05/11/2015

Nghiên cứu khoa học và công cuộc phát triển kiến trúc

1

Kiến trúc càng phát triển, càng đòi hỏi sự bồi đắp tri thức, càng đòi hỏi sự thúc đẩy nghiên cứu khoa học.
Tri thức có hai con đường để tích lũy, – tự nhiên và bằng nghiên cứu khoa học. Sự tích lũy tự nhiên tạo thành bởi quan sát, chiêm nghiệm và tích góp kinh nghiệm. Sự vận dụng quỹ tri thức này, hễ lạm dụng, dễ dẫn tới những thói chủ quan và bảo thủ, đặc biệt là lối tư duy quán tính. Ta có thể nhận biết những biểu hiện này ở những ai được trao vào tay quyền điều khiển.
Tri thức tạo nên bởi nghiên cứu khoa học, trước hết làm ngắn bớt chặng đường tiếp cận thực tiễn và hun đúc nhận thức. Nghiên cứu khoa học kế thừa những tích lũy tự nhiên, song chủ yếu dựa vào sự vận dụng phương pháp luận khoa học, các công cụ tác nghiệp khoa học, để tiệm cận và để mổ xẻ – phân tích – lý giải và xác lập những con đường tác động vào sự vật – hiện tượng và thực tiễn.
Ở chừng mực nào đó, ta có thể mệnh danh tri thức tích lũy tự nhiên là quỹ ”tĩnh”, còn tri thức tích lũy bằng nghiên cứu khoa học là quỹ ”động”. Mà nói đến tính động là nói tới quan niệm, nói tới sự đề cao cùng sự đòi hỏi ở nghiên cứu khoa học sự vận động, nối chuỗi bởi lộ trình: đối tượng – mục tiêu – lời giải. Tính ích dụng và tính thực tế vừa là động cơ, vừa là tiêu chí kiểm định chủ trương cùng tính hiệu quả của nghiên cứu khoa học.

Kiến trúc không gian nhà cổ Đường Lâm, Tp. Hà Nội

Kiến trúc không gian nhà cổ Đường Lâm, Tp. Hà Nội

Ấy vậy, trên cánh đồng bất tận của nền tri thức kiến trúc hôm nay, ta nhận ra: sự tích lũy đang diễn ra chủ yếu theo phương thức “quảng canh”, chứ không theo phương thức “ thâm canh”. Lẽ ra các nghiên cứu khoa học, một là, thiên về bề mặt hơn là bề sâu; hai là, thuận về manh mún hơn là đồng bộ; ba là, nặng về cục bộ hơn là phối hợp; bốn là, lệch về triển khai hơn là phát huy.
Thành ra, thành quả nghiên cứu khoa học vốn “động” mà ngưng đọng dần thành “tĩnh”. Bỏ ra không ít tiền của, đốt cháy không biết bao nhiêu nhiệt huyết và công sức, thu hút không biết bao nhiêu lực lượng – tổ chức – con người vào cuộc, mà rốt cuộc, cái nền tảng vững chãi của nền tri thức kiến trúc vẫn chưa thiết lập được. Nó vẫn bộc lộ ra những nơi, những điểm hụt lún. Công cuộc tiến triển của xây dựng, của kiến trúc tăng tốc, tiến mà như lao về phía trước… Song ngoảnh đi ngoảnh lại, tìm kiếm chỗ tựa và chỗ định vị ở nền tri thức, ở nền lý luận cứu cánh, quả không dễ.
Sự lúng túng những sai lầm về chủ trương trong quy hoạch và trong những dự án, đều bắt đầu từ sự thiếu trang bị tri thức kiến trúc, theo cách hiểu rộng, tri thức cơ bản và tri thức thực tiễn. Các nghiên cứu khoa học có sứ mệnh bồi đắp và đa dạng hóa cái quỹ tri thức ấy. Càng đi nhanh, càng vươn cao, lại càng cần đến nó.
Chúng tôi cho rằng cần đặt 2 trọng tâm sau trong nghiên cứu kiến trúc:
1. Nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng
2. Nghiên cứu kiến trúc của 3 thì: dĩ vãng – hiện tại – tương lai.
Nghiên cứu kiến trúc thời dĩ vãng có những mục đích như việc góp phần soi rọi và tái lập lộ trình tiến hóa văn minh vật chất của dân tộc; làm sáng tỏ và khẳng định những đặc trưng và giá trị của nền kiến trúc truyền thống; nhận diện di sản để bảo vệ; kế thừa có chọn lọc và tiếp nối mạch tư duy và cảm thụ thẩm mỹ trong nền kiến trúc đương đại, như một nguồn gien.
Nghiên cứu kiến trúc thời đương đại chắc chắn là nhiệm vụ to lớn, nặng nhọc và cấp thiết hơn cả. Trong toàn bộ tiến trình – nền cảnh – bản chất của sự chuyển động kiến trúc thời nay, các nghiên cứu khoa học có những bổn phận nhận biết – tổng hợp – phát hiện – định danh – lý giải – luận cứ hóa – tháo gỡ – vạch hướng – điều chỉnh. Những nội hàm cơ bản này có thể được giải quyết bằng những nghiên cứu mang tính chất cơ bản và ứng dụng. Ai đó sẽ phải thực hiện trách nhiệm cân đối giữa cơ bản và ứng dụng.
Nghiên cứu kiến trúc cho tương lai, cho những giai đoạn trước mắt và lâu dài, mà gần đây ta quen mệnh danh là “tầm nhìn đến năm 2030 và 2050”, trước hết phải chú trọng việc nắm vững, nắm chắc và nắm thấu thực trạng xã hội hôm nay và thực trạng phát triển kiến trúc – đô thị hôm nay, để đưa ra những dự báo. Sự nhận dạng những xu hướng phát triển xã hội sở tại cụ thể và kiến trúc đô thị phải căn cứ vào sự tiếp cận khách quan, phi duy ý chí, đặc biệt nhận ra những gì mới nảy sinh mà có sức sống và những gì đang thịnh hành mà sẽ tàn lụi nay mai. Quy hoạch mở mang các đô thị đang rất cần những khảo cứu – dự báo – tiên lượng dạng này. Trước tiên, để tránh những quy hoạch không tưởng và quy hoạch treo.
Ở phần sau, xin đưa ra một số gợi ý cho nghiên cứu khoa học trong 2 địa hạt: đô thị và kiến trúc công trình.

