11/10/2021

Băn khoăn về đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”

Câu chuyện về “giải ngân hà xanh” giống ý tưởng quảng cáo kinh doanh cho một dự án bất động sản hơn là cảm hứng thu được qua những nghiên cứu thật sự nghiêm túc về lịch sử tự nhiên và xã hội vùng đất…

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Khi nhìn những hình ảnh đồ án đạt giải của Liên danh Công ty Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) và Công ty CP Tư vấn đầu tư và Thiết kế Xây dựng Việt Nam (CDC), tôi khá ngạc nhiên. Đây là giải cao nhất ư? Tập đoàn thiết kế hàng đầu Nhật Bản mang đến Việt Nam ở một cuộc thi tầm cỡ thế này một phương án như thế này?

Là người hành nghề lâu năm về kiến trúc quy hoạch, trong đó có gần 20 năm giảng dạy về thiết kế đô thị[1], tôi cảm thấy khó hiểu và phần nào đó cả lòng tự trọng dân tộc có chút tổn thương. Bình thường do đặc thù công việc mỗi kiến trúc sư luôn có một nhà phê bình bên trong, nhưng vì nhiều lý do tế nhị khác nhau chúng tôi ít khi tham gia nhận xét trực tiếp vào công việc của những đồng nghiệp khác. Tuy nhiên trường hợp này, trước tính chất quan trọng của dự án và những hệ lụy xã hội lớn lao nếu những ý tưởng có vấn đề được đưa vào triển khai, trách nhiệm một người làm chuyên môn đòi hỏi tôi thấy cần nêu lên một vài suy nghĩ.

Khách quan mà nói, so với các phương án có xu hướng tập trung trong một công trình lớn duy nhất, lựa chọn cấu trúc phân tán cho tổng thể với việc dành khoảng trống ở giữa khu đất cho các không gian công cộng và đẩy các tòa nhà sang hai bên là một hướng đi hợp lý. Một mặt, điều này giúp không gian công cộng có được một hình hài với ranh giới rõ ràng, thay vì dạt ra và dễ trở thành những “mảnh thừa còn lại”[2] sau khi công trình ở giữa mọc lên như các phương án tập trung.

Mặt khác, trụ sở cơ quan các bộ nằm trong các tòa nhà riêng rẽ cũng giúp chúng có được sự độc lập trong việc theo đuổi các hình thức kiến trúc có tính biểu tượng từng ngành, và tạo sự linh hoạt dễ thích ứng với việc phân đợt hoặc chuyển đổi tùy tình hình quá trình xây dựng về sau.

Ngoài ra, các tòa nhà đặt sang bên cũng giúp củng cố và nhấn mạnh rõ thêm hình thái và đời sống hai tuyến đường lớn phía ngoài. Nó biến chúng thành những “đại lộ đô thị” (urban boulevard) đúng nghĩa nhờ việc gia tăng mật độ cả về xây dựng lẫn hoạt động, điều không có được với phương án tập trung khi tòa nhà đặt ở trung tâm khu đất sẽ lùi lại so với mặt đường và dễ biến chúng thành các tuyến giao thông thuần túy do mật độ bị pha loãng.

Tuy nhiên, những điểm tích cực trên không khỏa lấp được những thứ gây băn khoăn sẽ nêu dưới đây.

Khu trụ sở làm việc các bộ ngành trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây được định hướng trở thành “trục xanh” và trung tâm hành chính cấp quốc gia mới, giảm tải cho khu vực nội đô hiện tại theo Quy hoạch Hà Nội tầm nhìn 2030-2050. Ảnh: CDC

Tạo hình không rõ cơ sở

Đây chính là ấn tượng đầu tiên cần đề cập, thể hiện qua cả quy hoạch quảng trường lẫn kiến trúc các tòa nhà. Dù dành cho người đi bộ, không gian công cộng trung tâm lại được tổ chức như một chuỗi những vòng xuyến lớn hay cầu vượt nhiều tầng thường gặp ở những nút giao thông cho xe cơ giới. Với quy mô đồ sộ cộng thêm sự đối xứng nghiêm ngặt quanh trục giữa, cấu trúc này quá nhấn mạnh tính hoành tráng so với mức độ đòi hỏi và làm nó trở nên như một thực thể ngoại lai trên tổng thể chung[3].

