18/11/2023

Quận Hoàn Kiếm giá trị cốt lõi của lịch sử thủ đô Hà Nội

BẮT ĐẦU TỪ HỒ HOÀN KIẾM…

Năm 1888, lịch sử ghi nhận Hoàng đế bù nhìn Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng đất để thực dân Pháp lập TP Hà Nội cùng lúc với Hải Phòng và Đà Nẵng (Tourane). Nhưng từ trước đó, chính quyền thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị dưới danh nghĩa là “bảo hộ” trên cả Bắc và Trung kỳ mà người đứng đầu là Tổng trú sứ Paul Bert (1833-1886).

Bản đồ Hà Nội 1874 trước khi Pháp quy hoạch và thành lập TP

Bản vẽ quy hoạch chính trong khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm 1884

Từ năm 1874, trên giấy tờ, người Pháp chỉ được đóng quân và tổ chức việc cai trị trong khu đất nhượng địa nhỏ hẹp chạy dài dọc sông Hồng ở khu vực vốn có cái đồn binh của triều đình kiểm soát sông Hồng nên được gọi là Khu Đồn Thủy. Nhưng ngay từ năm 1888, sau nhiều lần đòi mở rộng đất nhượng địa, thực dân Pháp đã khởi công một con đường nối từ Đồn Thủy bên bờ sông Hồng qua Cửa Ô Tây Long (mà sau này họ còn gọi là Porte de France) vào khu phố của những người thợ Khảm (Rue des Icrusteurs) để khởi đầu việc thiết lập một thành phố trong tương lai theo ý đồ của những kẻ chiếm đóng.

Và cái lõi của đô thị ấy đã được xác định xoay quanh một mặt nước tồn tại giữa lòng của Thăng Long xưa, sát phía Nam khu dân cư bản địa. Cái hồ này có diện tích nhỏ nên người Pháp đặt tên là “Le Petit Lac” (hồ nhỏ) nhằm so với một cái hồ lớn hơn nhiều nằm ở phía Tây Bắc thành Hà Nội được gọi là “Le Grand Lac” (hồ lớn). Đối với người dân bản địa thì hồ lớn chính là Hồ Tây còn hồ nhỏ chính là Hồ Hoàn Kiếm.

Hồ Hoàn Kiếm lúc này quy mô chỉ còn bằng một nửa hồ – vốn mang tên Lục Thủy vào thời xảy ra sự kiện ở thế kỷ XV đầy tính huyền thoại mà sau đó nó được mang tên. Truyền thuyết kể, sau khi Hoàng đế Lê Thái Tổ đánh thắng giặc Minh, khôi phục tên gọi Thăng Long, trung hưng lại đất nước Đại Việt dưới triều Lê, một lần đi thuyền dạo trên mặt hồ, Ngài thấy Kim Quy nổi lên và nhớ đến cây gươm Thần ban để khởi binh đánh giặc nên Ngài đã hoàn lại gươm báu cho Rùa Thần, thể hiện rõ lòng mong muốn đất nước thái Bình và tinh thần nhân hòa của dân tộc, điều mà sau này TP Hà Nội luôn tự hào khi được gắn với danh vị “Thành phố Hòa bình” mà thế giới đã công nhận.

Được mang tên thiêng lại nằm kề kinh thành, bờ Tây của hồ từng là nơi các Chúa Trịnh đầy quyền lực xây Phủ Chúa nên Hồ Hoàn Kiếm trở thành thắng cảnh của chốn Kinh Kỳ. Nhưng khi người Pháp chiếm được thành Hà Nội lần thứ 2 (1883) rồi ép Triều đình từng bước đầu hàng thì cảnh quan quanh Hồ và cả Hà Nội chỉ còn là một đô thị tàn tạ sau 8 thập kỷ kinh đô đã chuyển sâu vào Huế.

Tài liệu lưu trữ còn giữ được một dự án người Pháp lập từ năm 1884 (tức là thời điểm Triều đình Huế vừa ký hiệp ước xác lập quyền bảo hộ của nước Pháp trên toàn cõi Trung và Bắc Kỳ) và 4 năm trước khi được triều đình giao đất làm nhượng địa, vùng đất quanh Hồ Gươm đã được chọn làm tâm điểm của thành phố mà Pháp sẽ xây vừa làm thủ phủ của toàn xứ Bắc Kỳ vừa là trụ sở của Thành phố Hà Nội. Đến nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I vẫn còn lưu được tấm bản đồ thiết kế công trình được Phó công sứ Hà Nội gửi cho Tổng trú sứ Paul Bert xác định đó là một con đường bao quanh (piste) Le Petit Lac và sẽ là “phố đi bộ” cho thành phố tương lai. Việc san đất đã được khởi công từ ngày 15/4/1885.