2

Nghiên cứu đô thị ngày nay phải đặt vào diện ưu tiên hàng đầu. Trước tiên, công cuộc đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và tăng tốc, song cùng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Lý do thứ 2, quá trình đô thị hóa ở nước ta nảy sinh tương đối muộn mằn, diễn ra chưa hẳn đã quy mô và chỉ thật sự bùng nổ khoảng 2 – 3 thập niên gần đây, từ đó chẳng những tích lũy vật chất đô thị khá khiêm nhường, mà tri thức xây dựng đô thị cũng chưa hẳn dồi dào. Lý do khác, kiến trúc một con phố hoặc một quần thể có thể chưa đẹp hoặc còn lạc hậu, song chiến lược mở mang hoặc xây dựng đô thị, quy hoạch mở rộng mang hoặc xây dựng một đô thị, thì không những phải tiên tiến, mà còn phải được sản sinh bởi những tính toán, đủ tầm và đủ diện, với cái nền tảng vững chắc là tri thức. Ngày trước, nói đến kiến trúc, là nói đến ngôi nhà. Ngày nay, nói đến kiến trúc, là phải nói đến đô thị. Đô thị đang định đoạt diện mạo thế giới.
Nghiên cứu đô thị, với hai nội hàm cốt yếu là đô thị và quy hoạch đô thị, phải là những nghiên cứu tổng hợp và đồng bộ, mang tính liên ngành, trong đó sự tham gia của yếu tố nhân văn và xã hội, thường bị sao nhãng trong địa hạt này, phải được chú trọng, do đô thị cấu thành bởi cơ ngơi vật chất kỹ thuật và bởi cuộc sống cộng đồng dân cư.
Nghiên cứu đô thị trước hết đi từ điều tra – khảo sát – xây dựng quỹ dữ liệu thực tế và sự khai thác đầy đủ những kết quả từ đó. Chủ thể nghiên cứu lúc đó mới quay trở lại phục vụ và đáp ứng các câu hỏi mà việc soạn thảo các chủ trương, việc quy hoạch phát triển đặt ra. Nên coi những kết quả thu lượm từ thực tế, sau khi đã được xử lý theo khoa học, là một phần quan trọng cần đánh giá ngang bằng với các đầu ra của nghiên cứu.
Ưu tiên, cho đến nay vẫn cần coi là số 1, trong khảo sát – điều tra đô thị là việc xây dựng một báo cáo tổng hợp và một bản đồ thâu tóm thật đầy đủ, thật triệt để, thực trạng phát triển hệ thống các đô thị ở Việt Nam, trong đó đề cập tới những cục diện cơ bản như sự phân bố trên toàn bộ lãnh thổ và trên các vùng miền; tính chất và vai trò của đô thị, các yếu tố cấu thành và tạo thị, quy mô đất đai và dân số, tiềm năng và hướng phát triển, các thuộc tính nổi trội vv…
Tiến hành điều tra, khảo sát toàn diện một đô thị, trong đó có những cục diện hệ trọng như tài nguyên thiên nhiên hiện hữu (chứ không là từng có); những yếu tố nổi trội là lợi thế của thiên nhiên và đất đai; quỹ kiến trúc đô thị và vật chất, kỹ thuật: lãnh thổ và dân cư; cấu trúc thành phần dân cư; các yếu tố tạo thị và động lực phát triển; chất lượng môi trường thiên nhiên và cuộc sống; mức độ đô thị hóa kiến trúc – đô thị và dân cư; các không gian đô thị đặc trưng và hình thái kiến trúc đô thị; các dữ liệu về các thể loại công trình kiến trúc… Đối với các đô thị cũ và cổ, cần điều tra, khảo sát và kiểm kê quỹ kiến trúc đã hình thành ở các giai đoạn tồn tại của đô thị ấy, gồm các ô phố, đường phố, các công trình được quy vào diện di sản kiến trúc hoặc diện tiếp tục duy trì. Cùng với đó, xác định khả năng cải tạo và phát huy quỹ di sản kiến trúc này với mục đích nhấn mạnh tính riêng biệt trong diện mạo đô thị cũng như sức thu hút du lịch. Phân tích các mối liên kết giữa các thành phần cổ hoặc cũ với các thành phần mới của đô thị, đặc biệt từ phương diện hình thái học.