Nếu bỏ qua phần đế các tòa nhà, một sự tương phản động – tĩnh là rất rõ không chỉ trong hình thức mà còn ở cả không khí các hoạt động, giữa một bên là các cơ quan hành chính tương đối yên tĩnh và bên kia là sự náo nhiệt có thể thấy qua các phối cảnh minh họa ở chuỗi không gian trung tâm.

Phải chăng đây là chủ ý của các tác giả thiết kế, với sự đề cao vai trò của người dân không chỉ qua việc dành những diện tích mênh mông mà còn ẩn dụ về sức mạnh vô bờ như dòng sông chảy cuồn cuộn?

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Chưa phản ánh lịch sử, văn hóa hay bản sắc địa điểm

Trên thực tế, sự thú vị và sống động của một không gian công cộng phụ thuộc rất nhiều yếu tố và không phải lúc nào cũng song hành với những hình thức thị giác ấn tượng. Thế nhưng ngay cả khi những đường cong của cấu trúc đồ sộ này có mang đến cảm giác ngoạn mục, chúng vẫn không cho thấy bất cứ sự liên quan nào đến các đặc trưng khu vực hay ký ức địa điểm. Những ý tưởng như vậy có thể được đặt vào bất cứ đâu.

Với Hà Nội, câu chuyện về “giải ngân hà xanh” giống ý tưởng quảng cáo kinh doanh cho một dự án bất động sản hơn là cảm hứng thu được qua những nghiên cứu thật sự nghiêm túc về lịch sử tự nhiên và xã hội vùng đất. Trong khi đó Hồ Tây vốn lại là một khu vực đòi hỏi nhiều thận trọng và nhạy cảm, nhất là một dự án thuộc tầm cỡ này.

Cảnh quan truyền thống ở đây thiên về tính âm với không khí nhẹ nhõm thanh lặng gắn chặt vào những hình thái hữu cơ của làng xóm, đất đai nông nghiệp hòa quyện quanh những mặt nước lớn nhỏ, cùng với đó là đền chùa đình miếu đi kèm biết bao huyền thoại và truyền thuyết… Ngay tại địa điểm dành cho dự án giờ đây vẫn còn nhiều dấu tích nguyên vẹn của những thửa ruộng và kênh mương phản ánh phương thức canh tác.

Đáng tiếc, phần phân tích hiện trạng cảnh quan của đồ án được thực hiện hết sức chung chung sơ sài, mang dáng vẻ của những thuyết minh bán hàng[4] và hoàn toàn vắng bóng các nghiên cứu về hình thái.

Chúng ta chắc chắn không thể giữ nguyên hoặc tôn vinh toàn bộ, nhưng rõ ràng tất cả đều bị lãng quên và xóa sạch bóng dáng trong một phương án mà từ tạo hình đến không khí đều hừng hực khí thế. Mọi thứ đều quá động, quá dương, dù cho các trụ sở hai bên không hẳn tương thích với một tinh thần như vậy (hoặc nếu cần thì chúng có thể quay ra mặt đường phía ngoài).

Cơ hội lớn nhất trong việc khơi gợi lại chút gì đó từ ký ức địa điểm đã bị bỏ qua, hoặc nếu có, địa điểm đã bị di dời lên Tây Bắc thông qua những thửa ruộng bậc thang ở chân đế các tòa nhà hai bên.

Kiến trúc lấy ý tưởng từ ruộng bậc thang. Ảnh: CDC

Cấu trúc tốn kém và nặng nề

Việc tổ chức trục không gian công cộng nhiều tầng kiểu này không chỉ thiếu cơ sở mà còn gây tốn kém do khối lượng xây dựng là rất lớn so với hiệu quả mang lại. Đóng góp vào cảnh quan của nó cũng rất đáng tranh cãi, vì đi dạo trên đó là một chuyện, nhưng ngắm nhìn những cầu vượt bê tông nhiều chỗ cao ngang tòa nhà 4 tầng từ bên dưới những công trình xung quanh lại là chuyện khác.

