Những kiến trúc có giá trị hôm nay liệu có trở thành di sản trong tương lai?
Đây là một câu hỏi dường như không cần trả lời vì một công trình tốt ở hiện tại đương nhiên có tiềm năng lớn trở thành di sản trong tương lai. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta đều biết, mỗi một thời kỳ có vô số công trình được xây dựng, nhưng chỉ có một số ít được công nhận chính thức là di sản (hay di tích theo khái niệm luật di sản văn hoá).
Có những công trình ban đầu được coi là tốt, nhưng sau một thời gian tồn tại đã bị đào thải. Tiêu biểu là khu nhà ở nổi tiếng Pruitt Igoe tại St Louis, Mỹ khi mới khánh thành được tán dương và tặng giải thưởng nhưng sau chưa đến 20 năm tồn tại đã bị xem như một thất bại của kiến trúc hiện đại. Ngược lại, có những công trình khi mới xây bị một bộ phận không nhỏ người dân địa phương chê bai, phản đối như tháp Eiffel tại Paris nhưng về sau lại trở thành di sản có giá trị bậc nhất thế giới. Ở phương diện khác, trong một số bối cảnh lịch sử văn hoá chính trị cụ thể, nhiều công trình tốt có tiềm năng cao trở thành di sản bị một phần lớn công chúng lãng quên, hoặc xem nhẹ một cách vô tình hay cố ý, ví dụ như nhiều công trình có giá trị xây dựng trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và thời kỳ đầu đổi mới ở Việt Nam.
Vậy làm thế nào để một công trình hôm nay có thể trở thành di sản cho tương lai? Hay cụ thể hơn, một công trình kiến trúc Việt Nam nên đi theo hướng nào để trở thành di sản cho tương lai?
Xét từ các tiêu chí đánh giá di sản kiến trúc, UNESCO cho rằng một công trình được coi là di sản văn hóa khi chứa đựng những giá trị “nổi bật về lịch sử, nghệ thuật và khoa học”. Luật di sản văn hóa Việt Nam xếp một công trình kiến trúc vào danh sách di tích kiến trúc, nghệ thuật khi nó “tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật”.
Thật khó để biết một công trình hiện đại hay đương đại mới xây dựng, có thời gian tồn tại chưa lâu, chưa mang trong mình dấu ấn lịch sử nào … có thể trở thành di sản cho tương lai hay không. Tuy nhiên, soi chiếu từ những công trình kiến trúc hiện đại có tuổi đời chỉ vài thập kỷ, được UNESCO công nhận gần đây như nhà hát Opera Sydney, 17 công trình của Le Corbusier, hay những tác phẩm có tiềm năng di sản lớn của các kiến trúc sư đạt giải Pritzker, chúng ta có thể hình dung sơ bộ về những điều mà một công trình kiến trúc cần có để tạo nên giá trị bền vững, có thể trở thành di sản trong tương lai.
Nhà hát Opera Sydney được vinh danh là di sản vì kết hợp nhiều hướng sáng tạo và đổi mới trong cả hình thức kiến trúc và thiết kế kết cấu. UNESCO cho rằng nhà hát đã thể hiện sự diễn giải và phản hồi phi thường đối với bối cảnh tại Cảng Sydney bên cạnh giá trị toàn cầu nổi bật nhờ những thành tựu về kỹ thuật kết cấu và công nghệ xây dựng. Tòa nhà là một tượng đài nghệ thuật vĩ đại và là biểu tượng, có thể tiếp cận được với toàn xã hội.”
Tập hợp 17 công trình của Le Corbusier được công nhận vì UNESCO cho rằng chúng chính là minh chứng cho việc phát minh ra một ngôn ngữ kiến trúc mới đã phá vỡ quá khứ, phản ánh các giải pháp mà Phong trào Hiện đại tìm cách áp dụng trong thế kỷ 20 với các các kỹ thuật kiến trúc mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Những công trình của các bậc thầy đạt giải Pritzker gần đây như Peter Zumthor, Aravena, Wang Shu, Shigeru Ban, Balkrishna Doshi, Francis Kere… được tôn vình vì tác giả chủ yếu tập trung vào sử dụng kiến trúc một cách đổi mới sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội cũng như ứng xử hài hòa với thiên nhiên và văn hóa tại địa điểm xây dựng.
Như vậy có thể thấy rằng, dù hoành tráng và tốn kém như nhà hát Opera Sydney hay khiêm tốn như những công trình của Peter Zumthor thì giá trị của các công trình hiện đại và đương đại đó được xác lập nhờ sự đổi mới sáng tạo trong thiết kế, xây dựng giúp công trình đáp ứng các yêu cầu của xã hội, ứng xử nhân văn với địa điểm cũng như văn hóa địa phương. Phải chăng đó chính là câu trả lời tốt nhất cho việc “Liệu những kiến trúc hôm nay có thể trở thành di sản trong tương lai hay không?”
(Bài viết thuộc nội dung Tọa đàm 1: Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai – Những nội hàm hướng tới, Diễn đàn Kiến tạo kiến trúc có giá trị bền vững cho tương lai do Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức)
TS.KTS Trương Ngọc Lân/Khoa Kiến trúc và Quy hoạch trường Đại học Xây dựng Hà Nội