Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước ngành xây dựng lần thứ IV
Đại hội thi đua yêu nước ngành xây dựng lần thứ IV sẽ diễn ra vào ngày 10/11/2015 tại Hà Nội. Đại hội lần này sẽ có 600 đại biểu tham dự, đại diện cho hàng vạn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chủ đề của Đại hội là “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, kỷ cương và phát triển bền vững”.
Đại hội thi đua yêu nước ngành xây dựng lần thứ IV có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả phong trào thi đua, công tác khen thưởng của ngành giai đoạn 2010 – 2015; biểu dương những thành quả lao động sáng tạo, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước; trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc ổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng; qua đó xác định phương hướng, nhiệm vụ nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015 – 2020, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành xây dựng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Phát huy những thành tích đã đạt được của các phong trào thi đua yêu nước ngành xây dựng, từ năm 2010 đến nay, các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công nhân viên chức ngành xây dựng tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát triển. Các kết quả thi đua được cụ thể hóa bằng việc: Hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý nhà nước ngành xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, người nghèo thu nhập thấp; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng để nâng cao chất lượng công trình và chống thất thoát, lãng phí; hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo cân đối cung cầu và điều tiết, bình ổn thị trường xi măng và các vật liệu xây dựng cơ bản…
Các phong trào thi đua do Bộ Xây dựng và Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) phối hợp tổ chức có nhiều đổi mới với chủ đề, tên gọi dễ nhớ, hình thức phong phú, nội dung thiết thực, có tiêu chí cụ thể theo từng nội dung, gắn với nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị trong ngành. Trọng tâm là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; các phong trào thi đua: “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; “Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí, chống các tệ nạn xã hội”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công chức, viên chức, lao động; các cuộc vận động “Đảm bảo và nâng cao chất lượng công trình sản phẩm ngành xây dựng”; cuộc vận động “Tổ chức điều kiện sống và làm việc cho công nhân, viên chức ngành xây dựng”… Chương trình cải cách hành chính; chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống ngành xây dựng… Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến. Đại hội lần này sẽ lựa chọn, tuyên dương 55 cá nhân điển hình tiên tiến và 28 tập thể có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, đại diện cho hàng nghìn tập thể, cá nhân đã đạt thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành.
Theo Báo Xây dựng