Những đường lượn sóng của cây cầu vượt trên bản vẽ mặt cắt rất tiếc chủ yếu mang tính tham khảo kỹ thuật chứ hoàn toàn không phải thụ cảm thật vì chiều dài để thấy đường cong là rất lớn trong khi khoảng nhìn thực tế từ hai bên lại rất gần. Kết nối nội bộ giữa các tầng với nhau cũng có thể là một vấn đề khi người dân không phải lúc nào cũng thấy thoải mái với những đường dẫn dốc quá dài.

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Khó tích hợp các khoảng tĩnh riêng tư

Trừ khi được phép len vào khoảng ngách giữa các tòa nhà, một không gian rộng lớn với tỷ lệ thiếu gần gũi và quá động theo mô hình như vậy sẽ rất khó cho những ai muốn tìm cho mình ở đây một không khí thân mật riêng tư. Tất thảy đều phơi ra, và bất cứ điều gì bạn làm cũng có thể bị nhìn thấy từ xa. Thế mà sự đa dạng về không khí và tính chất hoạt động lại là một yếu tố cần tích hợp trong nhiệm vụ thiết kế với những dự án ở quy mô này, vốn không thể chỉ dành hết cho những tương tác sôi động[5].

Sự náo nhiệt của những dòng người sẽ dễ dàng cuốn phăng mọi thứ. Không gian công cộng ở đây sẽ ít mang lại cảm giác nơi chốn, vì thật khó tìm thấy một chỗ nào đó để neo vào. Nó giống một tuyến đường để đi qua nhiều hơn là điểm đến, hay giống một “place of passage”[6].

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

“Tranh chấp” cá tính với các trục đại lộ bên cạnh

Bỏ qua thời gian tò mò ban đầu, khả năng lôi cuốn được một lượng lớn khách thăm trong đời sống hàng ngày cũng là một dấu hỏi khi xem xét nhiều yếu tố khác. Nếu như không phải dịp lễ hay có sự kiện gì đó đặc biệt, không khí khu vực này không có quá nhiều cá tính riêng so với những vỉa hè rộng lớn cùng khoảng không bên dưới các cao ốc dọc theo hai đại lộ phía ngoài, vốn rồi đây cũng sẽ được tạo cảnh trồng cây, trang trí lung linh và tràn đầy các quán café hay cửa hàng mua sắm.

Thay vì tạo những không gian công cộng vừa phải, nhẹ nhõm và dành nhiều đất hơn cho cây xanh, phương án này cạnh tranh với chính các đại lộ phía ngoài trong khi đáng ra có thể là một sự bổ sung lý tưởng để tái lập cân bằng trong khu vực.

Mô hình thiếu tương thích hoặc chưa làm rõ sự hiện diện của những cơ sở kinh doanh nhỏ địa phương

Một trong những hạn chế khách quan của dự án là theo quy hoạch đã duyệt, nó bị bao bọc chủ yếu bởi các công sở và tương đối biệt lập với khu dân cư hay các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ của nền kinh tế địa phương. Sự tham gia từ những đối tượng này vô cùng quan trọng trong việc tạo nên bản sắc cũng như tính đa dạng và nhờ đó mang đến sức sống cho không gian công cộng[7].

Việc cho phép các quầy hàng lưu động nếu có cũng khó có thể bù đắp thiếu vắng trên nếu chúng ta muốn biến nơi đây thường xuyên nhộn nhịp như trong các phối cảnh minh họa. Những quảng trường quá lớn vì vậy càng tỏ ra thiếu phù hợp trong trường hợp này.

Có lẽ, thuận lợi lớn nhất ở đây là sự kỳ vọng vào những dòng người sẽ tỏa ra từ nhà ga đường sắt đô thị ở trung tâm. Nhưng họ cũng có nhiều lựa chọn tản bộ dọc theo các đại lộ khác chứ không nhất thiết phải đi xuyên qua đây nếu không đủ thú vị.