Không gian KĐT mới Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội

Không gian KĐT mới Quận Hà Đông, Tp. Hà Nội

Chiến lược phát triển đô thị ở Việt Nam đã được hoạch định cho đến năm 2020. Tuy nhiên, các cuộc điều tra và khảo sát ở từng mốc thời gian nào đó sẽ dẫn tới nhu cầu về sự điều chỉnh chiến lược này. Chúng tôi cho rằng để tạo nền tảng cũng như đường hướng cho phát triển đô thị, nên chăng mở ra hướng nghiên cứu: Triết lý phát triển đô thị Việt Nam. Nó có thể được chiết xuất từ những đặc điểm lịch sử và hiện trạng cơ ngơi vật chất của các đô thị, từ các đặc điểm kinh tế và xã hội ở ta và, không kém phần quan trọng, từ sự tham khảo để rút ra những bài học cho mình qua kinh nghiệm quốc tế. Hễ làm chủ được triết lý của ta trong xây dựng đô thị, ta sẽ đi theo con đường duy nhất phù hợp, thực thi đô thị hóa một cách tỉnh táo, không lặp lại những sai lầm của những ai đi trước, vừa tạo dựng cho các đô thị những cái riêng.
Có vô số chủ đề cho nghiên cứu đô thị và quy hoạch đô thị. Chẳng hạn: Phân bổ thế nào cho hợp lý hệ thống đô thị trên lãnh thổ; sự cần thiết thiết lập vùng đô thị; tính khả thi của việc mở rộng thành phố trung tâm ra cả tỉnh; quy mô đất đai và quy mô dân số cho các đô thị lớn, vừa và nhỏ; yếu tố chính trị – hành chính với vai trò chủ đạo ở các đô thị Việt Nam; mối liên quan giữa các động lực phát triển và tính chất cùng hình thái đô thị; chiến lược xây dựng đô thị biển, đô thị miền núi; mối liên quan giữa mở rộng lãnh thổ đô thị – xây dựng hạ tầng và kiến trúc – thành thị hóa dân cư; quy hoạch nén hay quy hoạch phân tán; vai trò và sự tác động thực tế của thiết kế đô thị trong diện mạo thành phố vv… Chúng ta cũng cần xác định thật rõ nội hàm của các trào lưu hiện đại như: ”đô thị sinh thái”, “đô thị xanh” và sự vận dụng chúng vào điều kiện của ta.

3

So với nghiên cứu đô thị, nghiên cứu kiến trúc ở ta bao quát và đồng bộ hơn, sâu và rộng hơn. Đặc biệt là nghiên cứu mang tính chất của bộ môn thể loại học công trình, như các chuyên khảo, các luận án và luận văn hoặc các đề tài nghiên cứu khoa học, có sự đầu tư kinh phí khá lớn về nhà ở, các công trình kiến trúc dân dụng và công cộng. Cái thiếu và cái yếu trong nghiên cứu kiến trúc công trình chính là ở các mặt tập hợp và phân tích, đánh giá và phát hiện, đặc biệt là phản biện và phê bình. Giới chuyên môn nhận ra và phê phán trào lưu nhại kiến trúc thời thực dân vẫn đang lây lan và trở thành sự lựa chọn của các chủ đầu tư là nhà quản lý hoặc người bỏ tiền túi, song vẫn chưa có một công trình nghiên cứu đủ tầm về những tai hại mà trào lưu này mang lại cho sự tiến bộ của nền kiến trúc Việt Nam đương đại, sự phung phí đến khó hiểu tiền của, đặc biệt ngân sách công.

