12/11/2015

Chiến lược – Giải pháp phát triển công trình xanh Việt Nam

Phát triển công trình xanh (CTX) mang lại các lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường, trào lưu phát triển CTX đang diễn ra sôi nổi trên toàn thế giới, nhưng ở nước ta phát triển CTX vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu, chậm hơn các nước khác ít nhất là khoảng 15 năm. Vì vậy cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch và các chính sách khuyến khích phát triển CTX. Cần phải đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến chế tạo và sản xuất ra các vật liệu và cấu kiện xây dựng xanh, thân thiện môi trường, như ở một số nước tiên tiến trong ASEAN, để đảm bảo cho CTX ở nước ta có cơ sở vật chất phát triển nhanh và vững chắc.

Công trình trường học Xanh Bình Dương - Tác giả KTS Võ Trọng Nghĩa

Công trình trường học Xanh Bình Dương – Tác giả KTS Võ Trọng Nghĩa

Công trình xanh là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu đến mức nhỏ nhất các tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan, sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử, tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho con người”. Được khởi đầu từ Mỹ, cho đến nay đã có trên 100 nước đã thành lập Hội đồng Công trình Xanh, tham khảo hệ thống các tiêu chí CTX của các nước đi đầu để xây dựng hệ thống tiêu chí CTX của nước mình, thực hiện các chính sách, các biện pháp đẩy mạnh phát triển CTX và đã có hàng nghìn công trình xây dựng được công nhận là CTX.
Trong khi trên Thế giới đang diễn ra cuộc “cách mạng xây dựng xanh” sôi nổi như vậy thì ở nước ta còn đang ở giai đoạn khởi đầu của phát triển CTX, chậm hơn các nước trên thế giới khoảng 15-20 năm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về “Tăng trưởng xanh”, ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013/BXD, đây là tiêu chí quan trọng đối với việc định hướng phát triển bền vững CTX ở Việt Nam trong tương lai.

ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH Ở NƯỚC TA
Hệ thống quan điểm và mục tiêu phát triển công trình xanh
Trên cơ sở các điều kiện thực tiễn, cần xác định rõ quan điểm phát triển công trình xanh ở nước ta trong thời gian tới.
Phát triển CTX là thực hiện Luật số 50/2010/QH12 – “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” và chiến lược quốc gia về “Tăng trưởng xanh” của ngành xây dựng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp BVMT & PTBV đất nước. Phát triển CTX cần phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế – xã hội và bản sắc văn hóa Việt Nam. Phát triển CTX là trách nhiệm xã hội của các cơ quan quản lý và tất cả các đối tác hoạt động xây dựng, cần được xã hội hóa và huy động sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
Về mục tiêu phát triển lâu dài, phát triển CTX toàn diện trên phạm vi toàn quốc, có hiệu quả, vững chắc và nhanh, nhằm mục tiêu theo kịp trình độ của các nước phát triển CTX trung bình trên thế giới vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2020, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về CTX, để toàn bộ xã hội, các cộng đồng dân cư hưởng ứng phát triển CTX và các nhà đầu tư và kinh doanh xây dựng tích cực tham gia. Ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan và các chính sách cơ bản khuyến khích, ưu đãi để phát triển CTX. Đạt tỷ lệ khoảng 25% – 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX và khoảng 15% – 20% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX. Giảm khoảng 10%-15% mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình tính trên 1m2 sàn nhà và khoảng 10- 15% mức phát thải khí nhà kính so với năm 2010.
Định hướng phát triển giai đoạn 2021 – 2030, phấn đấu đến năm 2030 đưa hoạt động phát triển CTX trở thành hoạt động thường xuyên của ngành xây dựng. Một số tiêu chí cơ bản của CTX sẽ trở thành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bắt buộc áp dụng. Phát triển từ xây dựng các CTX sang xây dựng các đô thị xanh và cải tạo nâng cấp các đô thị hiện có trở thành các đô thị xanh. Phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ khoảng 35% – 40% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX và khoảng 25% – 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX. Giảm khoảng 5%-10% mức tiêu thụ năng lượng tính trên 1m2 sàn nhà và khoảng 5%-10% mức phát thải khí nhà kính so với năm 2020.
Nội dung chiến lược phát triển CTX
Tạo lập và phát triển thị trường xây dựng CTX. Tiến hành tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục mọi người trong xã hội về những lợi ích to lớn của CTX đối với chủ thể đầu tư xây dựng, người mua/bán hay thuê và sử dụng CTX, về các lợi ích BVMT và PTBV đối với toàn xã hội, nhằm mục đích kích thích nhu cầu (kích cầu) phát triển thị trường bất động sản về xây dựng CTX. Kích cầu thị trường bất động sản CTX mạnh mẽ từ phía khách hàng để chuyển đổi thành một trào lưu chủ đạo về phát triển CTX của xã hội. Chuyển hướng quan tâm của thị trường bất động sản từ giá thành sang giá trị của công trình.