Phương án này cạnh tranh với chính các đại lộ phía ngoài?. Ảnh: CDC

Định hướng thương mại thái quá của những công trình sẽ được thêm vào

Việc đưa thêm chức năng phụ trợ nhằm làm phong phú hơn nội dung và tăng sức hấp dẫn của đồ án cũng là điều đáng nói.

Thoạt đầu, ý tưởng này có vẻ hiển nhiên tích cực vì nó sẽ giúp hạn chế những khoảng thời gian “chết” do vắng người qua lại khi hết giờ làm hoặc vào cuối tuần, dịp lễ, và làm tăng đóng góp của khu vực này vào đời sống đô thị. Tuy nhiên nếu nhìn gần hơn, chúng ta sẽ thấy bức tranh không hoàn toàn màu sáng khi phần lớn những thứ đưa vào bị chi phối bởi tinh thần kinh doanh thực dụng hơn là thực sự hướng đến người dân trước tiên.

Đó là các khách sạn, tổ hợp giải trí, trung tâm mua sắm… những thứ phục vụ nhiều hơn cho một xã hội tiêu thụ và đóng góp chủ yếu cho các tập đoàn chứ không phải bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, không gian sách hay những thứ phi lợi nhuận khác phục vụ cộng đồng.

Nếu ai đó lập luận gần đấy sẽ có bảo tàng lịch sử tự nhiên ở một đầu cùng nhà hát ở đầu kia thì cần thấy những công trình thương mại như vậy cũng đã nhan nhản xung quanh, trong khi các cơ sở văn hóa kể trên vẫn rất cần ở nhiều quy mô và có thể tạo nên một trục văn hóa nghệ thuật thay vì thống trị bởi những mô hình thương mại.

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Những công trình này chiếm những vị trí đắc địa nhất và tạo nên bộ mặt đại diện cho toàn bộ khu vực từ nhiều hướng nhìn quan trọng, thậm chí còn chia tách quần thể các tòa trụ sở ra làm đôi rồi chen vào giữa[8]. Tất nhiên việc huy động các nguồn lực là điều tốt miễn chúng mang đến những sự chia sẻ chung về lợi ích. Tuy nhiên nếu quá nhiều điều này sẽ gây quá tải hạ tầng khu vực, và thay vì bổ sung những màu sắc còn thiếu lại đóng góp thêm những cái vốn đã đầy rẫy.

Cùng với sự thiếu vắng bản sắc, nó càng dễ trở thành thứ mà giáo sư Douglas đã gay gắt gọi là “các không gian công cộng giả tạo” do bị chi phối bởi các hình ảnh marketing xô bồ và chỉ nhắm đến một số tầng lớp xã hội[9].

Những không gian kiểu này chủ yếu cổ vũ cho chủ nghĩa tiêu thụ, nơi người dân như những “con mồi” bị định hướng, hơn là bổ sung những thứ còn thiếu cho một môi trường sống thật sự nhân văn và dành cho tất cả.

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Ngôn ngữ kiến trúc đơn điệu và khô khan của các tòa nhà

Đường cong của chuỗi quảng trường tưởng bay bổng tự do nhưng thực tế lại trở thành nhân tố gò ép việc định dạng các công trình hai bên. Để hưởng ứng những “dải lụa” này và tránh gây xung đột với chúng do khoảng cách khá gần, phần đế các tòa nhà cũng được uốn cong theo và xử lý giật cấp kiểu thửa ruộng bậc thang.

Điều này tác động đáng kể đến quá trình thiết kế kiến trúc các tòa nhà về sau, khi chúng đã bị mất đi nhiều một sự độc lập tương đối do phải gắn chặt vào một cái đế gần như đúc sẵn[10].

Nó cũng ảnh hưởng đến sự linh hoạt trong việc phân đợt xây dựng, vì rõ ràng tính liên tục của các khối đế – thửa ruộng bậc thang sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng khi một tòa nhà nào đó chưa được xây ngay. Nói chung, những hình thức thế kia sẽ kém thích ứng hơn nhiều trong việc thêm bớt hay điều chỉnh các yếu tố cấu thành mà ko ảnh hưởng tới tính toàn vẹn trong ý tưởng của nó.