Quy hoạch không gian khu vực Nhà Hát Thành phố và các tuyến phố sang trọng nhất của Hà Nội qua không ảnh

Ngày 19/7/1888 Quyền Toàn quyền Richaud đã ký nghị định thành lập Thành phố Hà Nội (có tài liệu nói về một sắc lệnh của Tổng thống Pháp về vấn đề này, nhưng chúng tôi chưa tiếp cận được) về cơ cấu tổ chức quản lý, nhưng phải đến ngày 01/10/1888, Đồng Khánh mới ban đạo dụ liên quan đến việc cấp đất cho Pháp làm nhượng địa trên nhiều địa bàn, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng (Tourane). Kể từ thời điểm đó, Thành phố Hà Nội mới chính thức thành lập và từ cái lõi lấy Hồ Hoàn Kiếm làm trung tâm, một đô thị thuộc địa bắt đầu hình thành theo một lộ trình và một quy hoạch rất bài bản.

Trước hết, người Pháp ưu tiên tạo một con đường bao bọc xung quanh hồ với chiều rộng 20m, đồng thời cải tạo san lấp vành đai quanh hồ thành một công viên cây xanh và bảo vệ các công trình tín ngưỡng vốn có của người bản xứ (gồm cụm di tích Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút). Con đường này đến năm 1891 mới khởi công được vì vấn đề giải tỏa gặp khó, đến năm1893 mới hoàn thành. Ban đầu, nó có tên chung là Đại lộ quanh Hồ (Boulevard Autour du Lac) về sau tách bên phía Đông mang tên Francis Garnier (sĩ quan Pháp chỉ huy đánh chiếm Hà Nội), phía Tây là tên các chính khách Pháp: Beauchamps và một phần là Jules Ferry (Hàng Trống nối dài).

Bên bờ Đông Hồ Hoàn Kiếm cũng là nơi đặt nhà máy phát điện đầu tiên của thành phố (thứ hai sau Hải Phòng) là nguồn cấp điện cho toàn bộ các tuyến xe điện từ Bến trung tâm là Bờ Hồ tỏa ra các cửa ô của Thăng Long xưa và một phần để thắp sáng một số điểm công cộng. Phía bờ Tây của hồ, người Pháp xây Nhà Thờ Lớn (1886) trên nền của tháp và Chùa Báo Thiên nổi tiếng của Thăng Long xưa đã thành phế tích. Tòa Giám mục Thiên Chúa giáo cũng được đặt tại đây. Và cùng phát triển về hướng đó là Chùa Quán Sứ, Trung tâm Phật giáo toàn Bắc Kỳ.

Không gian phía Đông của hồ kéo dài ra tới bờ sông Hồng được san lấp để xây các thiết chế của bộ máy cai trị ở Bắc Kỳ gồm Dinh Thống sứ, Bưu điện, Kho bạc… sau này có cả Ngân hàng Đông Dương (1931) và của Thành phố là Tòa Đốc lý… Ưu tiên cho khu làm việc của người Âu, Pháp phá bỏ một trong những ngôi chùa lớn nhất xây bên hồ (Chùa Liên Trì còn có tên là Khổ Hình hay Quan Thượng…), nay chỉ còn lưu lại Tháp Hòa Phong. Cũng tại khu vực này một công viên đô thị đầu tiên được thiết lập có cả tượng đài và quán hòa nhạc nhằm tôn vinh Paul Bert được coi như người khởi công cho công cuộc xây dựng thành phố (nay chính là nơi đặt tượng Đức Lý Thái Tổ trên công viên cùng tên)…