Giá trị CTX ở đây bao gồm: chi phí vận hành công trình ít hơn, chi phí bảo trì CTX thấp hơn, môi trường đạt chất lượng cao hơn, công trình bền vững hơn, thích ứng với BĐKH hơn, điều kiện sống trong CTX tốt hơn, sức khỏe tốt hơn và hiệu suất làm việc có thể tăng hơn khoảng 5%. Các nhà đầu tư được gắn nhãn hiệu xanh, được nhìn nhận là hành động có trách nhiệm để bảo vệ và gìn giữ môi trường chung và do đó nhu cầu của khách hàng đối với các CTX sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn xây dựng có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX. Từng bước rà soát, chỉnh sửa hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện có có liên quan sao cho phù hợp với phát triển CTX, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thích ứng với BĐKH. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn để phát triển CTX. Ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phát triển CTX.
Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí CTX và hệ thống tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận CTX. Bộ tiêu chí CTX phải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, khí hậu, môi trường và con người Việt Nam, tiến dần từ thấp lên cao, đến năm 2030 theo kịp với trình độ của thế giới, đáp ứng các tiêu chí cơ bản sau: Phù hợp với điều kiện thiên nhiên và con người VN, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, hòa mình với không gian cây xanh và mặt nước; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo. Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và có hiệu quả. Phát triển sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và vật liệu tái sinh, tái chế. Không gây ra tác động xấu đối với môi trường xung quanh và đảm bảo chất lượng môi trường sống tốt nhất cho người sử dụng công trình. Tối ưu hóa hệ thống quản lý công trình để bảo đảm chất lượng môi trường trong nhà và sử dụng năng lượng có hiệu quả – Quản lý công trình “thông minh”.
Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển công trình xanh ở nước ta: Khu vực tư nhân là nhân tố quan trọng thúc đẩy chính của phát triển CTX. Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ các lợi ích thực sự của CTX mang lại nên nhà đầu tư tư nhân thường chọn phương án thu lại lợi nhuận trong thời gian ngắn, hơn là sự bền vững kinh tế và môi trường về lâu dài của công trình. Ðể khắc phục “tầm nhìn ngắn hạn” này của các nhà đầu tư tư nhân, song song với việc đưa ra các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng CTX, cần phải xây dựng và ban hành các chính sách, các cơ chế nhằm tháo gỡ tất cả các rào cản, trở ngại đối với phát triển CTX, ưu đãi về vật chất và phi vật chất đối với các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng CTX.
Đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX.Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo chuyên gia về thiết kế và xây dựng CTX cho các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và kỹ sư các ngành khác có liên quan (môi trường, năng lượng, vật liệu, thiết bị trong nhà,…) hiện đang hoạt động trong ngành xây dựng; Tổ chức các lớp tập huấn tăng cường năng lực quản lý các dự án thiết kế và xây dựng CTX cho các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng và môi trường; Tăng cường năng lực thẩm định thiết kế các công trình về áp dụng các giải pháp thiết kế CTX; Bổ sung kiến thức về CTX và đổi mới chương trình và kế hoạch đào tạo đại học và trên đại học ở các trường đại học có các ngành nghề liên quan, nhằm xây dựng nhân lực phục vụ phát triển CTX lâu dài của đất nước.
Các công trình được đầu tư công bằng vốn ngân sách Nhà nước cần được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX để làm gương đi đầu, thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân noi theo. Các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước cần phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX để làm gương, làm “hạt nhân” động lực thúc đẩy và phát động các nhà đầu tư tư nhân, các nhà xây dựng, các nhà thiết kế tư nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất và cộng đồng tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển CTX của Quốc gia, thể hiện rõ ràng sự cam kết của Chính quyền đối với việc “xanh hóa” các công trình của Nhà nước, tạo ra các công trình thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe người dân trong toàn xã hội.
Phát triển vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu tái chế, tái sinh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong xây dựng CTX. Phát triển sản xuất vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng. Phát triển sử dụng vật liệu không nung trong điều kiện có thể; Giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng trong CTX. Cải thiện nguồn cung cấp thông tin về sản xuất, chế tạo các sản phẩm vật liệu và cấu kiện xây dựng thân thiện môi trường. Bảo đảm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường nào là có sẵn và có thể tìm mua ở đâu.
Sử dụng năng lượng có hiệu quả. Tận dụng thông gió tự nhiên và lựa chọn hệ thống ĐHKK tiết kiệm năng lượng. Tận dụng ánh sáng tự nhiên, lựa chọn hệ thống chiếu sáng và thiết bị chiếu sáng nhân tạo tiết kiệm năng lượng. Lựa chọn các loại thiết bị tiêu thụ năng lượng trong nhà có công suất hợp lý và có hiệu suất sử dụng năng lượng cao. Áp dụng công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối.
Sử dụng nguồn nước tiết kiệm và có hiệu quả, tái sử dụng nước thải. Lựa chọn sơ đồ cấp nước, quản lý vận hành phù hợp, sử dụng thiết bị dùng nước tiết kiệm, như là thiết bị xả nước vệ sinh cực nhỏ và hoa sen phun nước nhỏ, tự động đóng mở. Tích trữ và sử dụng nước mưa. Tái chế và tái sử dụng nước thải.
Hướng dẫn cho toàn dân biết cách quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX. Tính năng ưu việt của CTX về hiệu quả kinh tế, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và môi trường, không chỉ phụ thuộc vào người thiết kế, thi công xây dựng, mà còn phụ thuộc vào người sử dụng công trình. Vì vậy, trang bị cho người sử dụng những kinh nghiệm quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX, vận hành tất cả các hệ thống thiết bị trong CTX phải được giám sát và quản lý thông minh.

