04/01/2016

Quy chuẩn kỹ thuật và Tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực đô thị hiện nay

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Để có được hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong quy hoạch cần có cách tiếp cận mới trên nguyên tắc đổi mới từ phương pháp tiếp cận mang tính chất “áp đặt” sang phương pháp đồng thuận, thống nhất. Quy chuẩn cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng… trong phạm vi quốc gia và phù hợp với yêu cầu của các thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiêu chuẩn quy hoạch lúc này được coi là “tài liệu” kỹ thuật, tự nguyện áp dụng là chính.

14192397735_a72de50865_b

Công viên Thủ Lệ – không gian công viên xanh trong lòng Hà Nội

 

ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG QUY CHUẨN KỸ THUẬT VÀ TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

Hệ thống quy chuẩn quy hoạch đô thị
Trước khi có Luật Xây dựng (2003) thuật ngữ Quy hoạch đô thị là một khái niệm hay được dùng để chỉ các hoạt động kiểm soát hay tổ chức môi trường sống đô thị. Các hoạt động này có thể bao gồm: ban hành luật, quy định kiểm soát phát triển; xây dựng và vận hành các bộ máy quản lý đô thị; đề ra các tiêu chí, lập và phê duyệt quy hoạch; thực hiện các chương trình đầu tư phát triển đô thị; nghiên cứu đô thị; đào tạo bộ máy nhân lực…
Năm 1993, một văn bản dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật về công tác quy hoạch đô thị được ban hành. Đó là Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28 tháng 12 năm 1993 về việc ban hành quy định về lập quy hoạch đô thị.
Theo văn bản này công tác quy hoạch đô thị có nhiệm vụ cụ thể hoá chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội của Đảng và nhà nước, chiến lược phát triển đô thị quốc gia, phối hợp với các quy hoạch chuyên ngành, bảo đảm cho quá trình đô thị hoá và sự phát triển các đô thị đạt hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Đồ án
Công viên Thủ Lệ – Không gian công viên xanh trong lòng Hà Nội
quy hoạch đô thị phải do các tổ chức chuyên trách được nhà nước công nhận lập và phải tuân theo luật lệ, tiêu chuẩn, quy phạm, quy trình của nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồ án quy hoạch được duyệt là cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng đô thị, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản, lập các kế hoạch cải tạo, xây dựng đô thị hàng năm, ngắn hạn và dài hạn thuộc các ngành và địa phương.
Sang thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhà nước càng coi trọng những vấn đề về phát triển đô thị. Các dự án quy hoạch xây dựng bắt buộc phải tuân thủ các quy định về sử dụng đất, bảo vệ các công trình xây dựng, bảo vệ môi trường. Việc tổ chức không gian, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị phải tạo lập môi trường sống an toàn, vệ sinh và tiện nghi cho con người đồng thời phải sử dụng hợp lý vốn, đất đai và tài nguyên khác, đáp ứng yêu cầu, xây dựng trong các giai đoạn, yêu cầu phát triển đô thị theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

Năm 1994 trong khuôn khổ của Dự án biên soạn Luật Xây dựng của Việt Nam, được sự tài trợ Chính phủ và sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn Australia, Bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành năm 1996 (tập I) và 1997 (tập II và tập III) theo Quyết định số 682/BXDCSXD
ngày 14/12/1996 và Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/9/1997. Nội dung về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được đề cập trong tập I của Bộ Quy chuẩn này.