Từ Đồn Thủy, Phố Nhượng địa (Rue des Concesions, nay là Phạm Ngũ Lão) nối liền một con đường vốn của phường thợ khảm (Rue des Inscruteurs) chiếu thẳng ra bờ Nam của Hồ Hoàn Kiếm, người Pháp xây con đường thương mại lớn và sang trọng nhất thành phố (mang tên Paul Bert). Chính tại đây nhiều cửa hiệu lớn, các sinh hoạt dịch vụ và thương mại theo kiểu Tây phương như quán cà phê, cửa hàng sách báo, quán ăn và nhất là các khách sạn, kề đó có Khách sạn Métropole nổi tiếng cho tới ngày nay và cả rạp chiếu bóng đúng quy chuẩn đầu tiên là “Palace” (nay là Rạp hát Công Nhân)… Con đường này tiếp tục kéo dài và thẳng qua Cửa Nam của thành cổ (lúc này cũng đang tiến hành phá bỏ) để nối dài tới khu vực phía Tây, nơi được quy hoạch xây dựng các cơ quan đầu não của toàn Đông Dương kề bên Vườn Bách thảo hình thành từ rất sớm theo tập quán quy hoạch ở các nước châu Âu. Tại địa điểm từng là nơi dựng Đình Quảng Văn – nơi niêm yết các thông tin của triều đình, nay là ngã 6 Cửa Nam, một công viên nhỏ, một đảo giao thông dựng bức tượng Nữ Thần Tự do nhưng sang ta đổi tên là Bà Công Lý (La Justice).

Văn bản về chủ trương lập phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm

Trên trục đường này, ngoài Nhà Hát Lớn (1911), một kiệt tác về kiến trúc thuộc địa còn có Tòa Bảo tàng (1936), một kiệt tác kiến trúc kết hợp Á-Âu thời thuộc địa cũng như cơ quan khoa học chủ quản của nó là Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO tại phố Lý Thường Kiệt 1900), cùng cơ quan Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (phố Tràng Thi, 1917). Cũng trên những tuyến phố này, có 2 bệnh viện quan trọng, một dành cho người bản xứ được đặt tên là “Nhà thương Bảo hộ” (Phủ Doãn nay là Việt – Đức) và muộn hơn là một Trung tâm y tế và khoa học có tầm khu vực châu Á là Viện Radium (nay chuyên trị ung bướu)…

Song song với con đường này, ở phía Nam Hồ Hoàn Kiếm người Pháp quy hoạch 3 trục đường (nay là Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo) và được đẩy ra đến sát bờ Bắc Hồ Thiền Quang. Đông thời, thành phố mở những tuyến đường vuông góc thành hình thế “bàn cờ”, để làm không gian cho nhiều thiết chế quan trọng như Trường Thuốc (Đại học Y Dương), rồi Đại học Đông Dương (Phố Lê Thánh Tông); chuỗi các trường trung học như Trường Paul Bert (sau là trường Đồng Khánh rồi trường Trưng Vương, phố Hàng Bài), Trường Dòng Puginier (nay là trường Việt Đức, phố Lý Thường Kiệt), Trường Sainte Marie (nay là Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba, đường Hai Bà Trưng), Petit Lycée (nay là trường Trần Phú), Trường Dạy nghề (phố Quang Trung) và Trường Mỹ thuật Đông Dương (phố Yết Kiêu). Đặc biệt còn phải kể đến các thiết chế cai trị như Trại Lính khố xanh (sau là Bảo an binh), Tòa Án (Tòa thượng thẩm), trại giam (Hỏa Lò-Maison centrale), các cơ quan của sở Liêm phóng và cảnh sát, Nhà ga trung tâm (Hàng Cỏ) gắn liền với Khu Đấu xảo rất hoành tráng (nay là Cung Lao Động), nhằm quảng bá tiềm lực kinh tế không chỉ riêng Hà Nội, khởi đầu bằng cuộc Đấu xảo Quốc tế 1902 và duy trì các hoạt động hội chợ cho đến đầu những năm 40 của thế kỷ trước.

Một trục đường chạy dọc bờ sông lúc đó là “mặt tiền” sinh thái, đồng thời cũng là đầu mối giao thông huyết mạch nhất (đường thủy) của Hà Nội với các bến tàu thuyền san sát từ Vĩnh Tuy cho đến Bến Bồ Đề xưa (đầu dốc Hàng Than) là cửa ngõ thông thương quan trọng nhất một thời. Trước năm 1926, chưa có đê bao nên tuyến này nhìn thẳng ra dòng Sông Hồng và được coi là khu tấp nập nhất nên mang tên gọi là Quai de Commerce (kè Thương mại) tiếp cận vào cổng sau Chợ “đầu mối” lớn nhất khi đó là Chợ Đồng Xuân. Con đường ấy còn được nối dài lên phía Bắc cho tới ngã rẽ vào con đường độc đạo ngăn đôi Hồ Tây với Hồ Trúc Bạch để đi thẳng vào khu phía Tây kinh thành nơi đặt trụ sở của Toàn quyền Đông Dương.