HỆ THỐNG CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH VIỆT NAM
Tiến hành tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức về CTX đối với mọi đối tượng trong xã hội. Ðặc biệt là làm cho mọi người hiểu chính xác về CTX, những lợi ích to lớn của CTX đem lại về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Huy động tất cả các tổ chức truyền thông của Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội khoa học kỹ thuật, nghề nghiệp có liên quan, bằng nhiều hình thức truyền thông khác nhau để nâng cao nhận thức của công chúng và khuyến khích mọi người tham gia thị trường bất động sản với CTX.
Ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển CTX: cần nhanh chóng xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật, như là Chiến lược, Kế hoạch phát triển CTX, bộ Tiêu chí CTX và các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng CTX, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho phát triển CTX ở nước ta.

Hình thành hệ thống tổ chức đánh giá, xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ “Công trình xanh”. Bộ Xây dựng là cơ quan chỉ đạo và đầu mối, huy động các Hội KHKT và nghề nghiệp có liên quan thực hiện tư vấn chọn và cấp chứng chí “Công trình xanh” ở nước ta. Xây dựng quy trình và thủ tục xét chọn, công nhận và xếp hạng các công trình đạt các tiêu chí “Công trình xanh” và hàng năm tổ chức xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ “Công trình xanh”. Khuyến khích các tổ chức xã hội, tài chính đặt ra các giải thưởng có giá trị để biểu dương các chủ đầu tư, các nhà thiết kế và xây dựng vươn tới các giá trị cao nhất, tốt nhất về công nghệ thiết kế và xây dựng CTX.
Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển CTX. Các Khuyến khích, ưu đãi về vật chất bao gồm Nhà đầu tư cũng như người mua CTX được ưu tiên vay vốn, vay vốn với lãi suất thấp. Nhà đầu tư được giảm trừ một số loại thuế đối với CTX. Cho phép xây dựng tăng thêm diện tích sàn nhà hoặc số tầng nhà đối với CTX. Các khuyến khích phi vật chất bao gồm: Nhà nước xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ Bạc, Vàng, Kim cương và khen thưởng cho các chủ đầu tư CTX. Trao giải thưởng thiết kế sáng tạo CTX Ưu tiên cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng đối với CTX.
Tiến hành tổng điều tra và đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng, cấp nước và các tài nguyên khác trong công trình xây dựng. Tiến hành tổng điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng, cấp nước và các tài nguyên khác đối với một số loại công trình chủ yếu ở nước ta, nhằm xác định các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng, tài nguyên hợp lý và để đánh giá đúng nguyên nhân sử dụng kém hiệu quả năng lượng, nước và tài nguyên khác trong công trình, tìm ra các cơ hội và tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước và tài nguyên khác, xác định tiềm năng giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động của các công trình xây dựng.
Thiết kế và xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX. Thực hiện một dự án thiết kế và xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX với sự tuân thủ triệt để các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chí về CTX, nâng tầm đạt được mức độ hiệu quả năng lượng cao nhất, có hiệu quả sử dụng nước và vật liệu thân thiện môi trường, đạt chất lượng môi trường trong nhà cao hơn, tạo ra hình ảnh mẫu mực thực tế, tạo ra ví dụ tốt nhất để nhân rộng, thúc đẩy phát triển CTX ở nước ta.
Phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ về các giải pháp thiết kế và xây dựng CTX phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nhà nước có kế hoạch đầu tư kinh phí, cũng như khuyến khích các công ty tư nhân đầu tư kinh phí cho các đề tài khoa học nhằm nghiên cứu phát triển các giải pháp “thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh” theo các định hướng: Nghiên cứu các giải pháp về thiết kế kiến trúc và cấu tạo kết cấu bao che xung quanh công trình để nâng cao hiệu quả ngăn ngừa và giảm thiểu nhiệt bức xạ mặt trời xuyên qua kết cấu bao che vào nhà, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng môi trường sống trong công trình; Nghiên cứu kết hợp hài hòa thông gió tự nhiên, thông gió cơ khí và ĐHKK để bảo đảm chất lượng môi trường không khí trong nhà, đồng thời tiết kiệm sử dụng năng lượng; Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng ánh sáng điện, bảo đảm môi trường tiện nghi ánh sáng trong công trình; Nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu và cấu kiện xây dựng mới, thân thiện môi trường; Phát triển sử dụng vật liệu tái sinh, vật liệu địa phương, và các loại kính xuyên ánh sáng tốt, nhưng ngăn che bức xạ nhiệt của mặt trời vào nhà, v.v…; Nghiên cứu công nghệ tái chế, tái sử dụng các chất thải xây dựng phát sinh từ thi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình; Phát triển sử dụng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước, xử lý nước thải xám tại chỗ, tái sử dụng nước thải để tiết kiệm sử dụng nguồn nước sạch; Thu gom, lưu giữ và xử lý nước mưa để sử dụng, vừa có tác dụng giảm úng ngập trong mùa mưa, vừa có khả năng bổ sung nguồn nước trong mùa hạn hán; Nghiên cứu các biện pháp cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các thiết bị trong nhà, trước hết là thiết bị thông gió, ĐHKK và thiết bị chiếu sáng điện; Phát triển sử dụng năng lượng tái tạo trong công trình: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học; Phát triển áp dụng và tối ưu hóa hệ thống tự động hóa quản lý tòa nhà; Nghiên cứu lựa chọn các loại cây xanh thích hợp và thiết kế cấu tạo kết cấu bao che nhà phù hợp để phát triển trồng cây xanh (cây xanh xung quanh nhà, cây xanh trên mặt tường, trên mái nhà, trên ban công, lôgia, hành lang, trong không gian thoáng hở và không gian khác trong nhà).

Huy động các tổ chức CT-XH, các hội KHKT tham gia phát triển CTX. Nhà nước cần đổi mới cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội và các hội khoa học kỹ thuật, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc và môi trường tham gia phát triển, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, tham gia nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tái chế chất thải, sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống trong công trình, phát triển CTX ở nước ta.
Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển công trình xanh. Tăng cường hợp tác với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế trong phát triển CTX ở nước ta, đặc biệt là tăng cường hợp tác với Hội đồng Công trình Xanh Thế giới và các Hội đồng Công trình Xanh của các nước châu Á.

