17/12/2015

Có 54 nhà báo bị bắt làm con tin trong năm 2015

Tổ chức phi lợi nhuận Phóng viên không biên giới – Reporters Without Borders (RSF) hôm 16/12 vừa công bố thống kê hàng năm của mình về số nhà báo hiện đang bị bắt làm con tin, bị giam giữ hoặc bị mất tích trên toàn thế giới.


John McCarthy – một nhà báo từng bị bắt tại Beirut chia sẻ ở một cuộc hội thảo.

Theo tổng kết của RSF thì hiện có 54 nhà báo chuyên nghiệp trong đó có một nhà báo nữ đang bị giữ làm con tin trên toàn thế giới, tăng 35% so với năm ngoái.

Syria là quốc gia nơi giam giữ nhiều nhà báo nhất – 26 người. Chỉ riêng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS hiện đang giam giữ 18 nhà báo, chủ yếu là ở Syria và Iraq.

Tổng thư ký RSF, Christophe Deloire cho biết “Ngành công nghiệp bắt làm con tin đã phát triển toàn diện tại những khu vực nhất định có xung đột. Sự tăng lên về con số nhà báo bị bắt làm con tin trong năm 2015 thật đáng báo động. Số nhà báo bị bắt cóc ở Yemen đã trở thành hiện tượng trong tất cả. 33 nhà báo đã bị lực lượng dân quân Houthi và Al-Qeada bắt cóc trong năm 2015, tăng 2 người so với năm 2014. 13 người hiện vẫn bị giữ làm con tin.”

Tuy nhiên, số nhà báo bị bắt giam lại ít hơn so với năm ngoái. Hiện số nhà báo bị giam giữ là 153 người, ít hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng có 161 công dân và nhà báo cùng 14 nhân viên truyền thông đang bị giam giữ.


Năm 2015 số nhà báo bị bắt làm con tin trên toàn thế giới tăng 35%.

Trung Quốc tiếp tục là nước bị giam giữ nhiều nhà báo nhất, theo sát là Ai Cập với 22 nhà báo đang bị giam giữ.

Theo báo cáo thì có 8 nhà báo đang mất tích trong năm 2015. Những vụ mất tích chủ yếu xảy ra tại những vùng xung đột nơi sự bất ổn khiến công tác điều tra trở nên khó khăn hơn trong việc xác định vị trí của những nhà báo đang mất tích.

Libya nơi mà thông tin đáng tin cậy ngày càng trở nên khó tiếp nhận, là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề này. 4 nhà báo người Libya và một người quay phim người Ai Cập, tất cả đều là nhân viên của Đài TH tư nhân Barqa được báo mất tích trong năm nay tại Libya.

Trước quy mô và sự đa dạng của những nguy hiểm mà các nhà báo đang đối mặt, RSF đã xuất bản một bản sửa đổi hoàn toàn phiên bản cuốn sổ tay Hướng dẫn an toàn cho các nhà báo trước đó với tư cách là đối tác của UNESCO. Được thiết kế cho các phóng viên sắp đi đến những khu vực có nguy cơ cao, nó có đầy đủ các lời khuyên thực tiễn trong việc đương đầu với những hiểm nguy đang chờ đợi và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị kỹ trước khi lên đường.

Cuốn sổ tay hiện có bản in và cả bản trên mạng bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập.

Theo Minh Long/cand.com.vn (Euronews)