10/03/2023

Đặt mục tiêu xây dựng cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu) thành Khu kinh tế đa ngành

(KTVN) – Hôm qua (9/3), Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì và làm Chủ tịch Hội đồng.

Báo cáo tóm tắt thuyết minh Nhiệm vụ, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được thành lập theo Quyết định số 187/2001/QĐ-TTg ngày 7/12/2001. Từ đó đến nay, Khu kinh tế đã được UBND tỉnh Lai Châu quan tâm, đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu, tăng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu và thu ngân sách trên địa bàn, thu hút được một số nhà đầu tư vào khu vực cửa khẩu.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có nhiều vướng mắc trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, việc lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng là rất cần thiết, góp phần tạo động lực phát triển cho tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc.

Phạm vi nghiên cứu Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng gồm 3 xã (Ma Li Pho, Huổi Luông, Mường So) và thị trấn Phong Thổ; phía Bắc giáp xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và huyện Kim Bình thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phía Đông giáp xã Hoàng Thèn, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị (Ảnh: TL)

Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng thành khu vực phát triển năng động, hiệu quả, có tầm quốc tế; là một cực tăng trưởng quan trọng, trung tâm phát triển kinh tế của vành đai kinh tế biên giới phía Bắc, trở thành động lực phát triển của vùng Tây Bắc; phát triển kinh tế xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường, phát triển biên mậu Việt – Trung, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội và đảm bảo vùng biên giới hoà bình, hữu nghị.

Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng được quy hoạch với tính chất và chức năng là một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và khu vực ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; là khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, đa lĩnh vực; một trong những trung tâm kinh tế về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của khu vực các tỉnh miền núi phía Tây Bắc, có khả năng gắn kết với các địa phương khác tạo thành tuyến dịch vụ thương mại du lịch động lực của toàn vùng trung du miền núi phía Bắc.

Nhiệm vụ yêu cầu làm rõ vai trò đầu mối giao thông, trao đổi hàng hóa liên vùng của Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng với vành đai kinh tế biên giới Việt – Trung; nghiên cứu quan hệ đối ngoại với các trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); dự báo dân số, nhu cầu phát triển đất và các yêu cầu về không gian đối với các khu chức năng.

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xoay quanh các lĩnh vực quy hoạch, giao thông, du lịch, môi trường; văn hóa, an ninh quốc phòng…

Theo Hội đồng, đơn vị tư vấn cần làm rõ hơn quan điểm, mục tiêu lập quy hoạch; bổ sung bản đồ hiện trạng Khu kinh tế năm 2001 và làm rõ hơn sự thay đổi về ranh giới hành chính hiện nay; phân tích vai trò liên kết vùng, các yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; làm rõ các phương án thoát nước thải, vị trí xây dựng các trạm xử lý nước thải.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn tổng hợp ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, đề nghị UBND tỉnh Lai Châu và đơn vị tư vấn nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, trong đó tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung căn cứ pháp lý; làm rõ hơn lý do, sự cần thiết lập quy hoạch, đảm bảo phù hợp với các cấp độ quy hoạch; lưu ý tính kết nối vùng.

Đồng thời,Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Lai Châu chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường thống nhất một số nội dung liên quan, chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện Báo cáo thuyết minh và hồ sơ Nhiệm vụ, để UBND tỉnh Lai Châu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

Quang Tuyền