Đây là bộ quy chuẩn đầu tiên được áp dụng lĩnh vực xây dựng. Những nội dung trong bộ quy chuẩn này đã làm tốt vai trò của một văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng. Quy chuẩn còn được áp dụng để điều tiết các hoạt động về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị trong nền kinh tế thị trường. Các vấn đề về quy hoạch sử dụng đất, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao, lộ giới, góc tới hạn, mối liên hệ với các công trình bên cạnh… là những nội dung được sử dụng nhiều trong quá trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch.
Năm 2003, bộ Luật Xây dựng đầu tiên được ra đời. Nội dung quy hoạch đô thị lần đầu tiên được luật hóa. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của quy hoạch đô thị vì quy hoạch có liên quan đến nhiều ngành, phối hợp và liên kết đa ngành. Để phù hợp với quy định của Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng như những thay đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bộ quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 1997 cần phải được sửa đổi và bổ sung. Vì vậy đến năm 2008 bộ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam- Quy hoạch xây dựng (QCXDVN 01: 2008/BXD) được ban hành. Bộ Quy chuẩn này là những quy định bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng; là cơ sở pháp lý để quản lý việc ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng và các quy định về quản lý xây dựng theo quy hoạch tại địa phương. Đến năm 2009 nội dung về quy hoạch đô thị trong Luật Xây dựng năm 2003 được tách ra thành một bộ Luật riêng- Luật Quy hoạch đô thị. Cùng với hệ thống các văn bản pháp luật quản lý quy hoạch, đất đai và xây dựng đô thị thì QCXDVN 01: 2008/BXD đã góp phần tăng cường công tác quản lý đô thị và khẳng định vai trò của công tác quy hoạch xây dựng. Là cơ sở để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời cũng là căn cứ để rà soát, đánh giá một cách khoa học và điều chỉnh quy hoạch đảm bảo thời gian theo luật định.
Hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch đô thị: Trong thập kỷ 80, các tiêu chuẩn quy hoạch đô thị chủ yếu được biên soạn dựa trên cơ sở tham khảo từ các tiêu chuẩn tương ứng cùng tên của Liên Xô (trước đây). Với mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch và thiết kế đô thị phù hợp với nền kinh tế tập trung bao cấp, chủ yếu là kinh tế nhà nước kế hoạch hoá cao, các phương pháp lập quy hoạch trong giai đoạn này được thực hiện theo các bước khá chặt chẽ được quy định trong các tiêu chuẩn đã ban hành.
Hiện nay hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến họat động xây dựng đang dần dần được hoàn thiện như Luật Xây dựng (2014), Luật quy hoạch đô thị (2009), Luật đất đai (2013), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Nhà ở (2014), Luật kinh doanh bất động sản (2014),… và hàng loạt các Nghị định hướng dẫn kèm theo đã được ban hành. Luật Xây dựng ban hành tạo một bước tiến mới cho công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị. Luật đưa ra thể chế vừa đảm bảo chặt chẽ có hệ thống, nâng cao chất lượng, nội dung, và quy trình lập quy hoạch, tăng cường vai trò của cộng đồng, phân cấp phân quyền mạnh cho địa phương chủ động trong việc chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch đô thị cấp địa phương,… Luật Quy hoạch đô thị 2009 (thay thế một số phần Luật Xây dựng 2003) đã quy định và làm rõ lại các loại đồ án quy hoạch đô thị, phương thức nội dung, trình tự, phân cấp thẩm định, phê duyệt vv.. đã tạo ra một sự đổi mới đáng kể đặc biệt là sự đổi mới về tiếp cận lý thuyết quy hoạch hậu hiện đại, tăng cường vai trò cộng đồng, công khai quy hoạch và quản lý theo quy hoạch vv… Nội dung lập quy hoạch và thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng được xác định rõ trong các thông tư do Bộ Xây dựng ban hành.
Tuy nhiên là một đất nước đang phát triển nên hệ thống quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị phần lớn dựa trên nền tảng hệ thống lý luận của các nước XHCN như Liên Xô (trước đây), Liên bang Nga ngày nay, Trung Quốc hay một số nước Đông Âu khác như Bungari,…
Điều này làm cho hệ thống văn bản pháp lý quản lý quy hoạch và đầu tư phát triển khu đô thị mới tại Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa ổn định, thủ tục hành chính phức tạp và tốn kém.Bên cạnh đó, những thay đổi trong cơ chế,chính sách quản lý quy hoạch, đất đai đã làmcho nội dung của một số tiêu chuẩn có liên quan không còn phù hợp, cần phải soát xét,bổ sung hoặc thay thế.

