Thông tư 06 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về chương trình phát triển đô thị sắp có hiệu lực
(KTVN) – Ngày 10/11/2023 tới đây, Thông tư 06/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng chính thức có hiệu lực. Thông tư này hướng dẫn về nội dung, hồ sơ, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, công bố và lưu trữ chương trình phát triển đô thị; áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động có liên quan đến chương trình phát triển đô thị.
Nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh
Về nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh, Thông tư nêu rõ, nội dung chương trình phát triển đô thị tỉnh thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3a Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị được bổ sung tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (gọi chung là Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị) và các quy định chi tiết sau đây:
Thứ nhất, chỉ tiêu phát triển đô thị quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị gồm: Tỷ lệ đô thị hóa; số lượng đô thị, danh mục đô thị, đô thị dự kiến điều chỉnh địa giới hành chính và đô thị dự kiến thành lập mới theo phân loại đô thị; tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh; các chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh khác liên quan đến phát triển đô thị theo yêu cầu của địa phương.
Thứ hai, các chương trình, đề án trọng tâm để từng bước thực hiện phát triển bền vững đô thị quy định tại điểm d khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị gồm:
Một hoặc một số chương trình, đề án cấp quốc gia có liên quan (nếu có) và cấp tỉnh đang triển khai hoặc đề xuất mới về phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, phát triển đô thị thông minh hoặc các chương trình, đề án cấp quốc gia, cấp tỉnh khác để cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị của tỉnh;
Dự kiến sơ bộ nhu cầu kinh phí tổng thể và trong khung thời gian của chương trình, giai đoạn thực hiện, cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình, đề án quy định tại điểm a khoản này.
Thứ ba, các dự án đầu tư phát triển đô thị sử dụng nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 3a Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho từng giai đoạn 5 năm và 10 năm gồm:
Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các dự án khác đã được xác định trong quy hoạch tỉnh;
Các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn 02 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên và các dự án khác thuộc thẩm quyền đầu tư cấp tỉnh để thực hiện phương án phát triển hệ thống đô thị của tỉnh;
Các dự án thực hiện chương trình, đề án trọng tâm quy định tại khoản 2 nêu trên (nếu có).
Công bố và lưu trữ chương trình phát triển đô thị
Theo Thông tư quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi chương trình phát triển đô thị được phê duyệt, UBND cấp tỉnh chỉ đạo công bố quyết định phê duyệt và các tài liệu khác kèm theo:
Đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND cấp tỉnh;
Gửi 01 bản chụp về Bộ Xây dựng;
Tổ chức công bố theo các hình thức phù hợp, bảo đảm tiết kiệm, cung cấp đầy đủ các thông tin đến nhân dân, các tổ chức liên quan để giám sát và triển khai thực hiện.
Cũng theo Thông tư, cơ quan tổ chức lập, lập, thẩm định, phê duyệt chương trình phát triển đô thị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ theo quy định pháp luật về lưu trữ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 10/11/2023.
Bình Minh