7 kiến nghị thúc đẩy sự phát triển các nhà thầu xây dựng Việt Nam
Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV giai đoạn 2016 – 2020 của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) do ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC dẫn đầu vừa có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, lãnh đạo VACC cam kết cần phát huy vai trò của mình là mái nhà chung thực sự của các nhà thầu xây dựng Việt Nam, tăng cường mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà thầu trong nước với nhau để tạo dựng một cộng đồng nhà thầu đoàn kết, vững mạnh.
Cần cơ chế tạo điều kiện cho VACC hoạt động đúng chức năng
Thay mặt Hiệp hội, ông Nguyễn Quốc Hiệp đã báo cáo với Phó Thủ tướng về kết quả của Đại hội nhiệm kỳ IV giai đoạn 2016 – 2020 và nêu lên một số khuyến nghị của Hiệp hội với tư cách là đại diện cho các thành viên là nhà thầu xây dựng Việt Nam đang hoạt động trên khắp cả nước.
Trong đó có một số vấn đề nổi cộm mà nhà thầu xây dựng Việt Nam mong muốn Chính phủ nghiên cứu và có ý kiến chỉ đạo để có thể tháo gỡ các rào cản về thể chế, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho thị trường xây dựng trong nước.
Trước tiên phải nói đến nhu cầu cấp bách của công tác đánh giá phân hạng nhà thầu và cấp chứng chỉ hành nghề. Hiện tại thẩm quyền sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đều do các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng các địa phương, hoặc tổ chức xã hội – nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ đảm trách (Khoản 2, Điều 81, Luật Đấu thầu số 43; Khoản 5, Điều 129, Nghị định số 63 và Khoản 3, Điều 149, Luật Xây dựng).
Trên thực tế, ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… và ngay cả Trung Quốc là nước trước đây có cơ chế tương đồng với Việt Nam, những công việc trên đều do các tổ chức xã hội – nghề nghiệp thực hiện. Nhà nước đặt hàng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ này để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Hiệp hội kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi các quy định trong Luật Đấu thầu số 43 và Luật Xây dựng để từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế; phát huy vai trò của các hội nghề nghiệp, cơ quan thể hiện tiếng nói và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp.
“Đã đến lúc cần một bộ dữ liệu đánh giá xếp hạng nhà thầu làm cơ sở pháp lý phân biệt được năng lực nhà thầu ngay từ đầu để không bị tình trạng nhà thầu lớn cạnh tranh chung với nhà thầu nhỏ trong một công trình” – ông Hiệp nhấn mạnh.
Nội dung thứ hai mà Hiệp hội rất mong muốn có sự đổi mới và cải cách là vấn đề thông tin trong việc giám sát năng lực nhà thầu trong hoạt động xây dựng. VACC mong muốn Chính phủ xem xét sửa đổi một số quy định tại các văn bản pháp luật theo hướng giao việc thông tin đánh giá, xếp hạng trong hoạt động xây dựng cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp để công tác này đi vào thực chất, có hiệu quả và phù hợp với cơ chế thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào kinh tế khu vực và toàn cầu.
Nhà thầu nội trước nguy cơ bị tụt hậu
Thứ ba là nội dung liên quan đến hình thức hợp đồng tổng thầu EPC. Hiện nay có tình trạng nhà thầu “bán cái” gói thầu nên cần có quy định về việc tổng thầu phải thực hiện được 70% khối lượng gói thầu mới được coi là không “bán thầu”.
Về việc áp dụng hình thức nhà thầu quản lý ở Việt Nam, VACC kiến nghị công nhận khái niệm “Nhà thầu quản lý” vì thực tế có nhà thầu họ không làm phần trăm công việc nào mà họ chỉ quản lý vận hành gói thầu. Họ sẽ đứng ra thu xếp tài chính, huy động nguồn vốn, quản lý chung điều phối hoạt động giữa các nhà thầu và giám sát tiến độ chất lượng dự án.
Đây là hình thức mới cần được công nhận tại nước ta. Với hình thức hợp đồng TPP, nhà thầu Việt đi làm công trình ở nước khác không cần mang công nhân máy móc của mình đi thì cũng cần cơ chế khác.
Bên cạnh đó, hình thức gói thầu EPC, theo lãnh đạo VACC cần có giới hạn cái nào cần, cái nào không cần thiết. Có những gói thầu bị ràng buộc bởi các điều kiện của nhà tài trợ nhưng cần xem xét lại với các dự án vốn ngân sách nhà nước nên ưu tiên cho nhà thầu nội.
Nếu không nhìn nhận lại, nhà thầu nội sẽ có nguy cơ bị tụt hậu bởi trình độ thi công của nhà thầu Việt hiện nay đã bắt kịp trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Ngoài ra, VACC cũng kiến nghị giải quyết vấn đề nợ đọng trong xây dựng cơ bản, vấn đề tiền lương lao động trong xây dựng, vấn đề đơn giá nhân công đang là thách thức lớn đối với cộng đồng nhà thầu Việt. Cuối cùng, VACC đề cập đến nguy cơ “mất sân nhà” trong công tác đào tạo công nhân ngành xây dựng theo tiêu chí Asean thời kỳ hội nhập.
Trao cho Hiệp hội chức năng mới theo thông lệ quốc tế
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng chúc mừng Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội IV và bầu ra Ban Chấp hành mới với thành viên là các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của Việt Nam.
Phó Thủ tướng hoan nghênh các ý kiến nói thẳng, nói thật và cho rằng định hướng đổi mới của VACC rất phù hợp với tình hình hội nhập ngày càng sâu của Việt Nam vào thị trường thế giới, sẽ tạo đà thúc đẩy ngành xây dựng phát triển, tạo công ăn việc làm tốt hơn cho các nhà thầu xây dựng trong nước.
Ủng hộ các kiến nghị đề xuất của VACC, Phó Thủ tướng cho rằng Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cần phát huy vài trò của mình là mái nhà chung thực sự của các nhà thầu xây dựng Việt Nam, tăng cường mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà thầu với nhau; nhà thầu mạnh hỗ trợ các nhà thầu nhỏ hơn để tạo một sức mạnh tổng hợp; tránh tình trạng mạnh ai người ấy làm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào thị trường quốc tế và khu vực, thị trường rộng mở cho các quốc gia thành viên, vai trò của các hiệp hội nói chung, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nói riêng ngày càng lớn, có thể đóng vai trò là cơ chế giám sát thực hiện các chính sách quốc gia.
Hiệp hội phải thực sự là cầu nối giúp các nhà thầu trong nước ngày càng mạnh hơn về năng lực quản trị, liên kết, năng lực kỹ thuật của đội ngũ kỹ sư và quản lý công trình.
Đồng thời, Hiệp hội cũng cần tập trung và tìm giải pháp khắc phục một số trở ngại làm ảnh hưởng đến uy tín của chính các nhà thầu xây dựng, trong đó có vấn đề về năng lực thực hiện, trình độ chuyên môn kỹ thuật và thái độ làm việc của một bộ phận kỹ sư và công nhân xây dựng; sự liên kết của các nhà thầu Việt Nam có thể giúp gia tăng nguồn lực tài chính cho nhau trong các hợp đồng lớn.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội có văn bản chính thức để Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có liên quan xem xét các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội.
Ninh Nhi/ Báo Xây dựng