Kiến trúc dân gian truyền thống – Tiềm năng phát triển du lịch bền vững trong chương trình xây dựng Nông thôn mới
(KTVN 247) – Năm 2022, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt. Một trong các nhiệm vụ của chương trình là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Từ góc độ “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống” nhằm phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, quỹ kiến trúc dân gian truyền thống đang sẵn có trong các vùng nông thôn đã từng được bảo tồn tôn tạo, nay càng có thêm điều kiện để phát huy giá trị.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN TỪ NHỮNG LÀNG, BẢN TRUYỀN THỐNG
Dải đất hình chữ S chứa đựng cội nguồn của dân tộc Việt Nam với hệ thống đa dạng các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến. Hơn thế còn có 54 dân tộc cùng chung sống, tạo nên bức tranh bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó không thể thiếu kiến trúc nhà ở, kiến trúc dân gian truyền thống đã có từ lâu đời, để lại cho các thế hệ sau này những nếp nhà trở thành bản sắc đặc sắc.
Kiến trúc dân gian truyền thống gồm các loại nhà xây dựng theo phương pháp dân gian, cổ truyền của các dân tộc Việt như: Đình, chùa, đền, miếu, nhà 3-5-7gian (Bắc Bộ), nhà Rường, nhà Lá Mái (Trung Bộ), nhà Xếp Đọi, nhà Bát Dần (Nam Bộ), nhà sàn (Tây Bắc), nhà dài, nhà Rông (Tây Nguyên),… Nhiều làng, bản, công trình kiến trúc dân gian truyền thống đã trở thành di sản văn hóa, không chỉ là điểm đến tham quan, nghiên cứu kiến trúc, tìm hiểu lịch sử, văn hóa hấp dẫn, mà còn là nơi gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương và thường xuyên đón khách du lịch.
Triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, rất thuận lợi để quy hoạch kết nối không gian phù hợp, bổ sung việc trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, ẩm thực và các sản phẩm nông nghiệp… nhằm tăng cường phát triển du lịch nông thôn ngày một thêm phong phú và hấp dẫn từ tiềm năng sẵn có.
Có rất nhiều những làng di sản, bản cổ, được nhà Nước và nhân dân đầu tư để bảo tồn các loại hình kiến trúc dân gian, nhằm gìn giữ hình ảnh một làng quê truyền thống. Nhất là theo chương trình NTM nâng cao, nông thôn kiểu mẫu ở các địa phương đã biết kết hợp để phát triển du lịch nông thôn cùng với các dịch vụ, đem lại lợi ích kép cho người dân, vừa gìn giữ được bản sắc vừa có thu nhập, nâng cao đời sống của người dân ở các làng quê, có thể kể đến các điển hình về làng như:
Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội): Là một ngôi làng cổ lâu đời, trong số ít những nơi vẫn còn lưu giữ nét văn hóa Việt Nam truyền thống và những giá trị đặc trưng của một ngôi làng xưa. Vẻ đẹp kiến trúc của “làng đá tổ ong” này đã hút rất đông khách đến thăm trong nhiều năm qua. Hình ảnh Cây đa và cổng làng 300 năm, ngôi đình Mông Phụ 380 năm cùng những ngôi nhà cổ đến 400 năm in đậm nét xưa… lồng kết trong không gian thanh bình, đặc biệt hấp dẫn. Đi trên đường làng, du khách sẽ cảm nhận thấy như đang trở về dĩ vãng, vàng son một thời của một làng quê Việt. Quy hoạch xây dựng NTM đã khoanh vùng bảo tồn khu vực làng, nâng cấp bổ sung nhiều hạng mục, bãi đỗ xe khách, hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch khá chu đáo và tiện lợi, cộng đồng chung sức tham gia và được hưởng nhiều lợi ích từ du lịch.