Đánh giá chung
Hiện nay, quy hoạch đô thị thường căn cứ vào quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xãhội của từng địa phương…làm cơ sở cho việc tổ chức, phân bổ chức năng đô thị, hoạt độngkinh tế đô thị và các lĩnh vực khác.
Quy hoạch đô thị (theo Luật quy hoạchđô thị 2009) bao gồm Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Cácloại hình quy hoạch này có mối liên hệ qualại và tương quan với nhau phụ thuộc vào quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế xã hội củatừng địa phương và chiến lược phát triển theongành. Các đồ án quy hoạch đô thị, thực chất là kế hoạch phân vùng, phân khu chức năng sử dụng đất, chịu nhiều ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế xã hội cũng như những biếnchuyển về đất đai, giá đất.
Có thể khẳng định rằng trong một giaiđoạn dài, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch đô thị đã góp phần phục vụ cho côngtác quản lý và thiết kế quy hoạch xây dựngcác vùng lãnh thổ trong phạm vi cả nước.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay quy hoạch đô thị ở Việt Nam đang trong quá trình phát triển, chuyển đổi từ mô hình quy hoạch từ trên xuống phù hợp với nền kinh tế tập trung,bao cấp sang mô hình kiểm soát theo quy hoạch từ dưới lên, phân cấp quản lý cho các cấp chính quyền. Bên cạnh đó trình tự lập quyhoạch đã có nhiều thay đổi, chủ yếu là do:
– Một số khái niệm về quy hoạch đô thị đãđược sửa đổi, bổ sung.
– Hệ thống văn bản pháp quy về quyhoạch xây dựng nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng cũng như các văn bản có liên quan được ban hành và đang được hoànchỉnh trong đó có nhiều đổi mới về cách tiếpcận trong công tác quy hoạch
– Trình tự quy hoạch có nhiều thay đổi chophù hợp với từng loại đô thị.
– Các tiêu chuẩn về quy hoạch phải có cácyêu cầu cơ bản về quy hoạch, không chỉ là vị trí, giải pháp mà còn là các chỉ tiêu về quy hoạch như: mật độ xây dựng, tầng cao trungbình, hệ số sử dụng đất (theo chương 2 – LuậtXây dựng).
– Một số vấn đề như thiết kế đô thị, quy hoạch không gian công trình ngầm, quy hoạch phát triển đô thị xanh, quy hoạch sử dụng tiết kiệm năng lượng, quy hoạch lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu, quy hoạch phát triển đô thị bền vững chưa có những quy định cụ thể trong quy chuẩn, tiêu chuẩn.

– Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch được biên soạn trước khi có Luật quy chuẩn, tiêu chuẩn nên nhiều nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn tiêu chuẩn có sự bất cập, chồng chéo. Một số nội dung thuộc lĩnh vực quản lý hành chính lại được đề cập trong tiêu chuẩn nên khó khăn trong quá trình áp dụng. Theo các quy định mới hiện nay, quy trình lập quy hoạch, nội dung đồ án, yêu cầu về hồ sơ bản vẽ, thuyết minh chủ yếu được áp dụng bởi các văn bản như: Thông tư 10/2000/TT-BXD ngày 08/08/2000 “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các đồ án quy hoạch XD”; Thông tư 07/2008/TT-BXD, ngày 07 tháng 04 năm 2008 “Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng”; Thông tư số 16/2013/TTBXD ngày 16/10/2013 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2013/TT-BXD ngày 13 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng “Hướng dẫn về nội dung Thiết kế đô thị”; … Vì vậy việc biên soạn các tiêu chuẩn quy hoạch trong những năm gần đây có thể nói là rất ít. Việc áp dụng chủ yếu là dựa vào QCXDVN 01: 2908/BXD – Quy chuẩn xây dựng Việt nam – Quy hoạch xây dựng.

Bên cạnh đó công tác quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị còn những tồn tại và yếu kém. Tình trạng xây dựng lộn xộn không phép, sử dụng đất và quản lý đất đai không theo quy hoạch và pháp luật hiện đang chiếm tỷ lệ đáng kể trong đô thị nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn. Chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị nói chung còn yếu. Tình trạng “quy hoạch treo”, dự án chậm triển khai ở nước ta tại các đô thị vẫn còn là hiện tượng phổ biến trong các đô thị nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài như hiện nay. Vì vậy thể chế quy hoạch đô thị cần có nghiên cứu, phối hợp đa chiều và khoa học, phù hợp với sự phát triển đô thị: theo hướng mở, linh hoạt, phát triển xanh, phát triển bền vững…sẽ là nền tảng quan trọng, làm cơ sở trong việc lập, thẩm định, đánh giá hiệu quả của quá trình hoạt động quy hoạch đô thị giúp cho quá trình phát triển đô thị có hiệu quả hơn, bền vững hơn.

