Amsterdam – Kinh nghiệm phát triển bền vững
Amsterdam có nhiều điểm nổi bật về phát triển đô thị bền vững mà các thành phố khác trên thế giới cần học hỏi, đó là những bài học về chính sách và các dự án thực thi tại đây.
Amsterdam là Thủ đô của Hà Lan được thành lập từ một làng chài nhỏ bên bờ sông Amstel. Năm 1270, người ta xây dựng một con đê ngăn lũ ở đây và đặt tên là Amsterdam. Từ đó, tên con đê cũng là tên của thành phố và Thủ đô của đất nước Hà Lan. Về sau sự phát triển thương mại với các nước dọc bên bờ Địa Trung Hải và biển Baltic đã tạo cho Amsterdam trở thành một thương cảng quan trọng và sầm uất của châu Âu.
Amsterdam là một trong số ít các thành phố trên thế giới có xe đạp nhiều hơn dân số. Tương tự như ở Đan Mạch, đi xe đạp là một phần của lối sống cư dân đô thị tại Amsterdam bởi thành phố đã xác định đây là bước quan trọng và hợp lý đối với việc tạo ra một thành phố bền vững.
Vào năm 1623, để mở rộng đường thông thương và sử dụng các con sông hiệu quả, Hà Lan đã phát triển một mạng lưới kênh rạch khổng lồ kéo theo các công trình được xây dựng dọc theo các con sông, các đầu mối kênh đào, hình thành nên một thành phố như hiện nay.
Năm 1962, kênh đào Amsterdam – Rhein được hoàn thành, từ đó các con kênh phụ được đào để nối với kênh chính, hình thành hơn 90 khu đảo nối liền bằng 600 cây cầu theo đủ loại phong cách kiến trúc. Chính vì thế, Amsterdam được mệnh danh là “Venice phương Bắc”.
Tuy không ở vào một vị trí “đắc địa” cho việc xây dựng một Thủ đô lâu dài, nhưng trải qua hàng thế kỷ được các cư dân nơi đây xây dựng và phát triển, Amsterdam ngày nay đã trở thành một trong những thành phố nổi tiếng thế giới về văn hóa nghệ thuật và khoa học. Thế nhưng, ngày nay, người ta biết đến Amsterdam nhiều hơn cả là đô thị phát triển bền vững.
Đô thị hóa trong những năm gần đây đã dẫn đến việc các chính phủ phải có thêm nhiều sáng kiến hướng tới việc tạo ra một môi trường đô thị bền vững. Thành phố là cơ hội tốt để ứng dụng công nghệ mới như giao thông công cộng, hệ thống sưởi ấm và làm mát tiên tiến, đặc biệt là công nghệ ứng dụng trong công trình xanh.
Amsterdam sẽ là một trong những thành phố đầu tiên bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, bởi vậy bằng nhiều cách khác nhau, các nhà lãnh đạo đã quyết tâm lựa chọn phát triển phương pháp vận chuyển giảm thiểu CO2. Đó là phương thức chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang hình thức công cộng thuận tiện nhất, đặc biệt nhấn mạnh sử dụng xe đạp.
Năm 2003, 50% cư dân Amsterdam sử dụng xe đạp trong cuộc sống hàng ngày (trong khi ở Mỹ chỉ 1% dân số sử dụng xe đạp). Có được kết quả này do là chính sách quy hoạch rất sớm từ những năm 60-70, chính quyền thành phố tập trung vào giải quyết các vấn đề giao thông vận tải thành phố. Chiến dịch loại bỏ dần xe tư nhân, phát triển xe đạp xuất phát từ những lo ngại về chất lượng cuộc sống và ô nhiễm không khí đã bắt đầu tăng khoảng thời gian đó. Vì thế, Amsterdam được quy hoạch ngay từ đầu với 450km đường xe đạp.
Cùng với đó là chính sách phát triển các dự án “Đường phố Thông minh” với sự kết hợp từ nhiều doanh nghiệp trong thành phố. Các dự án này tập trung chủ yếu vào giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà, các tuyến phố để giảm lượng khí thải CO2 thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến và khuyến khích thay đổi hành vi của người dân.
Nhiều dự án đã thiết lập trong 4 lĩnh vực khác nhau: không gian công cộng bền vững, giao thông bền vững, cuộc sống bền vững và làm việc bền vững. Mục tiêu của dự án thông minh này là để kiểm tra các công nghệ môi trường và chương trình thí điểm trong thành phố. Những sáng kiến sau đó sẽ được thử nghiệm để rút ra bài học thành công và hạn chế rủi ro, tăng tính bền vững khi ứng dụng quy mô lớn hơn. Quá trình này tạo ra nền tảng cho các giải pháp bền vững sau này.
Một trong những dự án tốt nhất trong số các dự án nêu trên là dự án “Climate Street” (tạm dịch là “Đường phố vì khí hậu”). Trên các đường phố này, đã có nhiều công nghệ khác nhau được ứng dụng sẽ được thử nghiệm để tạo ra các giải pháp bền vững cho các đường phố khác trong thành phố. Dự án tập trung vào các doanh nghiệp, không gian công cộng và dịch vụ hậu cần.
Một vài ví dụ bao gồm việc thực hiện đo lường thông minh mức tiêu thụ năng lượng, đèn thông minh tự động mờ tắt khi không có người, tích hợp chiếu sáng đường phố sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng,… Song song với dự án này là nhiều dự án khác được đưa ra cùng một lúc nhằm tạo ra nhiều tác động trực quan về tính bền vững. Các dự án và chương trình hành động này đã trở thành một nguồn cảm hứng cho các thành phố khác, tạo ra một nền tảng cho sự thay đổi rộng rãi. Các thông tin thu thập được từ các dự án được chia sẻ trên trang web để đảm bảo chia sẻ kiến thức (sustainablecities.dk).
Như vậy có thể thấy, bài học quan trọng thu thập từ Amsterdam chính là sức mạnh tổng hợp của chính sách quyết liệt, sự quyết tâm của thành phố. Sự quyết tâm thể hiện trong đổi mới chính sách giao thông như nâng cấp và mở rộng hệ thống xe lửa, xe điện, tàu điện ngầm và cơ sở hạ tầng xe đạp; ứng dụng các dự án thông minh, chú trọng không gian công cộng, khuyến khích công trình xanh… Chính phủ cũng như cộng đồng đóng vai trò quyết định trong thực hiện thành công chính sách đô thị bền vững. Bài học kinh nghiệm này sẽ giúp cho quá trình hoạch định chính sách và lập quy hoạch tạo ra một môi trường tốt hơn cho nhiều đô thị trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khánh Phương
(Báo Xây dựng)