Lập quy hoạch xây trường học tại phường đông dân nhất Thủ đô
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5625/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 tại 7 ô đất trên địa bàn quận Hoàng Mai, trong đó có 5 ô đất tại phường Hoàng Liệt, địa bàn đông dân nhất Thủ đô để xây dựng trường học công lập.
Cụ thể, 7 ô đất trên bao gồm: 3 ô đất ký hiệu TH-III.15,2. NT-II.7.3, TH-III.16.1 thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, tỷ lệ 1/500, phường Hoàng Liệt; 1 ô đất ký hiệu TH2 thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, tỷ lệ 1/500, phường Hoàng Liệt; 2 ô đất ký hiệu TH1, TH2 thuộc Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới C2, tỷ lệ 1/500, phường Trần Phú; 1 ô đất ký hiệu NT thuộc Quy hoạch tổng mặt bằng Khu văn phòng giao dịch, nhà chung cư cao tầng, khu căn hộ khách sạn lưu trú, khu biệt thự và nhà vườn để bán và cho thuê, tỷ lệ 1/500 phường Hoàng Liệt.
UBND thành phố giao UBND quận Hoàng Mai có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết/quy hoạch tổng mặt bằng, tỷ lệ 1/500 tại 7 khu đất nêu trên theo đúng các đồ án quy hoạch phân khu đô thị có liên quan, quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và các quy định pháp luật có liên quan.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch chi tiết/quy hoạch tổng mặt bằng, tỷ lệ 1/500 tại 7 khu đất theo quy định.
Theo thông tin tại phiên giải trình của thường trực HĐND TP. Hà Nội về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông, thì Hoàng Mai là một trong những quận đông dân với khoảng 700 nghìn người. Trong đó, hơn 100 nghìn cháu ở độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4 nghìn cháu. Do đó, những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của quận gặp nhiều khó khăn, bất cập; có năm phải thực hiện bốc thăm cho các cháu mầm non.
Nhằm ứng phó tình trạng này, quận tập trung chủ yếu vào 4 giải pháp: Lập kế hoạch tuyển sinh cụ thể; triển khai tuyển sinh trực tuyến; đẩy nhanh các dự án xây dựng trường học; khuyến khích đầu tư trường ngoài công lập. Cụ thể, quận tổ chức điều tra số trẻ vào đầu năm học, từ đó phân luồng, phân tuyến tuyển sinh; công khai tuyển sinh của từng trường và việc tuyển sinh đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến; 100% đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
Qua thống kê 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới 23 trường học, cải tạo sửa chữa 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Mặt khác, các trường ngoài công lập có số học sinh theo học chiếm 19% tổng số học sinh trên địa bàn cũng giúp giảm áp lực cho các trường công lập.
Tuy nhiên, quận Hoàng Mai vẫn thiếu trường học, vì thế, phải cần có đất và vốn giúp triển khai. Đến nay, quận bố trí được trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây trường học. Song quận đề xuất thành phố quan tâm, hỗ trợ quận hơn nữa. Khi thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị, nên có quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu này. Ngoài ra, khi thành phố tích hợp và điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô, thì sắp xếp tăng mật độ mạng lưới trường học sao cho phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.
Trước đó, lý giải vì sao Hà Nội thiếu trường học, KTS. Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, Thành viên Hội đồng Khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân bắt nguồn từ những sai lầm trong quy hoạch.
Năm 2002, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội – đơn vị trực thuộc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiếp quản) đã lập và trình “Quy hoạch mạng lưới trường học thủ đô Hà Nội đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Quy hoạch này đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 05/2003/QĐ-UBND.
Căn cứ tính ra diện tích đất xây trường học là dựa vào số dân, tương ứng 1.000 dân có 310 học sinh 4 cấp phổ thông và các cấp dạy nghề, cao đẳng, trẻ khuyết tật. Mỗi học sinh tùy theo cấp loại có diện tích đất xây trường theo quy chuẩn. Tuy nhiên, vì có những sai lầm trong tính toán và quản lý, tình trạng thiếu trường ở các cấp học, đặc biệt bậc THPT đã xảy ra ngày càng nặng nề, KTS. Trần Huy Ánh phân tích.
Đặc biệt là quận Hoàng Mai, các chủ đầu tư chỉ xây nhà để bán còn trường học thiếu khủng khiếp. Đỉnh điểm là từ bậc học mầm non đến THPT phụ huynh phải giành giật để có chỗ ngồi học cho con em mình, KTS. Trần Huy Ánh chia sẻ thêm.
Đức Anh