Hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng tỉnh Hà Giang
(KTVN) – Chiều 29/3, Sở Xây dựng Hà Giang tổ chức Hội nghị nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tham dự hội nghị có bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng gồm: Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Viện Kiến trúc Quốc gia. Bên cạnh đó còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố.
Báo cáo đánh giá kết quả công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Ông Lê Thanh Sơn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, trong các năm 2021-2022, dưới dự lãnh chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Hà Giang, sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ, công chức Sở Xây dựng Hà Giang, công tác quản lý xây dựng nói chung, quản lý chất lượng công trình xây dựng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong 2 năm qua, Sở Xây dựng Hà Giang đã thẩm định, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi 53 hồ sơ; thẩm định, điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở 35 hồ sơ; thẩm định, điều chỉnh báo cáo kinh tế – kỹ thuật 72 hồ sơ; thẩm định, điều chỉnh khối lượng, tổng mức đầu tư dự án 14 hồ sơ.
Toàn bộ 100% các hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn theo yêu cầu của Bộ Xây dựng về thủ tục hành chính. Tổng mức đầu tư giảm trừ sau thẩm định là gần 41 tỷ đồng. Thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng 90 công trình; kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng 2 công trình.
Năm 2021, ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 1 quyết định thu hồi tiền với tổng số tiền thu hồi và xử phạt sau thanh tra là hơn 793 triệu đồng. Năm 2022, ban hành 43 1uyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, với tổng giá trị là 1,786 tỷ đồng.
Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Phối hợp với Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức 6 lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng cho cán bộ, công chức xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Giang xác định thực hiện 5 phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá những hạn chế trong quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Đa số công trình được kiểm tra hồ sơ khảo sát xây dựng không thực hiện đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng tới chất lượng hồ sơ thiết kế và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng; một số dự án được thực hiện bởi nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế không đủ điều kiện năng lực; một số huyện vẫn còn tình trạng thẩm định và trình phê duyệt hồ sơ trái thẩm quyền; một số nhà thầu chưa đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Cần xây dựng hệ thống quy chuẩn địa phương để quản lý hiệu quả
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng đã giới thiệu quy trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; giới thiệu về công tác đánh giá an toàn công trình xây dựng; giới thiệu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng.
Phát biểu thảo luận, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng – Nghiên cứu viên cao cấp (Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng) cho biết, qua tham luận của các chuyên gia về chất lượng quản lý, chất lượng xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Hà Giang, chúng ta thấy được quy trình, kế hoạch thanh tra kiểm tra, giám sát, các vấn đề an toàn lao động, các vấn đề liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực. Có thể thấy, trong những năm vừa qua, không có đối tượng nào tham gia vào toàn bộ vào hoạt động xây dựng trên toàn quốc mà không gặp khó khăn, áp lực.
Hiện nay, tất cả các cấp độ quy hoạch, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết song hành với việc thiết lập các quy trình quản lý kiến trúc đô thị cho cả đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, để quản lý chất lượng các công trình xây dựng, trong hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn, bản thân những hệ thống dưới luật cũng chưa được hoàn thiện, thậm chí còn thiếu vắng, tạo nên các khó khăn, áp lực cho các địa phương vùng sâu vùng xa, như tỉnh Hà Giang.
Hà Giang là một đại diện Tây Bắc, các nguồn lực, nguồn tài nguyên mà địa phương có, từ địa hình tự nhiên, sắc thái, cảnh quan thiên nhiên tạo ưu đãi một sự đa dạng, phong phú của văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong một sự phát triển đa nguồn lực, tiềm năng rất lớn nhưng ngược lại cũng trở thành áp lực. Nguyên nhân là vì sự phát triển, ứng xử với các tài nguyên, giá trị văn hóa như thế nào, khai thác như thế nào sao cho cùng song hành với cuộc sống, xã hội ngày nay.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng chia sẻ, ở Việt Nam, hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn áp dụng chung cho cả nước, cả quốc gia, nên mỗi định mức đưa ra ở dạng tối thiểu. Đôi khi, một lúc nào đó, không kịp thay đổi, điều chỉnh hệ thống này thì sẽ trở thành rào cản, hạn chế sự phát triển.
Hiện nay, Thông tư số 13/2022 của Bộ Khoa học Công nghệ công bố định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Nên hoàn toàn có thể xây dựng hệ thống đó cho riêng tỉnh Hà Giang và sẽ dùng quy chuẩn địa phương đó để quản lý, điều hành tất cả các hoạt động xây dựng, trong đó có các hoạt động về giám sát, kiểm tra chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng cho hay.
Được biết, Hà Giang đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc cho cả đô thị và nông thôn, nhưng trong Luật Kiến trúc, Nghị định 85 hình như bỏ qua một thuật ngữ đó là quy hoạch mà Nghị định 38 quy định rất rõ: Quản lý phải bằng quy hoạch. “Cần phải bổ sung yếu tố quy hoạch, nâng tầm yếu tố quy hoạch, đặc biệt là đối với hạ tầng kỹ thuật cho đô thị”, TS.KTS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành về quản lý chất lượng công trình
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ của chuyên gia các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đề nghị Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực xây dựng nói chung, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng nói riêng.
Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Kịp thời phát hiện, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, tránh để kéo dài gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kịp thời uốn nắn các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Thực hiện kiểm tra năng lực của các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ.
Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên chức thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn. Đối với các huyện, thành phố cần đẩy mạnh kiểm tra các phòng, ban chuyên môn trong quá trình thực hiện quản lý chất lượng công trình xây dựng đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ các quy định hiện hành.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các doanh nghiệp lắng nghe, chia sẻ, cùng chung tay tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, thi công công trình xây dựng để công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ
Kết luận hội nghị, Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho rằng, hội nghị đã hoàn thành mục tiêu đề ra là đánh giá các kết quả đạt được trong công tác quản lý chất lượng xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng thời xác định những tồn tại hạn chế nguyên nhân để đề ra phương án khắc phục và đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tiếp theo.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, Ban Giám đốc Sở sẽ triển khai ngay ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thành các chương trình nhiệm vụ, kế hoạch của ngành để thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Đồng thời, Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang đề nghị ngành xây dựng tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương về công tác quản lý xây dựng nói chung, quản lý chất lượng công trình xây dựng nói riêng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến công tác quy phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng tới các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh;
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ so với quy định, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót…
Quang Tuyền – Đức Thịnh