ACBS: Thị trường bất động sản có thể trầm lắng trong quý III
ACBS kỳ vọng Chính phủ sẽ ngăn chặn sự lây lan của virus trong quý III và thị trường bất động sản sẽ phục hồi trở lại vào quý IV. Bình Dương và Đồng Nai đang là 2 thị trường tiềm năng nhờ vấn đề cấp phép dự án tại TPHCM gặp khó khăn, các dự án kết nối hạ tầng được đẩy mạnh, giá bán tại các tỉnh thấp hơn TPHCM.
Thị trường có thể trầm lắng trong quý III
Báo cáo ngành bất động sản của Công ty chứng khoán ACBS đánh giá thị trường đã hồi phục nhẹ trong nửa đầu năm nhưng có thể bước vào giai đoạn trầm lắng trong quý III do biến thể Delta lây lan nhanh làm làn sóng Covid thứ 4 diễn biến nghiêm trọng và khó lường hơn trước. ACBS kỳ vọng Chính phủ sẽ ngăn chặn sự lây lan của virus trong quý III và thị trường bất động sản sẽ phục hồi trở lại vào quý IV.
Nguồn cung căn hộ tại TPHCM năm nay dự kiến tương đương năm trước trong khi nhà phố/biệt thự có thể giảm mạnh. Hà Nội dự kiến có sự tăng trưởng khá về nguồn cung căn hộ, nhà phố/biệt thự chủ yếu nhờ các dự án mở bán mới như Vinhomes Cổ Loa, Vinhomes Wonder Park và Sunshine Empire. Nhu cầu mua nhà vẫn mạnh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu và giàu có. Giá bán sơ cấp sẽ tiếp tục xu hướng tăng nhờ nguồn cung hạn chế và hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện.
TPHCM và Hà Nội sẽ chào đón thêm các dự án nhà ở có thương hiệu dành cho tầng lớp sở hữu từ 1 triệu USD trở lên do số người thuộc lớp này dự kiến tăng 32% giai đoạn 2020 – 2025, theo Knight Frank. Mặt khác, nguồn cung dự án căn hộ bình dân (giá bán sơ cấp dưới 1.000 USD/m2) sẽ tiếp tục khan hiếm dù nhu cầu rất cao.
Các khu đô thị tích hợp quy mô lớn tại các quận, huyện ngoại thành TPHCM (Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ) và Hà Nội (Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng) và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh… sẽ dẫn đầu về nguồn cung mới, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.
Bình Dương – Đồng Nai nổi lên là địa chỉ thu hút đầu tư
Báo cáo của ACBS cũng chỉ ra Bình Dương và Đồng Nai đang là 2 thị trường tiềm năng nhờ vấn đề cấp phép dự án tại TPHCM gặp khó khăn, tiến độ các dự án kết nối hạ tầng từ TPHCM tới 2 tỉnh này được đẩy mạnh, giá bán tại các tỉnh thấp hơn TPHCM.
Các chủ đầu tư và ngân hàng sẽ tiếp tục hợp tác để đưa ra lịch thanh toán và gói vay mua nhà hấp dẫn như thanh toán 30% đến khi nhận nhà, cho vay tới 100% giá trị căn hộ, thời hạn vay mua nhà đến 35 năm… Lãi suất vay thấp và tương đối ổn định như hiện nay sẽ tiếp tục kích cầu thị trường bất động sản.
Trong 6 tháng đầu năm, Bình Dương có 2.800 căn hộ mới và 700 đất nền được mở bán, tỷ lệ hấp thụ lần lượt 80% và 82%, theo DKRA. Thị trường này có một số yếu tố thuận lợi như TP Dĩ An, Thuận An được thành lập tháng 2/2020; Giá bán căn hộ sơ cấp khoảng 1.400 – 1.900 USD/m2, thấp hơn TPHCM (1.700 – 17.000 USD/m2); Tăng trưởng dân số trung bình giai đoạn 2009 – 2019 cao nhất nước (4,93%). Bình Dương cũng là một trong những trung tâm công nghiệp phát triển nhất phía Nam, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI tính đến tháng 6. Tăng trưởng kinh tế của Bình Dương vượt Hà Nội và TPHCM trong năm 2020 và 6 tháng năm 2021.
Đối với Đồng Nai, trong nửa đầu năm, gần 1.500 nền đất mới và hơn 3.700 căn nhà phố/biệt thự được mở bán trong khi TPHCM không có nguồn cung đất nền trong 4 quý liên tiếp. Sức hút từ thị trường này đến từ vị trí gần TPHCM, có quỹ đất dọc bờ sông phù hợp phát triển các khu đô thị, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết. Đồng Nai cũng là một trong những trung tâm công nghiệp phát triển nhất phía Nam, có GRDP cao hơn TPHCM và đứng thứ 5 về thu hút FDI tính đến 6/2021.
Lê Xuân/Người đồng hành