Từ Hàng Đậu được thiết kế là đầu phía Nam của Cầu Doumer (nay là Cầu Long Biên) có trục đường chạy thẳng đến khu thành Hà Nội xưa, tuy đã bị phá nhưng vẫn kín cổng làm tổng hành dinh của đạo quân chiếm đóng. Và Tháp nước đồ sộ được xây tại đây không chỉ có chức năng trong hệ thống cấp nước quan trọng nhất cho dân Hà Nội mà còn là chỉ dấu để phân định với một khu vực rất đặc thù. Đó là Khu dân cư cổ, phần “thị” của kinh thành xưa nơi vừa đông dân sống vừa bán mua tấp nập nhất, xứng danh với tên gọi Nôm của Thăng Long – Hà Nội là “Kẻ Chợ”.

“Kẻ Chợ” là cách định danh để nhấn mạnh đến phần “thị” của Kinh thành Thăng Long xưa, nơi dân chúng sinh sống, buôn bán và một phần để phục dịch cho những nhu cầu của phần “thành” – nơi cơ quan đầu não của nhà nước làm việc, trong đó có cả “cấm thành” của người đứng đầu quốc gia và hoàng tộc.

Khi người Pháp chiếm đóng và cai trị thì đã hơn 80 năm (từ 1804 -1945) Hà Nội không còn là kinh đô, rồi không còn là Bắc thành mà chỉ còn là tỉnh thành Hà Nội. Dân cư vẫn duy trì những sinh hoạt của một cái chợ lớn nhất trên toàn cõi Bắc kỳ, nhưng hạ tầng và kiến trúc đã lỗi thời và xuống cấp nghiêm trọng. Nếu như việc phá thành Hà Nội (1894) đã bị một số chính khách Pháp đánh giá là sai lầm thì khi được chuyển giao khu vực đông dân nhất và cũng đậm đặc nhất những di sản văn hóa bản địa thì những nhà cai trị Pháp đã có những quyết định khôn ngoan và được đánh giá thực sự có công trong việc bảo tồn một di sản mà ngày nay chúng ta định danh là “Khu phố Cổ”.

Với một bộ máy quản lý đô thị tựa như ở chính quốc, những quyết định của chính quyền thuộc địa trong việc bảo tồn và phát triển khu dân cư bản địa đã được thực hiện rất bài bản. Trước hết là hạn chế và đi đến việc cấm làm nhà bằng tre nứa lá, những chất liệu dễ gây cháy. Tiếp đó là giữ gần như nguyên vẹn không gian sinh sống vốn có mang đậm tính chất “phường hội” gắn với các tín ngưỡng liên quan đến các vùng quê (làng nghề), yếu tố thu hút nguồn lực từ các địa phương tụ hội. Đồng thời, ban hành những quy định từng bước về quy tắc xây cất nhà cửa, phòng cháy, an ninh… Nhưng quan trọng hơn hết là thực hiện các dự án xây dựng hệ thống hạ tầng như đường xá, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước và chiếu sáng. Những gì mà người Pháp đã “cấy” vào hạ tầng Khu Phố Cổ trải qua thời gian cả trăm năm, đến nay vẫn chứng minh tính hiệu quả của nó cho dù áp lực về dân số và kiến trúc là không nhỏ.

Việc bố trí dân cư, phân tuyến giao thông và nhất là việc đặt tên đường phố tôn trọng các giá trị tinh thần về nghề nghiệp, tập quán và tín ngưỡng cổ truyền cũng như sự phục hồi nền kinh tế hàng hóa đã làm sống lại những giá trị truyền thống và phong phú những yếu tố của thời đại mới. Việc hoàn thành cây cầu thép hoành tráng và duy nhất nối hai bờ sông Hồng cũng như việc thiết lập các tuyến đường bộ rất mới mẻ cùng việc khai thác các tuyến đường sông, với các phương tiện thủy chạy bằng hơi nước, các loại xe kéo cho đến xe hơi… Đặc biệt là với việc thiết lập sớm và tương đối hoàn chỉnh các tuyến xe điện lấy Bờ Hồ Hoàn Kiếm làm đầu mối trung tâm tỏa ra các vùng ngoại ô và đi qua tất cả các chợ chính của Hà Nội, đặc biệt là Chợ Đồng Xuân đã làm tăng thêm sức sống của một đô thị thương mại.