Công trình BES PAVILION (Vinh, Nghệ An) sử dụng vật liệu thân thiện môi trường

Công trình BES PAVILION (Vinh, Nghệ An) sử dụng vật liệu thân thiện môi trường

PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU VÀ CẤU KIỆN XÂY DỰNG XANH ĐỂ PHÁT TRIỂN CTX NHANH VÀ VỮNG CHẮC
Một trong các tiêu chí không thể thiếu trong bộ tiêu chí CTX ở tất cả các nước trên thế giới là CTX phải sử dụng vật liệu và cấu kiện xây dựng xanh và thân thiện môi trường như: Sử dụng tiết kiệm vật liệu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, nhất là đối với vật liệu không thể tái sinh, tối đa hóa việc sử dụng vật liệu địa phương, giảm thiểu chất thải từ giai đoạn thiết kế, thi công xây dựng đến giai đoạn sửa chữa nâng cấp công trình. Sử dụng vật liệu không phát sinh chất ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe của con người. Vật liệu và cấu kiện xây dựng hàm chứa năng lượng thấp, tức là ít hoặc không tiêu thụ năng lượng, ít hoặc không phát thải khí CO2, trong quá trình sản xuất ra nó (vật liệu không nung). Phát triển sử dụng vật liệu nhẹ, vừa có khả năng cách nhiệt tốt, giảm tải trọng tự thân công trình, do đó giảm chi phí cho kết cấu chịu lực và nền móng công trình. Tái sử dụng và tái chế chất thải (đặc biệt là chất thải xây dựng). Ưu tiên sử dụng vật liệu và các chế phẩm từ vật liệu tự nhiên có thể tái sinh nhanh, như tre, nứa, gỗ, chất thải sau thu hoạch sản xuất nông nghiệp, v.v… Do vậy, một trong những trọng tâm với phát triển công trình xanh ở nước ta trong thời gian tới là chú trọng sản xuât vật liệu thân thiên với môi trường ở trong nước.
Vật liệu xây dựng không nung. Phát triển VLXD không nung để từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và đốt than, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường và khí CO2. Ngoài ra, việc sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, mạt đá… để sản xuất vật liệu không nung cũng góp phần giảm một lượng đáng kể các chất thải rắn thải ra môi trường. Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg về Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, chỉ tiêu sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20%–25% vào năm 2015, 30%-40% vào năm 2020.
Gạch bê tông: Cũng theo Quyết định số 567 QĐ/TTg: gạch không nung có 3 loại, trong đó gạch xi măng cốt liệu được ưu tiên phát triển chủ đạo, chiếm tỷ lệ trên 70% trên tổng số VLXD không nung; gạch nhẹ (gạch bê tông khí chưng áp –AAC và gạch bê tông bọt) chiếm khoảng 25%; còn lại là các sản phẩm khác như gạch đất hóa đá, gạch đá ong. Gạch xi măng cốt liệu có nhiều ưu điểm và đã được tin dùng trong hàng loạt công trình cao tầng, giúp giảm giá thành xây dựng 15%-20%, nâng cao chất lượng công trình và rút ngắn thời gian thi công.
Gạch chất thải rắn công nghiệp: Một số công ty môi trường đô thị (URENCO) ở nước ta đã đầu tư phát triển dây truyền công nghệ sản xuất các loại gạch không nung bằng cách nghiền các phế thải công nghiệp, chất thải rắn vô cơ công nghiệp và sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, tro, xỉ của các lò đốt, trộn chúng với xi măng, bột màu và ép nén trong các khuôn tạo hình để sản xuất ra các loại gạch lát vỉa hè, lát đường, sân bãi.
Vật liệu tái sinh nhanh. Đối với phát triển CTX cần phải giảm khai thác, sử dụng nguyên vật liệu hữu hạn, không tái sinh hoặc có chu kỳ tái sinh dài. Tiến tới thay thế sử dụng chúng bằng sử dụng các nguyên vật liệu có khả năng tái sinh nhanh bao gồm các nguyên vật liệu, sản phẩm được khai thác, chế tạo từ thực vật có thể tái sinh trong vòng 10 năm hoặc ngắn hơn như là tre, bương, luồng, nứa, mây, gỗ, sợi bông, lót vải sơn, ván ép bằng gỗ vụn, ván ép bằng rơm rạ, trấu và cây bần, ván ép bằng sợi dừa và vật liệu và sản phẩm bằng gỗ, được khai thác từ các khu rừng được quản lý đảm bảo bền vững, nhất là rừng trồng được khai thác theo quy hoạch.
Vật liệu và cấu kiện xây dựng không phát thải chất độc hại môi trường. Vật liệu xây dựng có thể hàm chứa và phát thải khí ô nhiễm độc hại đối với môi trường. Cần phải lựa chọn các loại vật liệu có tính năng ít phát thải hoặc không phát thải khí ô nhiễm độc hại môi trường.
Phát triển CTX là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, nó mang lại lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển CTX, chính là ngành xây dựng thực thi Luật “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Chiến lược quốc gia về “Tăng trưởng xanh”, “Ứng phó với BĐKH”, đóng góp tích cực vào sự nghiệp BVMT & PTBV đất nước. Phát triển CTX ở nước ta lạc hậu và chậm hơn các các nước trên Thế giới ít nhất là khoảng 15 năm. Vì vậy chúng tôi đề nghi Bộ Xây dựng sớm ban hành Chiến lược phát triển CTX, Hệ thống tiêu chí CTX của VN, tiến hành xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ CTX, để đẩy mạnh trào lưu phát triển CTX ở nước ta theo kịp với các nước trên thế giới vào năm 2030./.

GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng
Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM