19/04/2016

Áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong tổ chức không gian khu đô thị mới tại Hà Nội

Hoàn cảnh ra đời của các khu đô thị mới ở Việt Nam

Sau năm 1986, cùng với việc xóa bỏ chế độ bao cấp là sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, đặc biệt ở các đô thị lớn. Trước tình hình đó, Nhà nước đã có những nỗ lực trong việc định hướng phát triển không gian, quy hoạch khu dân cư và khu công nghiệp. Hà Nội là thành phố đầu tiên lập định hướng phát triển không gian đến năm 2010 theo hướng xây dựng các khu dân cư mới phía Tây và Tây Nam thành phố nhằm giãn dân ở các khu trung tâm. Căn cứ định hướng phát triển không gian này, TP Hà Nội đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở… trong đó nêu rõ: Không cấp đất xây dựng nhà ở cho người dân tự xây mà phải phát triển nhà ở theo dự án, khu đô thị mới (KĐTM) và do các doanh nghiệp có chức năng xây dựng thực hiện với nguyên tắc xây dựng các chung cư thuận tiện và hiện đại từ 5 tầng trở lên, tránh những bất cập của các khu tập thể trước đây. Trên nguyên tắc đó, Hà Nội đã tiến hành lập và thông qua quy hoạch chi tiết cho 7 KĐTM đầu tiên là Linh Đàm, Định Công, Trung Yên, Trung Hòa – Nhân Chính, Yên Hòa, Đại Kim và Sài Đồng.

Đến nay, hàng trăm Đô thị mới lớn nhỏ đã hình thành trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các đô thị này nằm rải rác xung quanh thành phố với bán kính đến khu vực trung tâm từ 7-10km và có đặc điểm chung là phát triển từ đất nông nghiệp. Một vài khu đô thị đặc biệt như Ciputra đã xóa vùng đào quất Quảng Bá, khu vực văn hóa gắn liền với cái Tết của người Hà Nội nhiều năm qua.

Không thể phủ nhận được những thành công nhất định của các KĐTM trong tổ chức không gian và môi trường sống so với những khu tập thể và khu phố cũ, nhưng thực tế sự phát triển nông đã bộc lộ rất nhiều bất cập do doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận khi khung pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Các văn bản pháp quy quan trọng nhất đối với việc hình thành không gian của các KĐTM là Quy chế Khu đô thị mới ra đời năm 2006 và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008 ra đời năm 2008 hiện đang được tiến hành soát xét, điều chỉnh. Đây là những quy định bắt buộc tuân thủ đối với các đồ án quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới tại Việt Nam.

Bài viết này xem xét việc áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn có được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả hay không thông qua nghiên cứu của dự án do Sida tài trợ “Đô thị hóa và phát triển bền vững: chia sẻ kinh nghiệm tại các KĐTM ở Hà Nội” tại 4 KĐTM ở Hà Nội là Ciputra, Linh Đàm, Việt Hưng và Trung Hòa – Nhân Chính.

Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thiết kế khu đô thị mới

1. Quy mô và mật độ

Với hoàn cảnh đô thị Việt Nam hiện nay, việc xây dựng một KĐTM với quy mô dân số nhỏ và mật độ thấp là gần như không thể thực hiện được do dân số cao và quỹ đất nghèo nàn, ngược lại nếu mật độ quá cao sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống hạ tầng cũng như khó đáp ứng được các nhu cầu tiện nghi cho người ở.

Theo nhiều nghiên cứu căn cứ trên các giả thuyết khác nhau, quy mô KĐTM nên là bội số của các đơn vị ở trung tâm có quy mô 30-70ha và dân số từ 4.000-15.000 người (Đại học Xây dựng, năm 2006).

Quy chế đô thị mới đưa ra quy định về quy mô phù hợp với lập luận trên, một KĐTM cần có quy mô diện tích từ 50ha trở lên, đối với trường hợp dự án nằm trong quy hoạch đất đô thị nhưng bị hạn chế bởi các dự án khác hoặc bởi khu đô thị đang tồn tại thì cho phép quy mô dưới 50ha nhưng không nhỏ hơn 20ha.

Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đưa ra quy định cụ thể hơn với quy hoạch sử dụng đất là đất đơn vị ở tối thiểu phải đạt 8 m2/người và không lớn hơn 50 m2/người. Theo nhiều nghiên cứu, chỉ tiêu 50 m2/người được xem là hợp lý nhất để tạo ra khung cảnh sống tốt cho người dân. Vậy với 8m2/người có phải là chỉ tiêu quá thấp cho mô hình ở dạng này? Các văn bản cũng không đưa ra những quy định chung về mật độ xây dựng toàn khu, nhưng có quy định chi tiết về mật độ xây dựng cho từng lô đất, đồng thời quy định các khối nhà cao tầng cần xây dựng với khoảng cách tối thiểu giữa hai dãy nhà phải đảm bảo >= 25m. Khoảng cách này đảm bảo cho các khối công trình có được sân chơi và khoảng không gian xanh cần thiết.

Với diện tích 32.8ha, dân số mong muốn là 15.000 người, Trung Hòa – Nhân Chính là KĐTM có quy mô diện tích nhỏ nhất và mật độ dân số cao nhất trong 4 khu vực nghiên cứu của dự án cũng như so với các KĐTM khác ở Hà Nội. Một số nghiên cứu cho rằng, chỉ nên xem xét Trung Hòa – Nhân Chính như một nhóm ở, song quy mô diện tích và dân số ở đây cần phải tuân theo các quy định của KĐTM. Nếu so sánh với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam quy định diện tích đất đơn vị ở tối thiểu là 8 m2/người thì các khu đô thị dường như đều đạt chỉ tiêu về diện tích đất đơn vị ở. Tuy nhiên, theo quan sát, tổ hợp nhà cao tầng của Trung Hòa – Nhân Chính không đủ diện tích cho các hoạt động của người dân như không gian giao tiếp, thư giãn và thậm chí là diện tích để xe.

Về mật độ cũng như khoảng cách giữa các dãy nhà, Trung Hòa – Nhân Chính không đáp ứng được các yêu cầu của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam đề ra: khoảng cách giữa các cạnh dài của hai dãy nhà phải đảm bảo >=25m. Tuy Trung Hòa – Nhân Chính được hình thành trước thời gian ban hành của quy chuẩn 2008, nhưng khoảng cách này còn lớn hơn trong các tiêu chuẩn quy định trước đó được áp dụng đối với các trường hợp xây dựng khu tập thể đòi hỏi khoảng cách giữa hai công trình phải >=1/3-1/2 chiều cao công trình. Việc không đảm bảo yêu cầu về mật độ cũng như khoảng cách giữa các dãy nhà được lý giải là trường hợp đặc biệt xây chen trong đất cận trung tâm thành phố.

Như vậy, ngoài một số điểm chưa thực sự hợp lý của hệ thống văn bản như chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu, thì việc thực hiện các văn bản này tại các KĐTM chưa thực sự nghiêm túc.

2. Giao thông

Một trong những tiêu chí được nhấn mạnh trong Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam là: Đường giao thông từ cấp đường chính đô thị trở lên không chia cắt đơn vị ở. Tuy yêu cầu tổ chức các dịch vụ công cộng trong bán kính 500m nhằm khuyến khích giao thông công cộng và đi bộ, nhưng các văn bản không có bất kỳ quy định nào về quy hoạch và tổ chức không gian giao thông công cộng, đường đi bộ, đi xe đạp.

Ngoại trừ Linh Đàm bị đường vành đai 3 chia cắt với chiều rộng mặt đường lên đến 36m, các khu đô thị khác ở Hà Nội tuân thủ được tiêu chí này. Điều này chưa đủ cho một đô thị an toàn về giao thông. Tất cả các đô thị đều thiết kế ưu tiên giao thông cơ giới, ô tô, xe máy có thể tiếp cận đến từng khối nhà.