Về các tòa nhà, cách thức phân tầng rõ rệt giữa phần thân và khối đế ở đồ án gây cảm giác không thanh thoát và thiếu tính đương đại khi phần thân đè trực tiếp lên khối đế phình dần ra như những cái thớt xếp chồng.

Nếu vẫn theo đuổi hình thức thửa ruộng bậc thang và bỏ qua chuyện địa điểm nào được phản ánh ở đây, phần thân có lẽ nên tạo cảm giác được nhấc bổng lên tách khỏi khối đế một khoảng (như những khối nhà sàn nhấc lên khỏi mặt đất), và khối đế sẽ như một sự phát triển tiếp nối hữu cơ của nền địa hình chung với các đường cong của chuỗi quảng trường làm hạt nhân trung tâm.

Như thế ý đồ tạo hình phần nền sẽ thêm liền mạch và thống nhất, cũng như đem đến một chuyển tiếp tinh tế và giúp nổi bật hơn kiến trúc các khối nhà bên trên.

Dù đặt trọng tâm chủ yếu vào việc thiết kế đô thị – cảnh quan, và kiến trúc chi tiết các trụ sở bộ ngành sẽ là đối tượng của các dự án độc lập, nhưng đồ án không đưa ra được những định hướng cụ thể và thuyết phục cho việc triển khai về sau.

Trái lại, ngoài phần đế như đã nói, phần thân đơn giản chỉ là những khối hộp kỷ hà minh họa cho một phong cách quốc tế chung chung vô hồn, thiếu bản sắc.

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Trên phối cảnh, các tòa nhà hiện lên na ná như cùng một kiểu, với khác biệt đôi khi chỉ chút ít về kích cỡ hoặc chiều cao. Chúng như những tháp trung tâm thương mại hay văn phòng cho thuê thông thường hơn là trụ sở các bộ ngành cần dấu ấn riêng với một sự đĩnh đạc và độc đáo nhất định.

Tính dân chủ nên hướng đến (vốn cho phép có được nhờ bố cục phân tán) rõ ràng bị đặt dấu hỏi, khi các chỉ dẫn quá chú trọng sự đồng nhất về hình thức các công trình trên toàn tuyến[11].

Ngôn ngữ mặt đứng từ tổng thể cho đến trích dẫn chi tiết đều khá buồn tẻ với những yếu tố lặp lại một cách nhàm chán, gò bó và thiếu năng động. Nó phản ánh một sự thống nhất trong đơn điệu, hơn là thống nhất trong đa dạng mà những dự án thiết kế kiểu này cần gợi ý hay cổ vũ.

Sự thống nhất này cũng khó có thể tạo ra cá tính nơi chốn để nhận biết, khi kiến trúc các trụ sở sẽ dễ dàng bị hòa lẫn vào bối cảnh đầy rẫy các cao ốc thương mại bọc kính xung quanh, nhất là khi đường chân trời được quảng cáo là ấn tượng mà nó vẽ ra thực tế lại khá mơ hồ và sẽ bị nhiễu loạn do lọt thỏm trong hình bóng (silhouette) của khu vực khi nhìn từ xa.

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Thay cho kết luận

Thực tế, mục đích chính của bài viết bài này không hẳn là bàn về phương án của liên doanh Nikken Sekkei + CDC. Những phân tích ở trên chỉ nhằm tìm kiếm hay khẳng định thêm lời giải cho các câu hỏi khác đã ám ảnh tôi. Đó là với việc trao giải cao nhất cho phương án này, chúng ta thật sự muốn tôn vinh điều gì, và liệu có những hướng đi khả thi khác đáng được lưu tâm hay không?

Thoạt nhìn, những hình ảnh 3D phối cảnh lung linh của không gian công cộng trung tâm với rất nhiều quảng trường và cây xanh dường như đã gây ấn tượng mạnh về một khu hành chính cởi mở, thân thiện, có thể đón tiếp rất nhiều người và sẽ luôn sống động cả ngày lẫn đêm.

