Nghiệm thu Nhiệm vụ “Thiết kế điển hình công trình văn hóa thể thao phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp” do Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện
Ngày 2/3/2023, tại 37 Lê Đại Hành, Hà Nội, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu Nhiệm vụ “Thiết kế điển hình công trình văn hóa thể thao phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp”, do nhóm nghiên cứu Phòng NCUD khoa học công nghệ kiến trúc thuộc Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ QHKT Hồ Chí Quang-Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Trình bày báo cáo tại cuộc họp, ThS.KTS Nguyễn Quốc Hoàng thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết, những năm qua với sự phát triển của đất nước, các khu công nghiệp cũng phát triển rất nhanh về cả số lượng và quy mô đầu tư, thu hút hàng nghìn lao động và việc làm. Tuy nhiên, tại đây các hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở phục vụ công nhân lao động vẫn chưa được đầu tư tương xứng; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người lao động; môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm xây dựng và phát triển. Do đó, rất cần thiết cho việc đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động.
Nhóm tác giả đề tài nghiên cứu đã có đề xuất một số mô hình trung tâm thể thao văn hóa vui chơi giải trí cho công nhân các khu công nghiệp; quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, cơ sở vật chất nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, phần ổn định đời sống người lao động trong các khu công nghiệp hiện nay.
Qua tài liệu, số liệu thống kê, nhóm nghiên cứu đã thực hiện các công tác điều tra, khảo sát tại khu công nghiệp ở nhiều địa phương, vùng miền trên toàn quốc; thu thập và tổng hợp, phân tích số liệu công trình văn hóa thể thao phục vụ công nhân khu công nghiệp, phân tích những ưu, nhược điểm của các công trình hiện có; tiến hành so sánh, từ đó đề xuất 3 mẫu thiết kế điển hình dự trên quy mô, số lượng công nhân làm việc, lưu trú trong khu công nghiệp có lưu ý đến yếu tố đặc thù (loại I đối với khu công nghiệp có trên 10.000 công nhân; loại II đối với khu công nghiệp có từ 5.000 – 10.000 công nhân; loại III đối với khu công nghiệp dưới 5.000 công nhân).
Ngoài ra, nhóm tác giả đã đưa ra một số kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ, xây dựng thiết chế và tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân; phân loại các thiết chế công đoàn cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp; quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp phải gắn liền với quy hoạch, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa cho người lao động. Bên cạnh đó, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo môi trường thuận lợi, bố trí quỹ đất, ngân sách hợp lý để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao công cộng phục vụ nhu cầu cấp thiết của công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
Sau các nội dung trình bày, báo cáo kết quả của nhóm nghiên cứu, các chuyên gia, thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết của đề tài, đồng thời ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện các nội dung, yêu cầu đề cương đã được phê duyệt; Cấu trúc, thể thức hồ sơ đảm bảo quy định; Báo cáo tổng kết đã nêu bật bức tranh về thực trạng công trình văn hóa thể thao phục vụ công nhân các khu công nghiệp. Đồng thời, nhóm đã đề xuất nhiều mẫu thiết kế điển hình công trình văn hóa thể thao phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp và đề xuất, kiến nghị cụ thể, có tính khả thi cao.
Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Hồ Chí Quang tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa (nếu có) hoàn thiện các sản phẩm đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt.
Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu nhất trí bỏ phiếu thông qua nghiệm thu đề tài, đạt loại Khá.
Đức Nguyên