Dân cư vùng lõi Hà Nội ngày càng tăng, nhất là sau khi Cầu Doumer đi vào hoạt động (1902) đặt ra việc mở rộng không gian đô thị. Bên cạnh Khu Phố Tây nằm sát với trung tâm hành chính Đông Dương lấy Phủ Toàn quyền làm hạt nhân (nay thuộc Quận Ba Đình) thì các khu phía Nam Hồ Hoàn Kiếm được phát triển với kiến trúc dân sự hiện đại theo phong cách châu Âu xen kẽ các cơ quan của nhà nước tạo ra diện mạo của những “phố mới” không sang trọng kiểu cách như “Khu phố Tây” gần Phủ Toàn quyền nhưng mang lại sự mới mẻ, tiện nghi sang trọng và hiện đại, trong đó có nhiều người bản địa thuộc tầng lớp trên sinh sống.

Như vậy, sự hình thành của thành phố Hà Nội bắt đầu từ thời điểm những năm 80 của thế kỷ XIX cho đến lúc chế độ thực dân chấm dứt (1945-1954) và lộ trình của nó đã diễn ra trên không gian chủ yếu của hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm hiện tại. Với Quận Ba Đình lấy hạt nhân là giải tỏa khu hoàng thành mở rộng lên phía Bắc và quành ra sát Hổ Tây, chủ yếu là Khu phố Tây, công sở thuộc địa và doanh trại quân đội hoàn toàn được xây mới. Còn Quận Hoàn Kiếm thì gồm hai phần: Khu phố Cổ được bảo toàn và quy hoạch lại về hạ tầng, còn những khu vực mới xây lấy tâm điểm là Hồ Hoàn Kiếm mở ra phía Tây tới tuyến đường sắt dọc Hàng Cỏ bao lấy khu tường thành phía Đông mới phá (nay là Phố Đường Thành) kéo dài tới điểm mốc là Tháp nước Hàng Đậu rồi nối dài ra Sông Hồng sát cầu Long Biên rồi dọc sông khép lại ở đầu đường Trần Hưng Đạo giáp tới Vĩnh Tuy…

Đường Henri Rivière nay là Ngô Quyền với khách sạn Métropole sang trọng nhất và con đường ngang qua Dinh Thống sứ đang được rải nhựa

…NAY MANG GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA LỊCH SỬ THỦ ĐÔ

Chỉ cần mô tả quá trình kéo dài chừng hơn nửa thế kỷ, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng thành phố Hà Nội (chính thức từ 1888 đến 1945), chúng ta đủ thấy không gian của Quận Hoàn Kiếm ngày nay cũng chính là cái lõi của thành phố Hà Nội kế thừa trực tiếp từ Thành phố Thuộc địa mà người Pháp quy hoạch.

Hơn nửa thế kỷ ấy rất ngắn so với một chiều dài 8 thế kỷ của Thăng Long từ khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư (1010) trên không gian phần “thị” tương đương với đơn vị hành chính mang tên Quận Hoàn Kiếm hiện tại. Quận Hoàn Kiếm hiện tại chính thức thành lập (1981) trên hạt nhân của Khu Hoàn Kiếm (1961) mở rộng sang các khu phố xung quanh thì mới thành lập cách đây có 3 thập kỷ. Nói cách khác địa danh Hoàn Kiếm được đặt tên cho một đơn vị hành chính đầu tiên của Thủ đô Hà Nội đến nay đã vượt một hoa hội (60 năm). Còn Quận Hoàn Kiếm hiện tại trùng khớp với cái không gian mà người Pháp thực hiện quá trình xây dựng Thành phố Hà Nội như chúng tôi trình bày ở trên, chính là phần “thị” vốn là Huyện Thọ Xương của Thăng Long xưa…

