Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Kạn đến năm 2035.
Theo đó, nhiệm vụ quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu Bắc Kạn trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; sẵn sàng đáp ứng sự phân công, hợp tác, chia sẻ liên kết về các động lực, cơ hội phát triển, mối quan hệ cung cầu cũng như trách nhiệm giải quyết các khó khăn và thách thức theo hướng hài hòa và bền vững.
Thành phố Bắc Kạn.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Kạn bao gồm toàn tỉnh Bắc Kạn trên phạm vi 8 đơn vị hành chính: 1 Thành phố (Bắc Kạn); 7 huyện (Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm), với tổng số 122 xã, phường, thị trấn. Dự báo, đến năm 2035 hệ thống đô thị của tỉnh Bắc Kạn phân bố hợp lý, tầng bậc, bao gồm 1 thành phố và các thị xã, thị trấn. Thành phố Bắc Kạn sẽ trở thành đô thị loại II, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Kạn, một thành phố tạo sức lan tỏa ảnh hưởng đến các đô thị khác trong tỉnh và trong vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội của vùng tỉnh Bắc Kạn, tạo điều kiện cho các đô thị trong vùng phát huy vai trò là những hạt nhân tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa – xã hội.
Nhiệm vụ quy hoạch yêu cầu đề xuất trên cơ sở xem xét các phương án chiến lược về phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, vùng và của tỉnh, nội dung dự báo nhằm xác lập tiền đề phát triển vùng, gồm: Dự báo tăng trưởng về kinh tế, xã hội, dân số, lao động và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đất đai; dự báo khả năng và quá trình đô thị hóa; các hình thái phát triển theo khả năng đô thị hóa của vùng; dự báo quy mô dân số đô thị, nông thôn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của vùng và chiến lược phân bố dân cư của quốc gia cho các giai đoạn ngắn và dài hạn…
Bên cạnh đó, xác lập các phân vùng phát triển không gian, theo hướng vừa nối kết với tổng thể phát triển chung của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vừa sử dụng hiệu quả các tiềm năng của địa bàn, phù hợp với phân vùng của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Kạn thời kỳ đến năm 2020.
Cụ thể, các phân vùng không gian xây dựng tập trung như công nghiệp lớn cấp vùng, các vùng đô thị phát triển tập trung; xác định vùng đô thị hóa mạnh, các trục, hành lang đô thị hoá, các cực phát triển và quần cư đô thị hoá, xu hướng di dân; các phân vùng cảnh quan phải bảo toàn gắn dịch vụ du lịch; các phân vùng không gian nông lâm nghiệp, đô thị và nông thôn gắn công nghiệp vừa và nhỏ.
Sử dụng yếu tố đánh giá lồng ghép đa ngành có hiệu quả nhất trong liên kết phát triển nội, ngoại vùng. Đề xuất các đặc điểm về quy mô, tính chất, hướng phát triển chính, lựa chọn cấp độ của từng phân vùng (vùng trung tâm, vùng hỗ trợ, ảnh hưởng…)
Vân Anh/Báo Xây dựng