Những trụ sở hành chính vốn thường kín cổng cao tường, uy nghiêm đến mức khô khan, bề thế ở nhiều nơi, giờ đây mang một dáng vẻ xanh hơn, dễ gần và tiếp cận hơn trong sự hòa nhịp vào đời sống đô thị hàng ngày. Nhưng liệu một khi được xây dựng, có chắc chắn mọi thứ sẽ đều tích cực như thế? Và đây đúng là một phương án tôn vinh thành phố và cộng đồng?

Những đường dạo nhiều tầng mênh mông có vẻ thật tuyệt để mang đến những trục nhìn hoành tráng, nhưng đó có thật sự là một nơi tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử hay ký ức của chúng ta? Những giá trị này không phải chỉ nhằm có câu chuyện để kể hay minh họa cho vui trong một đồ án. Vượt xa hơn thế, chúng vốn gắn liền với bản chất của một xã hội thực sự dân chủ, hay một dân tộc thực sự tự do[12].

Hình ảnh từ đồ án “Dải ngân hà xanh Thăng Long”. Ảnh: CDC

Đối với câu hỏi thứ hai, cấu trúc phân tán như đề cập ban đầu với trụ sở độc lập cho các bộ ngành là một hướng đi tốt, nhưng thay vì dành khoảng trung tâm cho các quảng trường và đường dạo quá lớn, sẽ phù hợp hơn nếu chúng ta bố trí ở đó một công viên với diện tích nhiều hơn cho mặt nước và cây xanh.

Công viên này sẽ không đi theo các mô hình cổ điển quen thuộc mà có hình thức đương đại, nhấn mạnh đến khả năng linh hoạt thích ứng hay “tính đàn hồi” (resilience), một thuộc tính quan trọng rất được đề cao trong thiết kế đô thị ngày nay.

Ở đây, các không gian công cộng sẽ được bố trí rải rác thấp thoáng với nhiều kích cỡ, tính chất và được kết nối thông qua một hệ thống đường dạo có tỷ lệ vừa phải. Để phong phú thêm về nội dung công năng, các công trình thiên về văn hóa nghệ thuật có xu hướng nhẹ nhàng thư thái sẽ được bổ sung.

Lựa chọn công viên sẽ phù hợp hơn với tính chất yên tĩnh của các cơ quan hành chính nói chung, và tương thích hơn với tinh thần cảnh quan Hồ Tây truyền thống vốn có hình thức hữu cơ và thiên về tính âm như đã nói.

Nó cũng sẽ dễ dàng đáp ứng những mong muốn khơi gợi lại ký ức địa điểm, chẳng hạn bằng những “thửa ruộng”, “dòng mương” và “ao hồ” nhỏ kiểu mới. Ngoài một vài điểm trồng lúa có tính trang trí, thảm thực vật ở đây sẽ chủ yếu bao gồm những loài bản địa như các loại hoa (đào, quất, sen, súng..), cây ăn trái đặc trưng khu vực (bưởi, hồng xiêm…), bên cạnh những cây bóng mát tầm cao để cải thiện vi khí hậu.

Một ý tưởng như vậy sẽ là cơ hội tuyệt vời để tái tạo lại hệ sinh thái đô thị, cũng như mang đến hình ảnh khu hành chính như một công viên cởi mở, hấp dẫn với mọi tầng lớp người dân thông qua một sự đa dạng về cảnh quan với nhiều sắc thái không khí khác nhau.

Theo nghĩa rộng, thành phố vốn có thể được coi như một hệ sinh thái không chỉ đối với những loài động – thực vật nó cho phép, mà còn cả về văn hóa xã hội với các luồng hoạt động, tương tác và những cấu trúc hạ tầng phi sinh học. Những dự án quy mô như chúng ta đang bàn sẽ tác động rất lớn lên tính bền vững của hệ sinh thái này, điều quan trọng là nó sẽ theo hướng nào.

Hy vọng rằng cuối cùng, sau tất cả những cân nhắc thấu đáo và một sự thận trọng cần thiết, chúng ta sẽ xây dựng được một hình mẫu có tính biểu tượng đóng góp nên một hệ sinh thái đô thị thật sự nhân văn và đáng tự hào.