Làng cổ Nôm (Đại Đồng, Văn Lâm, Hưng Yên): Là làng được bảo tồn nguyên vẹn trong tổng thể quy hoạch xây dựng NTM của xã Đại Đồng, một trong những ngôi làng truyền thống điển hình cho vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Nơi đây, xung quanh ao nước giữa làng có tới 11 ngôi nhà thờ tự của các dòng họ. Hệ thống các công trình giếng đá cổ, cầu đá cổ, cổng làng với “mái đình-cây đa”, đền-chùa-miếu mạo và những ngôi nhà ở dân gian truyền thống trong các ngõ xóm của làng Nôm đều toát lên tinh thần của nơi chốn. 3 nếp nhà gạch của chợ xưa là điểm dịch vụ thương mại, ẩm thực, việc kết hợp giới thiệu và bày bán các sản phẩm OCOP dễ dàng tiếp cận. Khách đến thăm tha hồ chiêm nghiệm di tích và thưởng ngoạn, cảm thụ một không gian văn hóa chồng lớp các giá trị. Người dân tự hào với những cơ ngơi cổ kính của làng mình, được hưởng lợi từ du lịch và phục vụ du lịch đã nhiều năm.
Đặc biệt Hà Giang là một trong những tỉnh được xem như điển hình về Du lịch NTM, từ chủ trương đúng đắn đó đã tạo lên phong trào xây dựng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tôn tạo được rất nhiều bản làng, mang đậm bản sắc dân tộc, vừa bảo tồn và khai thác các giá trị của người dân. Văn hóa kiến trúc của các dân tộc mang đậm bản sắc kiến trúc dân gian truyền thống như Lô Lô Chải (Lũng Cú), Thôn Tha (Phương Độ), Làng cổ Thiên Hương (Đồng Văn), Nậm Đăm (Quản Bạ), Lao Xa (Sủng Là), Du Già (Yên Minh),… đều là những điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng của Hà Giang. Các mô hình homestay và các hoạt động văn nghệ dân tộc tại nhà văn hóa của bản, các hoạt động thủ công, mỹ nghệ được tái hiện, trekking khám phá cùng những món ăn truyền thống… là những sản phẩm phát triển du lịch rất hấp dẫn thu hút khách đến nơi đây.
Nhiều điểm du lịch tiêu biểu, có giá trị mang đặc trưng vùng được xác định là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch cùng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn. Điển hình như mô hình du lịch trải nghiệm ở Làng cổ Phước Tích (Phong Điền, Huế): Trong quy hoạch xây dựng NTM, làng được nâng cấp và bổ sung nhiều hạng mục để phục vụ du lịch. Làng thuộc diện bảo tồn phục hồi nghề gốm lâu đời vốn nổi tiếng bởi độ bền và tinh xảo được làm bằng tay và đun củi gỗ. Du khách thăm nhà cổ, xem những bình gốm cổ lại thưởng thức món trà chè tàu xanh, mua hàng gốm kỉ niệm… chắc sẽ khó quên khi đến làng Phước Tích êm đềm bên dòng sông Ô Lâu 500 tuổi; Hay như Làng cổ Kim Long (Huế), ngôi làng ở bờ Bắc sông Hương thơ mộng với kiến trúc nhà Rường truyền thống đẹp đẽ, đặc trưng cho hồn Huế. Sản phẩm du lịch rất phong phú, nhiều nhà vườn Kim Long là những homestay chu đáo và hiếu khách. Ẩm thực rất phong phú và đa dạng, các loại bánh, trái cây và đặc biệt như món mứt gừng là những mặt hàng thú vị cho du khách. Đây cũng là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh định hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Mô hình này được coi là hình mẫu để các xã nông thôn khác trên địa bàn tỉnh học tập và làm theo, từ đó tạo đòn bẩy, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh theo hướng tích hợp đa giá trị.
Đối với khu vực nông thôn Miền Tây Nam Bộ, đặc thù và hấp dẫn bởi những miệt vườn ẩn hiện nếp nhà Chòi, nhà Xếp Đọi, nhà Bát Dần, nhà Trại… thoáng đãng và giàu tính bản địa, điển hình cho loại hình kiến trúc dân gian, dân dã trong các điểm dân cư nông thôn. Sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp và ẩm thực nơi đây vô cùng phong phú, thể hiện đời sống mộc mạc chân thực và tâm hồn phóng khoáng của cư dân miền sông nước.. là tiền đề để khai thác phát triển du lịch bền vững.