Có thể nêu ra hai hướng cho nghiên cứu kiến trúc. Thứ nhất, nghiên cứu cơ bản, mang tính hàn lâm như di sản kiến trúc – tinh hoa và kế thừa; như nhận dạng bản sắc kiến trúc Việt Nam và những con đường chuyển tải nó vào sáng tác kiến trúc; như sự tổng nhìn nhận và đánh giá sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong những giai đoạn vừa qua; như nhận dạng các biểu hiện của sự hình thành các xu hướng hoặc trường phái trong sáng tác kiến trúc; như dự báo hướng phát triển kiến trúc trong những thập niên tới; như sự so sánh kiến trúc Việt Nam đương đại với kiến trúc các nước trong khu vực và thế giới…
Thứ hai, nghiên cứu mang tính đối phó với các cục diện phát sinh từ thực tiễn, như những biểu hiện của chủ nghĩa phô trương – hình thức trong nền kiến trúc Việt Nam đương đại; như sự đánh giá các tìm tòi – sáng tạo mới; như những đóng góp của các kiến trúc sư – tác giả; như đánh giá thẩm mỹ kiến trúc đại chúng và thẩm mỹ của chủ đầu tư, như trào lưu kiến trúc xanh vận dụng và điều kiện nước ta…
Chúng tôi muốn nhấn mạnh nhu cầu bức thiết về nghiên cứu kiến trúc nông thôn, một mảng lâu nay chưa được chú trọng. Các nghiên cứu liên ngành và nghiên cứu chuyên ngành kiến trúc cần làm rõ những tác động nào đã dẫn đến những chuyển biến gốc rễ trong kiến trúc nông thôn, từ cấu trúc không gian đến khuôn viên cư trú gia đình, đến nếp nhà. Làm rõ bản chất đích thực và thực trạng của hướng đô thị hóa nông thôn hay, hiện tượng ngược lại, thôn quê hóa thành thị. Mô hình nào cho cấu trúc cộng cư thay thế làng – ”nông thị” chăng. Có phương cách nào để cứu vãn không gian cư trú “bio” và “eco” truyền thống của nông hộ. Có giải pháp nào để tạo ra sự chuyển hóa mềm giữa mô hình nhà ở cổ truyền và mô hình nhà “ống”, hiện đang tràn ngập thôn quê, đặc biệt phía Bắc Giải pháp nào để chuyển tải đến bà con nông dân những tiện nghi và thẩm mỹ ở nơi trú ngụ, vừa đẹp nền nã lại vừa ít tốn kém Và, một ách tắc lâu nay: làm sao chuyển tải, làm sao thuyết phục được bà con nông dân làm theo những chỉ dẫn, những cải tiến của kiến trúc sư, hấp thụ tri thức kiến trúc hiện đại. Làm sao để bà con làm nhà theo hướng dẫn mà đỡ bắt chước những mẫu hình xấu ở các đô thị.
Vấn đề quan trọng cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đó là làm sao sử dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu kiến trúc, tri thức tích lũy. Chúng ta không thể tập trung hóa các lực lượng và tổ chức làm khoa học kiến trúc, một điều phản tự nhiên. Song chúng ta có thể và nên thu nạp vào một nơi các kết quả của nghiên cứu chuyên ngành, từ các tổ chức và lực lượng nghiên cứu phân tán. Nơi đó là một thiết chế khoa học, hút vào và tỏa ra, thu nạp – lưu giữ – cung cấp dữ liệu. Đã đến lúc thiết lập một trung tâm dữ liệu và thông tin kiến trúc – xây dựng như vậy cho cả nước. Bên cạnh việc tạo dựng quỹ dữ liệu, nó phải thực hiện vòng quay giữa cơ quan lưu giữ dữ liệu và những chủ thể nghiên cứu, giữa những chủ thể nghiên cứu và người sử dụng kết quả nghiên cứu. Cái cầu nối những mối quan hệ này chính là một ấn phẩm thông báo danh mục các nghiên cứu đã – đang và sẽ thực hiện nơi nọ nơi kia, chính là sự cung cấp thông tin trên mạng. Thiếu sự tập hợp vào một đầu mối, các thành tựu nghiên cứu khoa học kiến trúc – xây dựng sẽ nằm bất động và rơi vãi ở nơi này, người kia, sẽ chảy vào cái bình chứa không đáy.
Tri thức tạo nên bằng trí não, bằng công sức, bằng tiền của – phải được dụng, nhất là khi sự phát triển đang cần đến./.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Tạp chí Kiến trúc Việt Nam