Trong 4 khu đô thị được nhóm nghiên cứu quan sát là Ciputra, Linh Đàm, Việt Hưng, Trung Hòa – Nhân Chính thì Ciputra hiện đang xây dựng đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ với tên gọi Ecopark, đây là bước đi tiên phong của nhà đầu tư nhằm tạo ra môi trường sống tốt cho người dân. Cũng cần nói thêm rằng Ciputra cũng là khu đô thị đầu tiên tại Hà Nội có biển hạn chế tốc độ dưới 30km/h khi di chuyển trong khu. 30km/h là vận tốc tối đa để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như bảo vệ môi trường.

Một vài tuyến đường nhỏ trong các khu Trung Hòa – Nhân Chính và Linh Đàm đã làm được điều này. Với mặt cắt đường hẹp 5.5 và 9.5m và sử dụng hệ thống đường xương cá (tạo ngõ cụt) không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng, mà còn hạn chế tốc độ một cách tự nguyện đối với người tham gia giao thông.

3. Đồng bộ và đa dạng hóa

Theo Điều 13 của Quy chuẩn Đô thị mới thì việc lập dự án KĐTM cần đảm bảo đồng bộ hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu đô thị. Đồng thời theo Thông tư số 15/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn đánh giá, công nhận khu đô thị kiểu mẫu thì một trong những tiêu chí đánh giá là “Các công trình đã xây dựng có tính thống nhất và hài hòa, trật tự”. Như vậy, có thể hiểu đồng bộ và trật tự ở đây bao hàm cả trên phương diện hình thức, chi tiết kiến trúc và vật liệu hoàn thiện, từ đó ra đời những khối nhà cao tầng, những dãy phố thấp tầng với hình thức giống hệt nhau.

Đối với thiết kế đô thị và kiến trúc, đa dạng đồng nghĩa với việc tạo các không gian phù hợp với từng nhóm nhỏ, từng cá nhân con người, làm sinh động không gian vốn đang từng ngày bị nhàm chán do tác động của đời sống hiện đại. Lối kiến trúc kiểu trại lính, lớp học này đã bộc lộ nhiều bất cập trong biểu hiện, tín hiệu và sự thuận tiện cho các nhóm người khác nhau. Trong các KĐTM được nhóm nghiên cứu, dù có giá thành đầu tư thấp hơn nhưng không gian của Linh Đàm và Việt Hưng sống động hơn so với Ciputra và Trung Hòa – Nhân Chính chủ yếu nhờ có sự đa dạng các loại hình nhà. Ciputra và Trung Hòa – Nhân Chính chỉ có 2 loại nhà thấp tầng và cao tầng thì Linh Đàm và Việt Hưng được thiết kế kết hợp với một phần làng xóm cũ, thêm vào đó, các loại nhà cao tầng và thấp tầng cũng gồm nhiều loại khác nhau, đặc biệt là Việt Hưng.

Cũng cần nói thêm rằng, các loại nhà khác nhau nằm ở đối tượng mà công trình phục vụ chứ không chỉ ở hình thức kiến trúc. Việt Hưng vẫn là KĐTM có kiến trúc đa dạng nhất so với Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính và Ciputra, mặc dù nằm khá xa trung tâm, nhưng vẫn thu hút được người dân đến sinh sống do đáp ứng được nhiều thành phần dân cư. Ngoài các khối nhà cao tầng thương mại 17-24 tầng, Việt Hưng còn được biết đến là KĐTM đầu tiên xây dựng nhà ở xã hội dưới dạng nhà ở 5-6 tầng. Nhà thấp tầng cũng được chia làm nhiều dạng khác nhau, biệt thự, liền kề và cả một khu biệt thự riêng biệt Palm Garden được quảng cáo là “ốc đảo cọ xanh giữa lòng Khu đô thị Việt Hưng”. Tất cả các loại nhà này, kể cả nhà thu nhập thấp và ốc đảo Palm Garden đều được xây dựng bên trong đô thị Việt Hưng, được thừa hưởng tất cả các tiện ích của đô thị này.

