng cấp thành Luật thì phải có đánh giá lại tình hình thực hiện hệ thống pháp luật này có những mặt mạnh, mặt yếu và hiệu quả đối với xã hội trong một thời gian dài. Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ chưa phù hợp. Nếu xét thấy cần phải quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với công tác quy hoạch phát triển ngành như trong Nghị định nêu thì cũng cần phải bổ sung.

Làm được như vậy thì chúng ta sẽ có một Luật mới tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hạn chế tối đa việc chồng chéo giữa các pháp luật chuyên ngành về quy hoạch.

Bàn thêm về dự thảo Luật Quy hoạch

Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chỉ có quy hoạch xây dựng (quy hoạch vật thể), người ta mới có khái niệm quy hoạch không gian; quy hoạch phi vật thể thì không sử dụng khái niệm không gian như khái niệm “không gian phát triển kinh tế”, “quy hoạch không gian biển” quy định trong dự thảo Luật quy hoạch. Việc này cũng cần nghiên cứu để điều chỉnh cho chính xác.

Điều 17 Dự thảo Luật Quy hoạch quy định về tư vấn lập quy hoạch, quy định như vậy thì các trường đại học ở Việt Nam và thế giới không thể đào tạo những cán bộ đa ngành, đa nghề như quy định mà chỉ đào tạo các kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành. Trên thực tế quy hoạch chuyên ngành thuộc các Bộ, ngành là do các Bộ, ngành chủ trì thực hiện cùng với các nhà khoa học chuyên ngành của các Viện khoa học thuộc Bộ. Ngay cả quy hoạch xây dựng, đối với các quy hoạch xây dựng chung là trung tâm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ bản do Viện Quy hoạch Quốc gia của Bộ thực hiện, các tổ chức, cá nhân tư vấn đa phần lập các loại quy hoạch chi tiết. Quy định như Dự thảo là không thực tế và không khả thi.

Một số loại quy hoạch được quy định tại phụ lục 1 cũng cần nghiên cứu để phù hợp với các loại quy hoạch mà các Bộ, ngành đang thực hiện. Ví dụ: Quy hoạch không gian biển? – Vậy không gian biển là gì? Cần phải giải thích từ ngữ: quy hoạch thiết chế văn hóa thể thao Quốc gia? – Sao lại có loại quy hoạch thiết chế? Quy hoạch hệ thống phòng cháy chữa cháy cấp Quốc gia? – Vấn đề phòng cháy chữa cháy chỉ để cho một công trình, một khu vực cụ thể, có thể đó là công trình cấp Quốc gia, chứ không có loại quy hoạch phòng cháy, chữa cháy Quốc gia. Một số quy hoạch thuộc bí mật quân sự không thể nêu vào Dự thảo như quy hoạch hệ thống kho dự trữ Quốc gia; quy hoạch hệ thống các công trình quốc phòng, khu quân sự cấp Quốc gia; quy hoạch hệ thống kho đạn dược Quốc gia. Đây có phải là quy hoạch không? Hay nó là những vị trí xây dựng mang tính bí mật Quốc gia mà Chính phủ giao cho một cơ quan nào đó thực hiện.

Nói chung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội trong đó hàm chứa nhiều tài liệu, số liệu bí mật Quốc gia, vì vậy Dự thảo Luật quy định phải công khai minh bạch quy hoạch (mục 5 Điều 4); tổ chức cá nhân trong nước hay nước ngoài tham gia hoạt động quy hoạch (mục 3 Điều 8); giám sát quy hoạch (Điều 10) quy định như thế cũng cần xem lại.

Điều 67 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động quy hoạch. Không nên quy định điều này trong dự thảo, bởi Quốc hội đã ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó mỗi Bộ, ngành đều có Nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính theo ngành, lĩnh vực do các Bộ, ngành được phân công quản lý, vì vậy các quy định xử phạt vi phạm quy hoạch đã có trong các Nghị định đó, không nên có một Nghị định mới chồng chéo lên các Nghị định khác.


Khu nghỉ dưỡng COCOBAY tại Đà Nẵng

Điều 68 Điều khoản chuyển tiếp, về mục a và mục b quy định nguyên tắc chuyển tiếp. Ở đây có sự nhầm lẫn cơ bản giữa pháp luật về quy hoạch và các đồ án quy hoạch, các chiến lược phát triển đã được lập, phê duyệt từng các thời kỳ, nhiều đồ án đã được thực hiện trên thực tế, ví dụ như việc xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp theo đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt, các công trình thủy lợi, giao thông, điện. Thực hiện các đồ án chuyên ngành được phê duyệt thì không thể quy định nó có được kế thừa hay không kế thừa và đương nhiên là nó vẫn tồn tại và không bị đập đi do quy định mới của Dự thảo Luật này mà chỉ có thể quy định các pháp luật về quy hoạch chuyên ngành đến thời điểm này phải được điều chỉnh để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp; đồng thời các quy hoạch chuyên ngành phải tuân thủ theo các quy định mới của pháp luật. Quy định như Điều 68 của Dự thảo Luật là không thể thực hiện được.

Khoản 3 Điều 68 quy định: “kể từ ngày Luật này có hiệu lực, chỉ lập các quy hoạch quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Luật này và việc tổ chức, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phải tuân thủ quy định luật này”. Nhưng trong Dự thảo Luật quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 12 là quy định mối quan hệ quy hoạch chứ không phải quy định các loại quy hoạch, nội dung này cũng cần xem lại.

Nhìn chung với nội dung Dự thảo Luật quy hoạch như hiện nay thì không nên ban hành vì nó sẽ gây ra nhiều chồng chéo, ách tắc mới trong các hoạt động quy hoạch của các ngành.

Tiến sỹ Phạm Gia Yên/Báo Xây dựng