Kinh nghiệm lập quy hoạch đô thị trên thế giới:
Qua tìm hiểu thông tin về phương pháp lập quy hoạch đô thị của một số quốc gia trên thế giới cho thấy các nước đều coi quy hoạch đô thị là công cụ quan trọng để quản lý và phát triển đô thị. Nhiều nước có Luật quy hoạch đô thị, trong đó có Trung Quốc. Hầu hết các nước đều xác định nguyên tắc lập quy hoạch đô thị phải đi từ tổng quát đến cụ thể, thông qua quy trình từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết. Trong quy hoạch của từng đô thị, phải định rõ các khu chức năng, bảo đảm cho việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ đô thị, tạo tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện các dự án.
Luật pháp các nước thường đề cao vai trò của các chức năng công cộng trên nguyên tắc quản lý và sử dụng không gian đô thị, kể cả không gian ngầm; quản lý hiệu quả cảnh quan, kiến trúc đô thị, bảo đảm bản sắc đô thị phù hợp với truyền thống văn hoá của dân tộc và vai trò cộng đồng tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng và thực hiện quy hoạch. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch thông qua việc cấp giấy phép quy hoạch.
Phương pháp lập quy hoạch được thay đổi qua từng giai đoạn để phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội. Trong những thập niên 60 thường áp dụng phương pháp quy hoạch tổng thể (Master planning) bao gồm các bản đồ và thuyết minh diễn giải về quy hoạch sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch khác. Tuy nhiên, trong giai đoạn toàn cầu hóa và tái cấu trúc lại nền kinh tế như hiện nay quy hoạch tổng thể trở thành công cụ lỗi thời đối với các nhà quy hoạch.
Đến thập niên 70 một số quốc gia sử dụng phương pháp quy hoạch cấu trúc (Structure plans).Theo phương pháp này đồ án quy hoạch linh hoạt hơn và nó xác định không gian và định hướng phát triển đô thị, bao gồm các hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội.
Quy hoạch cấu trúc có đề cập đến nhu cầu sử dụng đất dài hạn, linh hoạt, mềm dẻo phù hợp hơn với cơ cấu và định hướng phát triển trong tương lai. Ở một số quốc gia quy hoạch này còn được gọi là quy hoạch dẫn hướng. Ở quy hoạch này chủ yếu là kiểm soát phát triển đô thị chưa hướng tới quản lý phát triển- một bước tiến mới mà quy hoạch cần đạt được.
Sang thập niên 80, phương pháp quy hoạch chiến lược (Strategic Planning) được áp dụng. Quy hoạch chiến lược là quy hoạch trong tiến trình, có tính thích ứng cao với cơ chế thị trường. Chỉ khi nào người cầm quyền trực tiếp tham gia vào tiến trình quy hoạch mới tổ chức được sự hợp tác đa ngành, kết quả quy hoạch mới đi vào thực tế nhanh chóng. Các bước của phương pháp quy hoạch chiến lược không nhắc đến quy hoạch không gian. Quy hoạch không gian được xem là một công cụ để thực hiện các chiến lược, cần đến đâu lập đến đó. Cơ sở để thành tạo đô thị là quy hoạch cấu trúc, chỉ có tính định hướng.
Đây còn là một quá trình có sự tham gia của nhiều bên liên quan chủ yếu của xã hội. Mặc dù vậy trong thực tế quy hoạch chiến lược chưa nhận được sự tham gia của các Bộ, Ban ngành vì vậy còn có nhiều mâu thuẫn giữa mục tiêu và giải pháp của các bản quy hoạch chiến lược khác nhau.
Để khắc phục những bất cập của quy hoạch chiến lược một loại hình quy hoạch mới được ra đời đó là quy hoạch chiến lược hợp nhất. Nó hợp nhất đồng thời quy hoạch vật chất, kế hoạch đầu tư, nguồn lực và định chế… Ở một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, quy hoạch chiến lược hợp nhất thường được xem là quy hoạch khoa học mang tính tổng hợp. Quy hoạch chiến lược hợp nhất là sự hợp nhất giữa các quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và quy hoạch xây dựng để tìm ra mục tiêu quy hoạch chung đảm bảo có được một cuộc sống tốt, công bằng xã hội và tính bền vững.
Đến thế kỷ 20, hầu hết các quốc gia phát triển đều ứng dụng phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất (Integrated Urban Planning). Phương pháp lập quy hoạch này nhằm khắc phục sự không đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu sự liên kết, khớp nối và chồng lấn, mâu thuẫn giữa các đồ án quy hoạch. Việc hợp nhất trong sử dụng đất, hợp nhất không gian sẽ cải thiện khả năng và cách tiếp cận với nguồn lực đất đai, kiểm soát việc phát triển đô thị. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển đô thị bền vững.
Tiếp sau quy hoạch đô thị hợp nhất, nhiều nước đã triển khai “Chiến lược phát triển thành phố (City Development Strategy – CDS).