Trong khi đó, Ciputra chỉ có duy nhất hai loại nhà cao tầng và thấp tầng, hình thức đơn điệu giống hệt nhau phục vụ cho những người giàu có. Có 4 khối nhà tái định cư đã được xây dựng tại Ciputra, nhưng nằm riêng rẽ nằm bên ngoài khu đô thị, ngăn cách bằng tường bao che. Điều này đồng nghĩa với việc người dân sống ở các khối tái định cư không được thừa hưởng các tiện ích công cộng của khu đô thị.

Trung Hòa – Nhân Chính khá hơn so với Ciputra với vài loại nhà thấp tầng và không có tường bao che xung quanh và những cánh đồng an ninh nghiêm ngặt, song những tòa nhà cao tầng san sát nhau của khu vực này cũng đều đặn và buồn tẻ, không có điểm nhấn và sự thay đổi không gian.

Trở lại vấn đề đồng bộ, ngoài hệ thống kỹ thuật đô thị thiết yếu như điện, nước đã được cung cấp tương đối đầy đủ, hệ thống hạ tầng xã hội chưa được nhà đầu tư thực sự chú trọng. Các khu vực đều không được thiết kế chợ truyền thống, hiện Linh Đàm đã có 1 chợ nhỏ nằm trong bán đảo Linh Đàm nhưng bán kính phục vụ quá nhỏ so với nhu cầu của toàn khu. Cư dân tại các khu đô thị này tràn sang các khu vực lân cận để mua bán hàng ngày, ngay cả với những người dân sống khu vực “đẳng cấp” như Ciputra cũng thường xuyên mua sắm tại chợ Xuân Đỉnh, gây bức xúc cho người dân ở đây.

Trừ Ciputra chỉ xây dựng các trường học quốc tế với mục đích phục vụ tầng lớp giàu có, 3 khu còn lại đều được quy hoạch trường mầm non và tiểu học công lập nhưng thực tế đến nay vẫn chưa được xây dựng. Đặc biệt, đối với khu Việt Hưng là khu vực có thu nhập bình quân thấp nhất trong 4 khu cũng hoàn toàn chưa có trường công lập và chợ truyền thồng, người dân sống tại các khu vực này buộc phải cho con theo học tại các trường lân cận và vô hình chung các khu đô thị này làm gia tăng áp lực về hạ tầng xã hội vốn đã quá tải tại các khu vực xung quanh. Dường như các nhà đầu tư đã chạy theo lợi nhuận mà quên đi những yêu cầu cấp thiết của người dân cũng như không thực hiện đầy đủ các yêu cầu của tiêu chuần, quy chuẩn.

Các quy định về mặt đồng bộ cũng mới chỉ dừng ở các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật – xã hội mà chưa nhìn thấy các vấn đề về mặt văn hóa – xã hội như không gian, lối sống và nguồn sống của người dân.

4. Không gian xanh

Về mặt cây xanh, Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam quy định cây xanh trong đơn vị ở tối thiểu là 2 m2/người, trong đó cây xanh nhóm ở phải đạt 1 m2/người.

Điều đáng bàn ở đây không phải là các chỉ tiêu về định lượng, mà các yêu cầu về xây xanh mang tính không gian của các quy định. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam quy định có 3 nhóm cây xanh đô thị chính là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh đường phố và cây xanh chuyên dụng. Đối với nhóm cây xanh sử dụng công cộng có ghĩ rõ là cần được quy hoạch xây dựng thuận lợi có người dân có thể tiếp cận và sử dụng, không có những yêu cầu cụ thể đối với 2 nhóm còn lại.

Trong các quy định của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về quy hoạch đơn vị ở cũng không đề cập đến yếu tố mặt nước mặc dù trong các quy định chung có nhắc đến việc bảo vệ nguồn nước và dảm bảo phát triển đô thị bền vững.

Theo quan niệm thông thường, không gian xanh là sự kết hợp chủ yếu của 2 yếu tố cây xanh và mặt nước. Hầu hết các KĐTM ở Hà Nội được xây dựng từ đất nông nghiệp trong đó chủ yếu là các ruộng lúa nước. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư, quy hoạch đã mạnh tay san lấp các diện tích mặt nước này, Trung Hòa – Nhân Chính là một số trường hợp đó. Với diện tích cây xanh toàn khu là 1,1 ha, tương đương với 0,7 m2/người, Trung Hòa – Nhân Chính là khu đô thị duy nhất không đạt các chỉ tiêu về cây xanh. Các khu Ciputra, Linh Đàm và Việt Hưng đều có tỷ lệ cây xanh khá cao so với các quy định.

