15/01/2016

Ngành xây dựng: Tiếp tục một năm tăng trưởng khá

Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của nền kinh tế, song các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội chủ yếu của ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng khá; giá trị tăng thêm của ngành đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.


Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thị sát công trình xây dựng nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: Hải Đăng

Hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng

Theo giá hiện hành, giá trị sản xuất ngành Xây dựng năm 2015 đạt khoảng 974 nghìn tỷ đồng (tăng 11,4% so với năm 2014); tính theo giá so sánh năm 2010 đạt khoảng 778 nghìn tỷ đồng (tăng 11,2% so với năm 2014, tăng 40,2% so với cuối năm 2010, bình quân giai đoạn 2011 – 2015 tăng khoảng 7%/năm). Theo giá so sánh năm 2010, giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng năm 2015 đạt khoảng 172 nghìn tỷ đồng, tăng 10,82% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 5,9% GDP cả nước và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước ngành Xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được tập trung thực hiện, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Ngành. Các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách ban hành với những quan điểm, tư tưởng đổi mới đột phá, được các cơ quan Nhà nước, cộng đồng DN, người dân và xã hội đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, góp phần tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng được đổi mới và tăng cường theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chất lượng các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia về cơ bản đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng và đưa vào vận hành, khai thác an toàn, hiệu quả.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn, các công cụ quản lý chi phí (suất vốn đầu tư, định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá xây dựng) cho phù hợp với công nghệ, biện pháp thi công mới để làm cơ sở cho việc lập đơn giá, quản lý chi phí và thanh, quyết toán công trình được kịp thời, công khai, minh bạch. Công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép theo quy định tại Luật Xây dựng đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ công trình xây dựng không phép, sai phép giảm đáng kể so với 2014. Công tác quản lý năng lực hoạt động xây dựng, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.

Công tác lập quy hoạch xây dựng được tập trung thực hiện và có nhiều đổi mới; công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đảm bảo sự phát triển đô thị hài hòa, bền vững. Năm 2015, Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với các địa phương triển khai việc nâng loại và công nhận loại đô thị đối với 19 đô thị.

Phát triển nhà ở theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở người dân, đặc biệt các đối tượng người có công, người nghèo ở khu vực thường xuyên bị bão, lũ, ngập lụt, người thu nhập thấp đô thị có khó khăn về nhà ở. Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của địa phương; tập trung triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình chính sách, người nghèo, người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội đã đạt được kết quả quan trọng, vừa giúp cho thị trường BĐS đã phục hồi tích cực, vừa giúp hàng trăm ngàn người nghèo, người thu nhập thấp sớm được cải thiện chỗ ở.

Việc quản lý phát triển VLXD được tăng cường trên cơ sở tuân thủ quy hoạch, bám sát nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu, duy trì sự ổn định thị trường xi măng và các VLXD chủ yếu, tiếp tục đẩy mạnh phát triển vật liệu xây không nung.

Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho DN, người dân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ thường xuyên được quan tâm; công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được chú trọng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh…

Các DN ngành Xây dựng tập trung thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động. Tại thời điểm 01/01/2015, tổng số DN hoạt động trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng (bao gồm: xây dựng, sản xuất VLXD, tư vấn xây dựng và kinh doanh BĐS) ước khoảng 77.750 DN (tăng 1.175 DN so với thời điểm 01/01/2014 và tăng hơn 18.200 DN so với thời điểm 01/01/2011). Các TCty Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đều tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn tại các dự án đầu tư ngoài Ngành. Đến hết 2015, Bộ đã cơ bản hoàn thành cổ phần hóa 10/14 TCty; hiện đang tiến hành cổ phần hóa 4 TCty còn lại, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016…

12 nhiệm vụ trọng tâm năm 2016

Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2016, Bộ Xây dựng đã đặt ra 12 nhiệm vụ trọng tâm:

1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, trong đó trọng tâm là hoàn thành việc ban hành các Thông tư hướng dẫn các Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đảm bảo đồng bộ, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề cương, dự thảo Luật về quản lý phát triển đô thị.

2. Tập trung triển khai Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; tăng cường quản lý, giám sát trong hoạt động đầu tư xây dựng; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán các công trình xây dựng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế- kỹ thuật.

3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch xây dựng theo phân cấp, nhất là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

4. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; triển khai có hiệu quả các định hướng, chiến lược, chương trình, đề án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.

5. Triển khai thực hiện Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn. Hoàn thành phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của các địa phương. Thực hiện tốt các chương trình phát triển nhà ở trọng điểm, trong đó: Cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công (theo Quyết định 22), Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; tập trung triển khai Chương trình 167 giai đoạn 2, Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở khu vực thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 3 (bổ sung các dự án của giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện đến năm 2020); đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị.

6. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; tăng cường quản lý, kiểm soát theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, đảm bảo để thị trường phát triển ổn định, bền vững; tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh hợp lý cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; xây dựng hệ thống thông tin thị trường.

7. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng, nhất là xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường; tổ chức sơ kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh Chương trình phát triển vật liệu xây không nung; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, đặc biệt là TTHC trong đầu tư xây dựng; tích cực thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 36a/NQ-CP về chính phủ điện tử.

9. Kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn về xây dựng các cấp, các ban quản lý chuyên nghiệp, đáp ứng với yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và nhà ở.

10. Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng; xây dựng các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Ngành; hoàn thành cổ phần hóa các TCty thuộc Bộ Xây dựng, tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo lộ trình hợp lý.

11. Nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Ngành; tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ theo quy hoạch. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của Ngành.

12. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.

Một số chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2016

Tỉ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 36,8%. Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 75%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 81,5 – 82%, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 24%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5 – 86%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22,6m2 sàn/người. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 74 – 75 triệu tấn. Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành tính theo giá hiện hành tăng khoảng 10% so với năm 2015.

Thư Kỳ/Báo Xây dựng