Chiến lược phát triển thành phố một quá trình xây dựng một tầm nhìn dài hạn của thành phố trong tương lai; từ đó đưa ra được một kế hoạch hành động ngắn hạn, tăng cường tính cạnh tranh kinh tế, bao gồm các vấn đề giảm nghèo, môi trường, cấu trúc đô thị, hạ tầng cơ sở và tài chính. Vì vậy xu hướng lựa chọn phương pháp quy hoạch đô thị hợp nhất là cách làm của các nhà quy hoạch hiện nay để nâng cao hiệu quả của công tác quy hoạch.
Những kinh nghiệm của các quốc gia trong việc áp dụng các phương pháp lập quy hoạch trên đây sẽ tác động đến việc điều chỉnh, biên soạn và bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch đô thị ở Việt Nam. Theo đó, quy hoạch cần phải được nghiên cứu theo hướng tổng hợp, đa ngành, gắn với không gian lãnh thổ. Những quy định này sẽ làm hạn chế những phát sinh một số vấn đề đô thị như năng lực cạnh tranh kém, ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, quản lý đô thị chưa tốt, quy hoạch treo… từ đó tìm ra mục tiêu quy hoạch chung đảm bảo sống tốt, công bằng xã hội và phát triển bền vững.

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC TRONG QUY HOẠCH BỘ QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VIỆT NAM

Hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật kể cả hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến quy hoạch đô thị của nước ta đã có nhiều quy định về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, hiệu lực pháp lý thấp. Nhiều quy định lạc hậu so với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý phát triển đô thị và hội nhập quốc tế, không xuất phát từ nhu cầu phát triển của đô thị mang yếu tố thị trường, có tính cạnh tranh cao. Số liệu và thông tin thực trạng chủ yếu mang tính chất thống kê, thiếu phân tích, đánh giá hoặc dự báo không chính xác. Việc phân tích, dự báo ảnh hưởng của các yếu tố trong nước và quốc tế, tác động của các chiến lược, quy hoạch kế hoạch khác đến báo cáo quy hoạch cũng ít được quan tâm.
Quy trình, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn phức tạp, tốn nhiều thời gian. Các giải pháp quy hoạch đưa ra thường mang tính chất chung chung, không cụ thể. Giải pháp của quy hoạch này có thể sao chép dùng cho quy hoạch khác dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhiều lần. Thiếu tính khả thi, không đảm bảo nguồn lực để thực hiện dẫn đến quy hoạch kém hiệu quả. Số lượng bản vẽ trong đồ án quy hoạch đô thị đôi khi lại thừa những bản vẽ không cần thiết. Thuyết minh đồ án chưa làm nổi bật ý tưởng và giải pháp quy hoạch nên không phải lúc nào chúng cũng trở thành công cụ để hướng dẫn, quản lí xây dựng, kiểm soát phát triển đô thị.
Một số vấn đề quan trọng khác như quy hoạch và quản lý không gian ngầm, quy hoạch đô thị xanh, quy hoạch đô thị phát triển bền vững, nguồn lực cho công tác lập và triển khai quy hoạch cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy hoạch… còn thiếu quy định cụ thể. Công tác thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch đô thị cũng chưa được đổi mới, đặc biệt công tác quản lí quy hoạch đô thị. Công tác quản lý quy hoạch còn yếu dẫn đến phá vỡ quy hoạch ban đầu, việc điều chỉnh quy hoạch chưa tuân thủ đúng các nguyên tắc, đôi khi còn tùy tiện điều chỉnh nhiều lần. Việc công khai quy hoạch và giám sát của cộng đồng dân cư trong thực hiện quy hoạch còn hình thức, không hiệu quả. Cấp phép xây dựng còn nhiều tồn tại, điển hình là vi phạm về chiều cao tầng, mật độ xây dựng, hình thức kiến trúc. Hệ thống cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng đô thị cấp cơ sở chưa được hoàn thiện. Chính quyền các cấp vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác quản lý hành chính nhà nước với đô thị.
Vì vậy để có được hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong quy hoạch cần có cách tiếp cận mới trên nguyên tắc đổi mới từ phương pháp tiếp cận mang tính chất “áp đặt” sang phương pháp đồng thuận, thống nhất. Quy chuẩn cần đáp ứng các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng… trong phạm vi quốc gia và phù hợp với yêu cầu của các thông lệ quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tiêu chuẩn quy hoạch lúc này được coi là “tài liệu” kỹ thuật, tự nguyện áp dụng là chính.
Cũng giống như các lĩnh vực khác, khi quy hoạch hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực quy hoạch cũng cần phải đảm bảo tính đồng bộ, tính kế thừa, tính tiên tiến, hiện đại, phương pháp biên soạn, phù hợp đổi mới và hội nhập, thông tin. Trong đó đảm bảo tính đồng bộ là đảm bảo sự thống nhất trong các quy định về cùng về một nội dung trong quy hoạch đô thị:
Luật —> Nghị định —> Quyết định —> Thông tư —> Quy chuẩn —> tiêu chuẩn —> Hướng dẫn… Cần phân định rõ các nội dung cần điều tiết trong từng văn bản để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn như loại quy hoạch và giới hạn quy hoạch trong từng đồ án. Số lượng quy hoạch cần lập, thời gian lập, thời kỳ quy hoạch và trình tự lập quy hoạch cần quy định ứng với mỗi loại quy hoạch để tránh chồng chéo, lãng phí. Quy hoạch càng xuống thấp càng thể hiện chi tiết, từ đó đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch, tránh được sự chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa các quy hoạch, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch. Cần quy định rõ mối quan hệ giữa nội dung quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai và Luật Quy hoạch đô thị.

