Kiến trúc sư Việt Nam và cộng đồng ASEAN
Vậy là Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 30/12/2015, sau khi lãnh đạo các nước thành viên khối ASEAN ký 2 văn kiện lịch sử, đó là Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng ASEAN năm 2015 và Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025 “Cùng vững vàng tiến bước”.
Ảnh minh họa.
Đây là một sự kiện quan trọng, mang tính thời đại, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của các nước khu vực Đông Nam Á dưới mái nhà chung là cộng đồng ASEAN. Sự ra đời Cộng đồng ASEAN sẽ đảm bảo cho sự ổn định và phát triển lâu dài, bền vững trong môi trường hòa bình, hợp tác, thân thiện, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau của các nước trên mọi lĩnh vực an ninh quốc phòng, chính trị, kinh tế và văn hóa.
Với Việt Nam, từ khi gia nhập khối ASEAN đến nay, chúng ta đã từng bước hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực đặc biệt là trong hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Nhiều nhà đầu tư và tư vấn kiến trúc trong khối ASEAN đã đầu tư nhiều tỷ USD và thiết kế hàng trăm dự án lớn về công nghiệp, bất động sản, giao thông ở Việt Nam. Chúng ta không ngạc nhiên, khi mà những công trình kiến trúc có tầm quốc gia và quốc tế được xây dựng tại Việt Nam lại do KTS các nước trong khối ASEAN và quốc tế thực hiện.
Thế nhưng, khi mà KTS Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Quốc… đã đặt những dấu ấn sâu đậm tại Việt Nam qua những công trình kiến trúc – quy hoạch, cầu vượt sông, đường cao tốc… thì KTS chúng ta vì nhiều lý do khác nhau (khách quan và chủ quan) lại hiện diện rất mờ nhạt, nếu không nói là đứng ngoài cuộc hội nhập quan trọng này.
Hiện nay cả nước có gần 18.000 KTS, trong đó gần 2/3 là trực tiếp hành nghề kiến trúc, tức là tham gia tư vấn, thiết kế kiến trúc, thế nhưng mới chỉ có 9 KTS được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc ASEAN. Có nghĩa là, chỉ có 9 KTS nói trên mới được phép hành nghề tại các nước ASEAN và được sự bảo hộ theo luật pháp của các nước này.
Tại sao lại như vậy? Phải chăng tiêu chuẩn hành nghề của ASEAN quá khó đối với KTS Việt Nam. Điều đó chỉ đúng một phần. Về cơ bản là KTS của chúng ta còn thờ ơ, ít quan tâm, ít có thông tin về hoạt động này và nhất là tự ti bởi rào cản về ngoại ngữ (tiếng Anh). Trong thực tế, hầu hết dự án lớn của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đều có sự tham gia, đóng góp công sức, trí tuệ của KTS bản địa, mà điển hình là TCty Tư vấn xây dựng Việt Nam – VNCC , Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng). Thông qua các dự án lớn này, KTS Việt Nam đã thực sự trưởng thành trong nghề nghiệp. Đó là mặt tích cực thu được khi làm thuê (dưới dạng liên danh) cho tư vấn nước ngoài trên nước mình. Nhưng đây là câu chuyện của mười năm trước, khi mà chúng ta còn ngu ngơ trước biển lớn hội nhập quốc tế.
Ngày hôm nay KTS Việt Nam đã thực sự trưởng thành hơn rất nhiều, nhất là các KTS trẻ, thế hệ 7x, 8x. Những Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Hiệp… và nhiều sinh viên kiến trúc Việt Nam đã được vinh danh tại các cuộc thi, Festival và triển lãm kiến trúc quốc tế lớn ở khu vực và trên thế giới. Nhưng đấy chỉ là vài gương mặt quen thuộc với vài công trình kiến trúc nhỏ lẻ trong sân chơi hội nhập rất phong phú và đa dạng của kiến trúc thế giới.
Đã đến lúc, giới KTS Việt Nam phải hướng về phía trước, mạnh dạn bước ra thế giới với một sự tự tin, lòng tự hào dân tộc để chấp nhận những khó khăn thách thức. Hội thảo “Hành nghề Kiến trúc và Hội nhập quốc tế” do Hội KTS Việt Nam tổ chức vào ngày 28/11 tới đây có là thông điệp của giới KTS Việt Nam trước sự ra đời của Cộng đồng ASEAN mà nước ta là thành viên.
Hy vọng rằng, sắp tới đây không chỉ có 9 KTS, mà sẽ là hàng trăm KTS Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề ASEAN. Và trong thời gian không xa, nhiều văn phòng KTS, Cty Tư vấn kiến trúc của Việt Nam sẽ hiện diện tại các nước trong cộng đồng ASEAN để làm rạng danh nền Kiến trúc Việt Nam và bản sắc văn hóa Việt Nam trong thời đại phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo Báo Xây dựng