Kiệt tác kiến trúc Bảo tàng thưở đất đai còn mênh mông phía trước Cửa ô Tây Long

Và điều đáng nói hơn là toàn bộ cái di sản hạ tầng mà người Pháp đã “nâng cấp” khu dân cư của người bản địa (Khu phố Cổ) và quy hoạch cũng như xây mới phần còn lại ở phía Đông, phía Tây và phía Nam Hồ Hoàn Kiếm về căn bản vẫn được bảo tồn và sử dụng gần như nguyên vẹn, kể cả công năng lẫn kiến trúc. Từ các công trình thiết chế chính trị, văn hóa, giáo dục đến hệ thống giao thông nội đô, trừ hệ thống đường xe điện chấm dứt vào thập kỷ 80 sau hơn nửa thế kỷ phát huy rất hiệu quả.
Ngoài hai trung tâm tôn giáo là Nhà Thờ Lớn và Chùa Quán sứ thì những công trình tôn giáo tín ngưỡng của người Việt Nam cũng như của người Hoa như các Hội quán ở Hàng Buồm và Phúc Kiến (nay là Lãn Ông) và của cả Ấn kiều (phố Hàng Lược) cũng có mặt khá dày đặc tại đây. Hai khu thương mại quan trọng nhất cũng trên địa bàn này với các cửa hàng ở Tràng Tiền, trong đó lớn nhất là Nhà Godart (nay là Plazza) và Chợ Đồng Xuân nối dài ra các hàng phố xung quanh.

Các rạp chiếu bóng, nhà hát từ thời sớm nhất ở phố Takou (Hàng Gà), đến những nơi tổ chức chiếu bóng sớm nhất là Khách sạn Métropole, rạp chiếu bóng Variété (sau là Pathé) ở cạnh Đền bà Kiệu và sau này mở ra nhiều rạp khác tập trung đông nhất tại khu vực nay là Quận Hoàn Kiếm: Majestic và Ciros (phố Hàng Bài), Long Biên (Hàng Chiếu), Bắc Đô (Hàng Giấy), Đại Đồng (Hàng Cót), Olympia (Hàng Da), Thái Bình Dương (Lương Văn Can), Lửa Hồng (Hàng Trống), Kim Môn (Hàng Buồm), Philarmonique (Bờ Hồ) cũng là tên của Hội Khuyến Nhạc đầu tiên (Société Philarmonique), các rạp tuồng, cải lương tập trung ở Hàng Bạc, Tạ Hiện, Đào Duy Từ…

Điều đáng nói là, tất cả các thiết chế ấy, cho đến khi ta tiếp quản (1954) về căn bản vẫn còn nguyên vẹn, tiếp tục hoạt động cho đến những năm gần đây mới có những chuyển đổi theo thời cuộc (ví dụ chỉ có thể đếm trên tay: Nhà Đấu xảo bị máy bay Đồng Minh ném bom phá hủy 1954, một số rạp chiếu bóng, rạp hát phải chuyển đổi chức năng)… Các trường học và bệnh viện gần như vẫn hoạt động và mở rộng quy mô và chỉ thay đổi tên gọi. Trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm gần như về quy hoạch không gian không mấy thay đổi trừ chiều cao các công trình và khu vực ngoài bãi Phúc Tân mọc lên một đô thị tự phát mà thành phố hiện tại đang cố gắng tìm giải pháp chấn chỉnh lại… Biểu trưng tập trung nhất là Cầu Long Biên, đến nay đã ngoài 120 năm tuổi, gối lên thời gian của 3 thế kỷ vẫn hoạt động mặc dầu trên mình đầy những dấu tích của sự già nua bởi thời gian và những vết thương của chiến tranh nhưng đang nằm trong tầm chuyển đổi thành cây Cầu Di sản…

Tòa thị chính và hạ tầng đô thị

Từ ngàn năm trước, khi Đức Lý Công Uẩn chọn đất định đô theo Sông Hồng đến đoạn cong uốn hình cái tai nên được gọi là “Nhĩ Hà”, nơi ngã ba qua Giang Khẩu (cửa sông) bắt đầu đoạn sông Tô Lịch hiện ra không gian mà người phát kiến chọn làm “chốn kinh sư muôn đời” để rồi không bao lâu phố phường mọc lên, dân cư hội tập, dựng chợ xây đình… thành nơi đô hội, đấy chính là phần thị của Thăng Long.

