27/09/2023

Họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

(KTVN) – Mới đây, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tại cuộc họp, Ông Vũ Anh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Phó Tổ trưởng Tổ biên tập cho biết, Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế theo 5 Chương, 60 Điều.

Trong đó có nhiều điểm đổi mới, như: sắp xếp, quy định rõ về các loại hình, cấp độ quy hoạch đô thị – nông thôn; chú trọng rút ngắn số lượng các cấp độ quy hoạch trong một số trường hợp; quy định thống nhất, đồng bộ về kinh phí lập quy hoạch theo từng cấp độ giữa các loại hình quy hoạch; trách nhiệm quản lý kinh phí lập quy hoạch; nguồn lực hỗ trợ và sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Trần Đình Hà)

Dự thảo luật cũng quy định rõ hoạt động do nhà nước thực hiện, hoạt động được nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ; quy định nội dung hợp tác quốc tế; tăng cường phân cấp cho cơ quan cấp tỉnh trong tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới và quy định cụ thể đối với việc tổ chức lập quy hoạch phục vụ đấu giá, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư; bổ sung, hoàn thiện quy định về yêu cầu nội dung lập nhiệm vụ, đồ án theo từng loại hình, cấp độ quy hoạch; bảo đảm quy hoạch sau khi phê duyệt là công cụ hữu hiệu trong quản lý phát triển đô thị, nông thôn;

Bổ sung quy định về đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị; bổ sung quy định về bảo vệ môi trường trong đồ án quy hoạch; bổ sung quy định cụ thể hơn về đối tượng lấy ý kiến, thời gian lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến đối với từng loại hình, cấp độ quy hoạch; quy định rõ hơn về thành phần, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định; hoàn thiện quy định về nội dung thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch;

Bên cạnh đó, Dự thảo luật tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện phê duyệt quy chung đô thị mới; hoàn thiện quy định về việc thông qua Hội đồng nhân dân, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn cấp trên đối với đồ án quy hoạch trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung, hoàn thiện các quy định về rà soát quy hoạch, điều kiện điều chỉnh quy hoạch; các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị – nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh; trình tự điều chỉnh quy hoạch; thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công bố, công khai quy hoạch, cơ sở dữ liệu về quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch, cắm mốc theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch; lưu giữ hồ sơ đồ án quy hoạch; bổ sung quy định về quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương.

Góp ý tại Hội nghị, các đại biểu đề nghị Dự thảo cần tập trung làm rõ hơn các định nghĩa, khái niệm trong Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; quan tâm làm rõ cấu trúc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị với quy hoạch vùng; nghiên cứu đẩy mạnh việc đổi mới toàn diện quy hoạch đô thị và nông thôn, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến quy hoạch không gian ngầm đô thị; chú trọng nhiều hơn vai trò đóng góp của cộng đồng, xã hội đối với các quy hoạch; chú trọng đánh giá tác động của hệ thống quy hoạch đối với sự phát triển của đất nước; làm rõ hơn các nội dung, điều kiện về điều chỉnh quy hoạch cục bộ…

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, thành viên Ban soạn thảo đối với Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời yêu cầu Tổ biên tập tiếp thu đầy đủ.

Bộ trưởng đề nghị, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, đảm bảo phù hợp Hiến pháp, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý tập trung làm rõ hơn phạm vi, đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật; mạnh dạn đề xuất những nội dung đổi mới, phân cấp, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thể hiện rõ luật chuyên ngành, dễ hiểu, dễ áp dụng, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Bình Minh