Nhiều điểm du lịch tiêu biểu, có giá trị mang đặc trưng vùng được xác định là nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển du lịch cùng với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú và hấp dẫn: Vườn Quốc gia Xuân Sơn là một trong ba vườn quốc gia của Việt Nam có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy thích hợp cho việc tắm, ngâm phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh; đồi chè Long Cốc; đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, Ao Giời – Suối Tiên, Đình cổ Hùng Lô. Điển hình là mô hình du lịch trải nghiệm ở đình Hùng Lô (xã Hùng Lô) là sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh Phú Thọ định hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Mô hình này được coi là hình mẫu để các xã nông thôn khác trên địa bàn tỉnh học tập và làm theo, từ đó tạo đòn bẩy, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn tỉnh theo hướng tích hợp đa giá trị. Thông qua Chương trình xây dựng NTM, nhiều công trình hạ tầng trong xã được đầu tư nâng cấp, xây mới khang trang, tiện nghi. Những ngôi nhà cổ được gìn giữ sạch đẹp từ nhà đến ngõ.
Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc cổ, được xếp hạng di tích và có một khuôn viên riêng. Những công trình nổi tiếng như đình Tây Đằng, Đình Bảng, Chu Quyến, Túy Loan, những ngôi chùa như Tây Phương, Chùa Thầy, Chùa Bà Đen, Vĩnh Nghiêm, hoặc Nhà Rông Ba Na… là những tác phẩm kiến trúc và điêu khắc đặc sắc, lồng kết rất nhiều giá trị văn hóa dân gian, truyền thống, biểu trưng cho nhu cầu sinh hoạt, niềm khát vọng hướng đến cuộc sống tinh thần của mỗi cộng đồng dân cư. Du lịch tham quan di tích, lễ hội, chiêm bái… đến với công trình kiến trúc dân gian truyền thống đã từng diễn ra, và ở đây các sản phẩm truyền thống của địa phương như các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các món ẩm thực truyền thống đã từng phục vụ du khách. Đến nay, những sản phẩm nông nghiệp gia tăng sẽ được kết hợp thể hiện hợp lý trong quy hoạch phát triển du lịch cùng với công trình kiến trúc dân gian truyền thống.
GIẢI PHÁP PHÁT HUY GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC DÂN GIAN TRUYỀN THỐNG, PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN
Qua một vài tiếp cận cụ thể trên, kiến trúc dân gian truyền thống thể hiện một tiềm năng vốn có để tham gia vào phát triển bền vững du lịch nông thôn. Trên cơ sở đó, nông thôn nhiều nơi vẫn đang còn nhiều ngôi làng xưa cũ bị bỏ ngỏ xuống cấp, không ít những công trình kiến trúc dân gian truyền thống rất đặc biệt nhưng chưa được nghiên cứu bảo tồn và tôn tạo để góp phần phát triển du lịch nông thôn từ vốn tự có. Ví dụ như: bản của người Hà Nhì ở Y Tý (Lào Cai) có khoảng chục ngôi nhà đất trình tường cổ truyền, kiến trúc rất độc đáo; bản Khiếng (Lạng Sơn) còn gần 20 ngôi nhà đất trình tường 2 tầng, kiến trúc rất đặc sắc; hoặc ở bản Phùng (Hà Giang) có khoảng hơn 30 nếp nhà đặc thù của người La Chí… đang rất cần sự quan tâm của nhà nước và cộng đồng để kịp thời bảo tồn và phát huy giá trị làm du lịch, quảng bá hình ảnh.
Thời gian tới cần có định hướng quy hoạch để các địa phương bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.
Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền.
Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch.
Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn…).
Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh…) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương trong việc tư vấn, thiết kế sản phẩm du lịch; xúc tiến, quảng bá, kết nối với các điểm đến khác; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chính là những người nông dân, vì thế, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và phát huy các tiềm năng, thế mạnh về kiến trúc dân gian truyền thống về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cũng như gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.
Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các bên liên quan để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản cũng như phát triển sản xuất, đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Kiến trúc dân gian truyền thống với những công trình đặc thù và dân dã thời phong kiến đã trở thành dấu ấn không phai mờ của quá khứ trong đời sống hiện tại và trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Là bản đúc kết về khả năng sinh tồn cùng thiên nhiên, thích nghi với hoàn cảnh và điều kiện sống của một thời đặc biệt khó khăn nhiều mặt. Dù ở thời điểm nào, quỹ kiến trúc dân gian truyền thống đang sẵn có trong các vùng nông thôn là một tài nguyên quý báu để phát triển du lịch trong xây dựng NTM ngày nay./.
KTS Doãn Đức