Trên thực tế tại 4 khu đô thị được nghiên cứu và hầu hết các đường phố đô thị ở Việt Nam, không chỉ nhóm cây xanh đường phố mà cả nhóm sử dụng công cộng chủ yếu tạo lập không gian cảnh quan mà chưa có giá trị sử dụng. Ngay cả Ciputra, nơi có cảnh quan hấp dẫn với quảng cáo mời gọi bạn tận hưởng “hàng cây xanh tươi và rực rỡ sắc hoa” thì cây xanh cũng vẫn mang giá trị ngắm nhìn nhiều hơn là sử dụng. Cây xanh tại một số nhóm nhà ở tại Linh Đàm và Việt Hưng tuy giá trị thẩm mỹ chưa cao, nhưng đã chú trọng hơn về mặt sử dụng, người dân tại các khu vực này, đặc biệt là người già và trẻ em đã thực sự tiếp cận và hưởng lợi từ các không gian này.

Liệu có quá khó để có được không gian xanh vừa đẹp lại vừa có giá trị sử dụng cao? Kinh nghiệm từ quốc gia lân cận có cùng điều kiện khí hậu như Singapore cho thấy: Nên sử dụng các loại cây tạo hình bóng mát thay vì sử dụng các loại cây thân thẳng như cọ, dừa, đồng thời đa dạng các loại cây cũng làm cho cảnh quan thêm sinh động.

Như vậy, việc thực hiện các yêu cầu của văn bản pháp quy trong quy hoạch không gian xanh ở các KĐTM chưa thực sự tuân thủ theo các quy định. Không chỉ đáp ứng các chỉ tiêu về định lượng, thiết kế xây dựng không gian xanh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố sử dụng của dân.

5. Các tiện ích đô thị

Theo Quy chuẩn đô thị mới, KĐTM cần được xây dựng đồng bộ và có khả năng cung cấp dịch vụ công cộng đô thị. Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam cũng nêu rõ phải đảm bảo các dịch vụ thiết yếu hàng ngày (giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông cơ sở, văn hóa thông tin, chợ, dịch vụ thể thao, không gian dạo chơi, thư giãn…) trong bán kính đi bộ không lớn hơn 500m; các công trình văn hóa, thương mại, dịch vụ cần được bố trí trên các đường giao thông chính và các nhóm nhà ở cần xây dựng vườn hoa, sân chơi với bán kính phục vụ không quá 300m.

Theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt, hầu hết các KĐTM đều đáp ứng yêu cầu đề ra, song hầu hết chưa xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo theo các quy hoạch này. Điều này, bộc lộ điểm bất hợp lý khi không nêu rõ yếu tố công lập trong các quy định xây dựng trường học.

Tương tự, đối với các quy định tại các nhóm nhà ở với bán kính phục vụ không quá 300m. Tất cả các KĐTM tại Hà Nội, kể cả Trung Hòa – Nhân Chính, đều tuân thủ yêu cầu này, song các sân chơi, vườn hoa này chỉ là những diện tích với một vài cây xanh và ghế ngồi, thậm chí có những nơi chỉ là khu đất trống, mà chưa thực sự được tổ chức thành không gian nghỉ ngơi, thư giãn và hoàn toàn không có thiết bị vui chơi cho trẻ em.

6. Kiểm soát phát triển

Đa dạng về các loại hình nhà và không gian công cộng không chỉ tạo nên sự đa dạng các thành phần dân cư mà còn tạo sự đa dạng về lối sống. Sự sống động không được tìm thấy tại Ciputra, nơi quá trật tự, ngăn nắp và “đẳng cấp”. Song sự sống động này trở nên quá lộn xộn tại Trung Hòa – Nhân Chính, nơi không có đa dạng trong quy hoạch, kiến trúc nhưng lại có sự lộn xộn của các hoạt đồng như ở, văn phòng, nhà hàng tại diện tích ở của các tòa nhà. Thêm vào đó là các hoạt động buôn bán tự nhiên tự phát tràn lan khắp nơi cùng với các vỉa hè, vườn hoa bị lấn chiếm cho ô tô, xe máy đã làm cho khu vực này tương đối hỗn loạn.