Ngược thời gian, trước khi đất nước dành được tự chủ, giặc phương Bắc từng chọn chốn này làm trụ sở cai trị (Long Đỗ, Đại la) thì nơi đây Lý Nam Đế đã làm bè gỗ trên Sông Tô Lịch dựng thành chống giặc (Tiền Lý, năm 545) rồi tồn tại lâu dài từ lúc lập Kinh đô Thăng Long, xây nền Văn hiến. Đến thời Minh Mạng, khi chỉ còn là tỉnh thành Hà Nội, tên gọi Huyện Thọ Xương được định danh ôm trọn vẹn không gian của Quận Hoàn Kiếm ngày nay.

Ngay trong thời lịch sử cận đại, ngay bên bờ Hồ Gươm, từng được thực dân dùng làm pháp trường chém các nhà yêu nước trước thi xây làm công viên trung tâm thành phố, phong trào yêu nước được coi là đặc trưng nhất của Thủ đô trong thời kỳ này là Trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội Tri Tri ở Hàng Đào và Hàng Quạt. Hội Khai Trí Tiến Đức bên Hồ Gươm tuy do thực dân lập ra nhưng tinh thần dân tộc của giới trí thức cũng dựng nên tượng Vua Lê, diễn thuyết dựng bia kỷ niệm Nguyễn Du và Truyện Kiều, cuốn “Từ điển tiếng Việt”cũng được soạn tại đây. Cao trào thời kỳ Mặt trận Bình Dân cũng diễn ra mít tinh trên Quảng trường Đấu Xảo (Trần Hưng Đạo). Đến thời kỳ Cách mạng tháng Tám và thời đoạn đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập, các cơ quan đầu não, các hoạt động sôi nổi nhất đều diễn ra quanh Hồ Hoàn Kiếm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình nhưng văn kiện lịch sử ấy được soạn thảo tại Hàng Đào. Quốc hội họp, Chính phủ ra mắt chính tại nơi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 bùng nổ tại trong và ngoài Nhà Hát Lớn; Bắc Bộ Phủ lại trở thành Phủ Chủ Tịch…

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, mặt trận Đông Thành (Khu phố Cổ) là nơi diễn ra những chiến trận ác liệt nhất trong 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” ngay tại Chợ Đồng Xuân; thời điểm thiêng liêng kết thúc sự chiếm đóng của quân xâm lược Pháp là lúc những đoàn quân viễn chinh cuối cùng rút qua Cầu Long Biên (10/1954)…Và cũng cây cầu này cùng với Ga Hàng Cỏ bị bom Mỹ phá hủy là chứng tích tiêu biểu nhất của cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ cũng như sức sống kiên cường của nhân dân Thủ đô trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước… Tất cả đều diễn ra trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm ngày nay, cũng chính là cái lõi của Hà Nội thời thuộc địa và xa hơn là Huyện Thọ Xương và ngược lên lịch sử của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Như thế, cho đến hiện tại, Quận Hoàn Kiếm chỉ là một trong số quận huyện của Thủ đô Hà Nội nay đã vô cùng rộng lớn; lại là quận có diện tích nhỏ nhất nên nó càng dễ giúp chúng ta nhận ra cái giá trị và ý nghĩa của hai từ “cốt lõi” để diễn đạt cái giá trị mà lịch sử đã gửi gắm trong không gian lịch sử của Quận Hoàn Kiếm. Công cuộc đổi mới và không ngừng đổi mới đang đòi hỏi phải vượt qua những thử thách mới tương xứng với những gì quận mang tên địa danh lịch sử “Hoàn Kiếm” đã đạt được.

Có 2 sự việc mà ai cũng biết: Những năm gần đây Hà Nội chủ trương tạo ra không gian quanh Hồ Gươm để xây dựng tập quán “phố đi bộ”, hoàn toàn khớp với ý định ưu tiên hàng đầu cho việc quy hoạch quanh Hồ Gươm là phố đi bộ từ năm 1884. Chủ trương lớn của Nhà nước trong việc điều chỉnh không gian quản lý hành chính bằng việc tách nhập các đơn vị hành chính quá nhỏ so với quy định đã phải coi “Quận Hoàn Kiếm” là một ngoại lệ vì không thể để mất cái vị thế “cốt lõi” của nó vốn có trong lịch sử./.

Nhà sử học Dương Trung Quốc