Để đảm bảo tính kế thừa cần dựa trên hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch đô thị hiện hành để rà soát, bổ sung. Lựa chọn tiêu chuẩn của Liên bang Nga, Trung Quốc và bộ Luật quy hoạch đô thị của một số quốc gia để làm nguồn tài liệu tham khảo trong quá trình biên soạn.Việc bổ sung, đổi mới văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng phải được kế thừa có chọn lọc, nhận định khách quan về về các nội dung đã được xác định trong các văn bản có liên quan.
Để đảm bảo tính hội nhập, công tác quy hoạch chỉ nên đưa ra những mục tiêu có tính định hướng dựa trên cơ sở dự báo. Quy hoạch nên mang tính chiến lược, xác định rõ các ưu tiên, hạn chế những con số và chỉ tiêu không cần thiết. Các quy định về mật độ tầng cao, khoảng lùi, mối quan hệ với công trình bên cạnh, an toàn môi trường, an ninh phải là những quy định bắt buộc, các nội dung còn lại nên để mở và linh hoạt. Việc lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phải là một yêu cầu bắt buộc.
Nội dung quy chuẩn không quá chi tiết gây khó khăn trong áp dụng, vận dụng, làm hạn chế sáng tạo, vận dụng các phương pháp luận mới, cách tư duy mới vào quy hoạch. Cần đổi mới quy trình lập quy hoạch và thống nhất thời gian tiến hành lập quy hoạch và phân kỳ quy hoạch. Quy hoạch trong lĩnh vực giao thông đô thị… cần phải có tầm nhìn xa hơn so với thời kỳ 20 – 25 năm của thời hạn quy hoạch đô thị… Trong nội dung quy hoạch, cần làm rõ cơ sở không gian trong quan hệ với phương án phát triển và kết nối giữa quy hoạch và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Cần bổ sung phương pháp quy hoạch cho các khu đô thị cũ hoặc tái tạo đô thị trong đó nhấn mạnh vai trò của cộng đồng dân cư và quy định việc điều chỉnh quy hoạch đô thị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội qua từng giai đoạn. Cần quy định quy hoạch lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để kịp thời điều chỉnh quy hoạch, kết cấu hạ tầng xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó, thích nghi với BĐKH, nước biển dâng, cải thiện môi trường bị ô nhiễm. Cần có thay đổi về quy định cách trình bày các thuyết minh của đồ án quy hoạch để làm rõ các ý tưởng và giải pháp lập quy hoạch. Làm rõ các nội dung mang tính nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đối chiếu, dự báo, các kịch bản phát triển đô thị… trong thuyết minh./.

Ths Trần Thị Thanh Ý
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch & Phát triển đô thị Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam