13/11/2023

Quy chế bảo vệ di sản văn hóa Quần thể Di tích Huế

(KTVN) – UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 57/2023/QĐ- UBND ngày 26/10/2023 về việc Ban hành Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới Quần thể Di tích Huế. Quy chế này quy định các hoạt động quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị các di tích; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại Bảo tàng và các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Huế.

Đại Nội Huế nhìn từ trên cao. Ảnh Internet

Theo đó, nguyên tắc quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế phải tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các quy định pháp luật khác có liên quan và các văn bản quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa thế giới; đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu giữ gìn tính nguyên vẹn, chân xác và bền vững Quần thể Di tích Huế;

Quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Quần thể Di tích Huế phải gắn liền giữa bảo tồn di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu thế giới, cụ thể là di sản Nhã nhạc cung đình Huế (được UNESCO vinh danh năm 2003) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (năm 2016). Quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Huế không chỉ bảo tồn mà còn khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhưng không làm tổn hại đến di sản.

Khu vực bảo quản, tu bổ, phục hồi bao bồm: khu vực I là khu vực di sản thế giới, vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng; khu vực II: Vùng đệm của khu vực di sản thế giới là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I di tích, có tác dụng tạo thêm một lớp bảo vệ cho khu vực I.

Việc quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Huế phải giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; mọi hoạt động của công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Huế phải được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích; tuân thủ hồ sơ thiết kế tu bổ di tích đã phê duyệt, các quy định về quản lý chất lượng, tiến độ, khối lượng thi công, an toàn lao động, an toàn cháy nổ, các quy định pháp luật liên quan.

Ưu tiên sử dụng vật liệu, phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ tối đa các cấu kiện trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích. Khi có phát sinh, phát hiện tư liệu mới so với hồ sơ thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát phải kịp thời thông báo cho chủ đầu tư dự án; trong trường hợp điều chỉnh hồ sơ thiết kế, chủ đầu tư dự án phải xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế.

Hoạt động thi công tu bổ di tích được thực hiện dưới sự giám sát của tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật; đồng thời có sự giám sát của cộng đồng dân cư nơi có di tích. Thường xuyên tham vấn ý kiến nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân trong suốt quá trình tu bổ di tích; ghi nhận đầy đủ trong nhật ký công trình và hồ sơ hoàn công mọi hoạt động tu bổ di tích đã thực hiện tại công trường; bảo đảm an toàn trong quá trình thi công và gìn giữ tối đa về môi trường cảnh quan di tích và khách tham quan.

Thực hiện lập kế hoạch bảo trì các công trình di tích và thường xuyên kiểm tra, xem xét tình trạng của di tích, kịp thời có phương án đề nghị tu bổ, tôn tạo đối với các hạng mục di tích bị xuống cấp.

Ngoài ra, còn có các quy định nhằm phòng tránh tác động của du lịch tới di sản văn hóa phi vật thể và sự biến đổi thành phần của chủ thể, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong khu vực Quần thể Di tích Huế…

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành về việc cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình và kiểm tra xử lý vi phạm về xây dựng trong khu vực I, II khoanh vùng bảo vệ di tích. Đồng thời, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động tham quan du lịch tại các điểm di tích thuộc Quần thể Di tích Huế.

Minh Anh