16/06/2021

Bài học về xây dựng các khu tái định cư

Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức di dời, giải tỏa và tổ chức lại cuộc sống cho hàng chục ngàn hộ dân để tạo quỹ đất phục vụ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chỉnh trang đô thị. Trong đó, một trong bảy chương trình trọng điểm của TP Hồ Chí Minh là chỉnh trang hệ thống kênh, rạch và xóa nhà tạm trên và ven kênh rạch.

Sau gần 30 năm thực hiện di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sinh sống trên và ven kênh rạch, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công nhiều dự án với số lượng hơn 36.000 hộ. Vậy nhưng bài học về bố trí tái định cư cho người dân phải di dời, giải tỏa vẫn cần tiếp tục phải nhắc tới…

Đến nay, số lượng nhà trên và ven kênh rạch còn lại cần chỉnh trang vẫn rất lớn, TP Hồ Chí Minh còn tiếp tục phải tổ chức di dời, bố trí tái định cư đối với 21.850 căn nhà trên và ven kênh rạch trong những năm sắp tới. Trong đó, Dự án Kênh Tẻ – Nam Kênh Đôi trên địa bàn các quận 4, 7 và 8 sẽ di dời, bố trí tái định cư hơn 5.050 căn; Dự án rạch Xuyên Tâm, quận Bình Thạnh phải giải tỏa một phần hoặc di dời toàn bộ với hơn 2.135 căn hộ; Dự án rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh với 827 căn hộ cùng các dự án như: Rạch Bần Đôn, quận 7; Dự án kênh Tham Lương – Bến Cát thuộc các quận 12, Tân Bình, Gò Vấp…

thumb_660_355b20ac-7599-494e-8dbf-89b27d112f11

Theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, để đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh rạch, trước hết là để cân đối nguồn vốn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội, thành phố đã chia thành 3 nhóm dự án. Trong đó 52 dự án di dời, chỉnh trang kênh rạch, quy mô 13.827 căn; kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 21.518 tỉ đồng được dự kiến chi từ ngân sách.

Với các dự án này, chính quyền sẽ trực tiếp thực hiện công tác bồi thường, di dời và hỗ trợ tái định cư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ và tuyến rạch không thể thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Nhóm dự án xây dựng nhà ở kết hợp thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị gồm 3 tuyến kênh rạch đều nằm trên địa bàn quận 8 với tổng quy mô di dời 1.800 căn, kinh phí bồi thường khoảng 2.700 tỉ đồng. Việc thực hiện di dời và tái định cư với các hộ trên 3 tuyến kênh rạch này sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Cả 3 dự án này đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương thu hồi đất. Nhóm dự án thực hiện theo hình thức đối tác công – tư gồm 6 dự án trong đó có những dự án lớn như Nam kênh Đôi, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Dừa, rạch Bần Đôn, thuộc địa bàn các quận 4, 7, 8 và Bình Thạnh với quy mô di dời 6.223 căn; kinh phí bồi thường dự kiến ở mức 19.024 tỉ đồng.

Ông Kiên cho rằng, đây được xác định là phương thức chủ đạo để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó phương thức chủ yếu là mở rộng biên chỉnh trang, mở rộng phạm vi thu hồi đất trong vùng phụ cận để tạo quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện phần dự án thương mại để bù đắp chi phí đã bỏ ra.

Nêu ra những khó khăn trong việc di dời, giải tỏa nhà trên và ven bờ Nam kênh Đôi, đại diện Công ty CP Đầu tư hạ tầng và Nhà ở Sài Gòn nhận xét: Hiện chưa có cơ chế đột phá phù hợp để đảm bảo lợi ích cho người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, vấn đề khó khăn nhất trong việc giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch là bố trí tái định cư.

Đây không chỉ là vấn đề giải quyết chỗ ở mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến công ăn việc làm, học hành, dịch vụ xã hội và văn hóa, tinh thần của người dân. Đã vậy phần lớn nhà trên và ven tuyến kênh Đôi là đất lấn chiếm, không đủ điều kiện bồi thường, chỉ được hưởng mức hỗ trợ rất thấp, không đảm bảo để ổn định cuộc sống người dân sau khi di dời.

Khảo sát về quá trình thực hiện quy hoạch phân khu dọc theo các tuyến kênh rạch trên địa bàn quận 8 để phục vụ việc di dời, giải tỏa, kiến trúc sư (KTS) Phạm Văn Phước và KTS Võ Tấn Lập – Viện Quy hoạch Xây dựng, đã đưa ra nhận xét: Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể để tái định cư cho các khu vực dân cư khi đến nơi ở mới.

Các chính sách, chủ trương động viên, khuyến khích người dân chưa được triển khai đến nơi đến chốn; chưa tạo được sự an tâm, tin tưởng cho người dân; chính quyền chưa đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân… từ đó, nhóm KTS này khuyến nghị phải coi việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư là một tiêu chí quan trọng trong công tác lập và thực thi quy hoạch.

Là người trong cuộc, ông Huỳnh Kiệt – một người dân có nhà ở Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã bộc bạch, những người thuộc diện tái định cư trước giờ đa số họ sống ở ven sông, rạch hoặc ở những khu dân cư lụp xụp, khu lao động nghèo, khu tập trung buôn bán… nên đã quen với việc buôn bán nhỏ ở các chợ tự phát, buôn bán lặt vặt ở lòng lề đường, bán vé số, xe ôm hoặc lao động tự do… để mưu sinh.

Thành phố xây những tòa nhà cao tầng để đưa họ vào ở mà không quan tâm đến chuyện sinh kế, công việc, học hành thì làm sao họ ở được. Khu tái định cư không chỉ là nơi ở mà còn là không gian sống, công việc, đi lại, học hành, là phong tục, tập quán của người dân. Do đó, chính quyền cần nắm rõ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để có phương án giải quyết tốt nhất.

Không thể cứ xây những khu tái định cư hoành tráng rồi cho rằng thế là chăm lo tốt về nơi ở cho người dân. “Xây dựng các công trình phục vụ cho sự phát triển chung là cần thiết. Nhưng trước khi thực hiện việc giải tỏa gây ảnh hưởng đến người dân tại chỗ, chính quyền các địa phương cần gặp gỡ để nắm chắc tâm tư, nguyện vọng về nơi tái định cư. Từ đó đưa ra quyết định sát thực tế để tránh lãng phí”, ông Kiệt bày tỏ quan điểm.

Do đó trước khi di dời, giải tỏa dân cư phục vụ những dự án sẽ triển khai tới đây, vấn đề tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng cần được chính quyền TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Đ.Thắng – Ng.Cảnh/Công an Nhân dân online