TS.KTS Lê Phước Anh (giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội)/Người đô thị

________________________

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[1] Chương trình cao học quốc tế về “Thiết kế đô thị với di sản và phát triển bền vững”, liên kết giữa trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và các trường Đại học Kiến trúc cộng hòa Pháp.

[2] Ngay từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, để phản kháng lại quán tính của Chủ nghĩa hiện đại, các không gian công cộng đã được kiến nghị trở thành cái cần được quan tâm trước tiên để tạo nên bộ mặt chủ đạo của đô thị, thay vì thứ chỉ nghĩ đến khi các tòa nhà đã được định hình xong. Chẳng hạn có thể tham khảo Thomas Fisher; “The New Urban Design”; Progressive Architecture; 03/1988; p.79-93

[3] Trong phần thuyết minh, cấu trúc này được giải thích như “dải lụa xanh” nối từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến Nhà hát Opera dự định sẽ xây dựng. Nhưng nếu nhìn trên các bản vẽ, do sự đồ sộ và tính đối xứng nghiêm ngặt gây mất tự nhiên cũng như cách xử lý thiếu ăn nhập tại các điểm kết nối ở hai đầu, sự ví von như trên là khá khiên cưỡng.

[4] Cảm giác trên còn có thể gặp về sau ở nhiều chi tiết khác, chẳng hạn khi đọc một ý ở trang 54 về định hướng lựa chọn vật liệu nên có “màu sắc chủ đạo là màu gốm vàng tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng, hoàng gia và cao cấp thể hiện lịch sử lâu đời của kiến trúc Hà Nội”!

[5] Jane Jacobs, The Death and Life of Great American Cities, New York, Random House, 1961. Trong cuốn sách kinh điển này, Jane Jacobs không chỉ nhấn mạnh vai trò của tính đa dạng về công năng và người sử dụng (diversity of uses and users) đối với các không gian công cộng, mà cả sự riêng tư cho mỗi cá nhân như một thứ quý giá không thể nào thiếu.

[6] Trên thế giới thực tế cũng có những “place of passage” rất thành công, hấp dẫn và tràn đầy bản sắc như La Rambla ở Barcelona. Tuy nhiên tỷ lệ của nó không loãng như ở đây, và sự đa dạng thì cô đặc hơn rất nhiều. Nó cũng không nằm độc lập mà được kết nối vào một mạng lưới với các quảng trường và công viên nhỏ xung quanh, chỉ cách vài bước chân cho nhưng ai cần đến sự riêng tư.

[7] Priscila Pacheco, Public Spaces: 10 Principles for Connecting People and the Streets, TheCityFix, 2017

Public Spaces: 10 Principles for Connecting People and the Streets

[8] Quảng trường sân ga và đặc biệt là quảng trường lối vào, hai cửa ngõ quan trọng nhất, hầu hết hoặc toàn bộ bị bao bọc bởi các tổ hợp bán lẻ thương mại và khách sạn.

[9] Mike Douglass (Hương Giang phỏng vấn), “Các tập đoàn xây dựng đang dẫn dắt quy hoạch”, Tuổi Trẻ, 10.10.2010.

[10] Thậm chỉ đến các công trình mà nội dung có tính chất khác biệt như trường mẫu giáo, trung tâm y tế hay tổ hợp rạp chiếu phim… cũng bị ép phải gò theo hình thức của các thửa ruộng bậc thang, y như phần đế của các trụ sở cơ quan.

[11] Nguyên lý thiết kế các khối tháp được đưa ra trong thuyết minh đồ án là “Mặt đứng công trình dọc theo toàn tuyến phố sẽ đồng nhất, biểu trưng cho sức mạnh của quyền lực, của trật tự kỷ cương và phẩm chất lãnh đạo”.

[12] Tổng thống Pháp François Mitterrand từng nói: “Một dân tộc không ký ức không phải là một dân tộc tự do”, với hàm ý họ sẽ dễ dàng bị thao túng khi lịch sử bị xóa.

https://www.mitterrand.org/francois-mitterrand-toujours.html