Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam
Ngày 9/11/2023, Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị – Bộ Xây dựng phối hợp cùng Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), tỉnh Quảng Nam tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng thí điểm về Phát triển đô thị bền vững trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam tại thành phố Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Tham dự khóa đào tạo có các Chuyên gia quốc tế của UNHabitat, giảng viên Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, đại diện lãnh đạo của các Sở, ngành, thành phố, thị xã, phường trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
Trước những thách thức và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cao, các thành phố đã trở thành động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vậy làm thế nào phát triển bao trùm, bền vững đi đôi với đẩy mạnh vai trò của khu vực đô thị, Chính phủ Thụy Sỹ đã thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ không hoàn lại dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam”.
Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam (gọi tắt là ISCB)” do Cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Chương trình định cư con người Liên hợp Quốc (UN-HABITAT). Học viện Cán bộ Quản lý xây dựng và đô thị (AMC) được Bộ Xây dựng giao là cơ quan chủ dự án.
Dự án được triển khai trong giai đoạn 5 năm từ 2020-2025. UN-Habitat là đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật và điều phối tổng thể việc triển khai dự án. Bộ Xây dựng (BXD) đóng vai trò cơ quan chủ quản dự án, Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị (trực thuộc BXD là chủ dự án, Cục Phát triển Đô thị (trực thuộc BXD), Vụ Quản lý quy hoạch (trực thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư) là các đơn vị đồng triển khai dự án.
Tại hợp phần 1 của Dự án ISCB, đã thực hiện xây dựng 06 modul chương trình, tài liệu bồi dưỡng mới về nâng cao năng lực quản lý Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững cho cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp. Khóa đào tạo tại Quảng Nam thực hiên theo chương trình này gồm các nội dung chính như sau:
–Tổng quan Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chương trình nghị sự đô thị mới (NUA) hướng tới phát triển đô thị bền vững.
– Các thông điệp chính về các module
– Quy hoạch tích hợp trong phát triển đô thị Bền vững
– Quy trình quy hoạch tích hợp có sự tham gia
– Phát triển kinh tế địa phương gắn với định hướng phát triển đô thị bền vững;
– Phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả
– Kiến tạo không gian đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc;
– Đồng thuận giữa các bên liên quan trong phát triển đô thị bền vững
– Trao đổi thảo luận tổng hợp các nội dung trên
Dự án nhằm nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật của chính quyền cấp quốc gia và cấp địa phương để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Theo đó, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật phù hợp, thiết thực cho các thành phố; hỗ trợ thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo và cán bộ triển khai về việc lập kế hoạch đầu tư chiến lược và ra quyết định. Dự án còn góp phần tăng cường chính sách và khuôn khổ pháp lý cho quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp với sự tham gia của người dân. Đồng thời, thí điểm các dự án có hướng tiếp cận sáng tạo, thúc đẩy quy hoạch chiến lược liên ngành…
Kết quả kỳ vọng sau thời gian triển khai dự án sẽ cải thiện năng lực của lãnh đạo Nhà nước và địa phương trong quy hoạch và quản lý đô thị. Khuôn khổ pháp lý quốc gia có tính nhất quán được thành lập và củng cố cho việc quy hoạch và quản lý đô thị, cho phép thực hiện phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân. Cùng đó, các biện pháp can thiệp sáng tạo áp dụng khuôn khổ pháp lý quốc gia, nêu bật được lợi ích của các phương pháp tiếp cận phát triển đô thị tích hợp và có sự tham gia của người dân được thực hiện thành công.
Hương Nguyễn