Theo quy hoạch, Trung Hòa – Nhân chính không thiết kế xây dựng chợ truyền thống, không khuyến khích buôn bán nhỏ lẻ trong khi người dân đô thị đã quá quen với lối sống cận thị và nhu cầu mua bán giá rẻ, có cung ắt có cầu, hàng quán mọc khắp nơi không kiểm soát không chỉ lấn chiếm không gian chung, mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm với rác thải bừa bãi của các hàng quán này.

Trong nỗ lực về quản lý có tôn trọng ý kiến của người dân, Linh Đàm và Việt Hưng đã có những phát triển tự phát trong kiểm soát. Những hàng quán mọc lên tại không gian tầng 1 của các tòa nhà và một phần vỉa hè trước mặt, những không gian công cộng được sửa sang thành sân chơi vừa đáp ứng được các nhu cầu hàng ngày của người dân, vừa tạo được sinh động cho không gian sống tại các khu vực này.

Kiểm soát phát triển đặc biệt quan trọng trong phát triển các dịch vụ công. Đây là một quá trình linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi hàng ngày của người dân. Kiểm soát tốt không đồng nghĩa với những quy định duy ý chí. Nên chăng dành cho người dân quyền được đóng góp ý kiến và làm chủ thực sự không gian sống của họ.

Kết luận

KĐTM ra đời là một sự kế thừa linh hoạt mô hình khu tập thể tại các đô thị ở Việt Nam. Sự ra đời của mô hình KĐTM không chỉ xóa bỏ đi gánh nặng về nhà ở của Nhà nước mà còn đem đến cho người dân cơ hội được sống trong không gian phù hợp hơn với nhu cầu và điều kiện kinh tế hiện tại so với mô hình khu tập thể trước đây.

Các văn bản pháp quy ảnh hưởng đến xây dựng không gian các KĐTM dường như vẫn còn ảnh hưởng quá mạnh của lý thuyết tiểu khu microayon. Theo Cố PGS.TS. Trần Hùng, mô hình tiểu khu nhà ở có nhiều ưu điểm, nhưng áp dụng nó trong bối cảnh nào là vấn đề cần xem xét. Tiểu khu nhà ở đã hoàn thành tốt vai trò của nó trong thời kỳ bao cấp, kế hoạch hóa tập trung nhằm tạo ra một lượng nhà ở khổng lồ cho các cán bộ Nhà nước. Tiểu khu nhà ở, mang dáng dấp của một cộng đồng tự tồn tại hay nói cách khác là tự cung, tự cấp với các dịch vụ chỉ để phục vụ cư dân của chính cộng đồng này. Về mặt tổng thể, quy hoạch khu ở theo mô hình này làm cho đô thị bị phân mảnh, biệt lập những nhóm xã hội không mong muốn hay biệt khu cho người giàu.

Trên thực tế các dô thị Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn đang chịu áp lực của gia tăng dân số, tài nguyên bị thu hẹp, biến đổi khí hậu và thông tin phát triển cao. Các đô thị đã buộc phát triển dưới dạng các đô thị nén tập trung cao để thích ứng với các tác động này. Để quy hoạch xây dựng không gian cho các đô thị nén này và tạo được sự tiện nghi, thoải mái cho người dân, rất cần sự cập nhật của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn với các mô hình đô thị phù hợp hơn cho thời điểm hiện nay.

Thêm nữa, các chế tài cho kiểm soát phát triển cũng cần được xem xét nhằm đảm bảo sự tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch xây dựng không gian đô thị, phải đảm bảo các dịch vụ công sẽ được phát triển đúng như cam kết của các nhà đầu tư với chính quyền trong các dự án quy hoạch KĐTM của họ.

(Nguồn: Tạp chí Kiến trúc, Số 11/2015)